| Hotline: 0983.970.780

Gian nan đưa vacxin lên vùng biên

Thứ Năm 25/05/2023 , 06:08 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Tập quán thả rông gia súc nên mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, đàn gia súc tại vùng biên giới thường bị nhiễm nhanh và lây lan rộng do chưa được tiêm vacxin.

Bà con dân bản đưa đàn bò về nuôi nhốt để tiêm vacxin phòng bệnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Bà con dân bản đưa đàn bò về nuôi nhốt để tiêm vacxin phòng bệnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Đi nửa ngày mới tới chỗ tiêm vacxin

Từ sáng sớm, chúng tôi xuất phát ở trung tâm huyện Bố Trạch (Quảng Bình) để đi biên giới Việt - Lào. Con đường 20 Quyết Thắng có km số 0 tại thị trấn Phong Nha hun hút theo hướng tây sẽ đến biên giới tại cửa khẩu quốc tế Cà Roòng - Noọng Ma.

Tuy đường được rải nhựa nhưng còn nhỏ hẹp, ngoằn nghèo xuyên qua giữa những vạt rừng già Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Xe đi qua những con dốc dựng ngược với một bên là rừng rậm vách đá và một bên là vực sâu hun hút chỉ nghe gió thổi ù ù. Gần trưa, chúng tôi mới đến được xã miền núi Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch đón chúng tôi trong cái bắt tay hồ hởi. Tân Trạch chỉ có hai bản, trong đó bản 39 là nơi đóng trụ sở UBND xã với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc A Rem. Bản thứ 2 là Đoòng nằm ở vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Vân Kiều. Từ trị sở xã Tân Trạch đi vào Đoòng cũng mất gần nửa ngày vượt suối, đèo.

Ông Đại cho hay, mấy năm gần đây, nhờ đường sá thông thương nên bà con vùng biên đã biết phát triển mạnh đàn gia súc. Đến nay, bản 39 có gần 100 con trâu, bò. Những năm trước dịch bệnh xảy ra nhiều nên bà con rất lo lắng bởi gia súc gần như là tài sản lớn nhất với họ. Nhưng kể từ khi được chính quyền địa phương và ngành thú y tổ chức tiêm phòng, số lượng trâu, bò bị chết do dịch bệnh giảm rõ rệt.

Trên sân vận động lớn của xã Tân Trạch, gần 100 trâu, bò của bà con đã được lùa đến để chờ cán bộ thú y tiêm phòng vacxin lở mồm long móng.

Anh Nguyễn Quang Huy, Phó phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch giải thích: "Đây là vùng cao nên thường xuyên có thời tiết giá lạnh hơn đồng bằng nên dịch bệnh lở mồm long móng rấy hay nổ ra. Do đó, chúng tôi phải tăng cường tiêm vacxin phòng ngừa bệnh này cũng như hướng dẫn bà con làm vệ sinh chuồng trại, thoáng mát khi mùa hè, ấm về mùa đông."

Chuồng trại được đóng cũi để thuận tiện cho việc tiêm vacxin cho trâu, bò. Ảnh: Công Điền.

Chuồng trại được đóng cũi để thuận tiện cho việc tiêm vacxin cho trâu, bò. Ảnh: Công Điền.

Trước đây, khi tuyến đường giao thông còn trắc trở, việc phát triển đàn gia súc ở 2 xã miền núi của Bố Trạch rất khó khăn, bà con chủ yếu chỉ chăn thả vài con trâu, bò tận dụng lúc nông nhàn. Sau khi đường sá được thông thoáng, lái buôn đồng bằng đến mua trâu, bò nhiều hơn nên bà con dân tộc ở hai xã biên giới đã có ý thức nuôi thêm gia súc để bán nên đàn trâu, bò tăng nhanh về số lượng.

Tuy nhiên, do chăn thả theo tập quán nên mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, đàn trâu, bò ở vùng biên giới thường bị lây nhiễm nhanh và lan rộng. Có năm, đàn trâu, bò bị bệnh chết, buộc phải tiêu hủy gần như 100%. Trước tình hình đó, Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch xây dựng chương trình đưa vacxin lên vùng biên giới.

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, năm đầu tiên đưa vacxin lên bà con cũng e dè. Phần vì trâu, bò thả rông khó đưa về, phần vì chưa quan tâm tới việc tiêm vacxin cho đàn gia súc công nỗi sợ trâu, bò sau tiêm sẽ bị chậm lớn. Vì thế, chính quyền địa phương, các phòng, ban phải cử cán bộ lên cắm bản vận động bà con làm khu nuôi nhốt, hạn chế chăn thả rông goa súc cũng như tuyên truyền "mưa dầm thấm lâu" cho bà con hiểu lợi ích của việc tiêm phòng vacxin.

Anh Đinh Lực, cán bộ thú y cơ sở được tập huấn nên rất thành thục trong việc tiêm vacxin cho đàn gia súc ở xã Thượng Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Anh Đinh Lực, cán bộ thú y cơ sở được tập huấn nên rất thành thục trong việc tiêm vacxin cho đàn gia súc ở xã Thượng Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Ý thức tự giác tiêm vacxin cho gia súc ngày một tăng

Với những thùng trữ lạnh bảo quản vacxin được đưa xuống sân vận động xã Tân Trạch, một tổ công tác ở lại làm nhiệm vụ tiêm phòng cho bà con, đoàn còn lại của chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu vực biên giới với điểm đến là xã Thượng Trạch. Tại trụ sở UBND xã Thượng Trạch, các cán bộ thú y cơ sở đã có mặt để nhận thuốc và thiết bị công tác thú y.

Ông Đinh Ku, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch chia sẻ, bây giờ bà con đã chú trọng hơn việc phát triển đàn trâu bò. Phát triển đàn gia súc cũng là phát huy thế mạnh của địa phương. Đến nay, tổng đàn gia súc đã có trên 1.500 con. Những năm tới, khi khống chế được dịch bệnh chắc chắn tỷ lệ tăng trưởng còn cao hơn.

Tổ công tác thú y về đến bản Cà Roòng 1. Ngoài khu vực bản là mấy chuồng trâu, bò được làm chắc chắn cạnh con đường bê tông rộng rãi. Mỗi chuồng bò được rào bằng dây thép gai trên vùng đất rộng chừng vài chục mét vuông. Mái chuồng bò được lợp tôn chắc chắn. Khung gỗ được chôn sâu nên bò có tựa hông cà vào cột cũng không thấy chuồng lung lay.

Ông Đinh Vổ, một người nuôi bò có tiếng tại bản cười bảo đợi cán bộ thú y đấy. Nhà ông Vổ có đàn bò hơn chục con. Được cán bộ vận động, ông và một số hộ gia đình đã dời chuồng trại ra khỏi khu vực bản và chọn vùng đất này để nuôi nhốt.

"Muốn có đàn bò nhiều con phải tiêm vacxin thôi. Cách đây hơn 3 năm, bò nhà tôi bị bệnh chết rất xót, bữa nay có vacxin không lo nữa rồi. Tháng trước, nhà tôi mới bán được 2 bò được gần 30 triệu đồng đấy chớ." Ông Vổ hào hứng khoe.

Cán bộ thú y của xã Thượng Trạch là anh Đinh Lực, một thanh niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Nhờ được tập huấn và cán bộ Phòng NN-PTNT Bố Trạch cầm tay chỉ việc nhiều lần nên anh Lực có kỹ thuật rất tốt về tiêm phòng vacxin đàn gia súc. Biết nắm những dấu hiệu ban đầu của các loại dịch bệnh trên đàn trâu, bò. Trong chuồng bò nhà ông Vổ đã đóng sẵn cái cũi để khi lùa bò vào và cài thanh gỗ khóa đầu, đuôi để con bò chỉ có thể đứng yên trong đó.

Anh Đinh Lực phụ giúp ông Đinh Vổ lùa một bò đực lớn vào cũi. Ông Vổ cầm dây mũi bò ghì chặt, một tay ông vỗ vỗ lên đầu con bò và nói mấy câu gì đó làm chú bò đang phì phì thở, chân sau đá cồn cộm vào thanh gỗ chợt đứng yên. Anh Đinh Lực nhanh tay cắm kim tiêm vào bờ vai chân trước con bò. Chỉ mấy giây thôi, nghe anh Lực nói “xong”, ông Vổ thả dây mũi cho con bò ra khỏi cũi rồi chạy ra bãi sân lùa tiếp con khác vào.

Tiêm xong, tổ công tác lại tiếp tục đến bản Cà Roòng 2 tới nhà ông Đinh Trực. Ông Trực có đàn trâu 8 con được nhốt quay lại trong chuồng đợi tiêm. Khi tổ công tác đến, ông nhanh nhẹn đi bắc nồi nước sôi để sát trùng ống kim tiêm.

Cán bộ thú y cơ sở tiêm vacxin cho đàn trâu ở bản Cà Roòng 2. Ảnh: Công Điền.

Cán bộ thú y cơ sở tiêm vacxin cho đàn trâu ở bản Cà Roòng 2. Ảnh: Công Điền.

Quá trưa, tổ công tác về lại trụ sở UBND xã Thượng Trạch và thấy ông Đinh Ku, Chủ tịch UBND xã vẫn còn đợi. Ông cười bảo, chiều nay cán bộ thú y sẽ đi đến các bản khác để cố gắng trong hai ngày phải tiêm xong đàn gia súc trên địa bàn xã.

"Vacxin chúng tôi chạy máy nổ để tủ lạnh bảo quản. Riêng lực lượng cán bộ thú y địa phương tham gia đợt tiêm phòng này được xã bồi dưỡng 50.000 đồng xăng xe và 50.000 đồng ăn trưa cho mỗi ngày. Vì ngân sách xã còn khó khăn nên anh em cũng chia sẽ và rất nhiệt tình." Ông Đinh Ku nói.

Theo ông Đinh Ku, nhờ làm tốt công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc nên dịch bệnh đã được đẩy lùi. Tổng đàn bò tăng nhanh. Có nhiều gia đình ở bản Cà Roòng 1, cà Roòng 2, Cồn Roàng, Bản Bụt... đã có đàn bò lên đến hàng chục con nên kinh tế hộ gia đình rất vững vàng. Khi cần làm việc lớn bán đi vài con trâu, bò là có vài chục triệu đồng ngay.

Gia đình ông Đinh Xay ở Bản Bụt, xã Thượng Trạch, Bố Trạch mấy năm gần đây đã phát triển đàn bò lên 20 con. Ông Đinh Xay cho biết, nhờ cán bộ lên tận nơi tiêm phòng vacxin nên bò lâu nay ít bị mắc bệnh. Bà con trong bản yên tâm lắm. Khi nghe thông báo của xã về tiêm phòng bà con đã tự giác đưa bò về nhốt để cán bộ thú y tiêm. Giữ được đàn bò khỏe mạnh cũng đồng nghĩa với việc bà con vùng biên cất được của cải trong nhà.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.