| Hotline: 0983.970.780

Giao chỉ tiêu cung ứng cát cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam

Thứ Sáu 28/06/2024 , 10:09 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao khối lượng cung ứng cát cho các tỉnh ĐBSCL để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Bắc Bình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Bắc Bình.

Giao khối lượng cung ứng cát san lấp cho các tỉnh ĐBSCL

Tại buổi làm việc với các Bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận, giao nhiệm vụ cung ứng khối lượng cát cụ thể cho các địa phương có các dự án đi qua.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông, trong đó có các dự án tại khu vực phía Nam. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đi kiểm tra thực địa và làm việc với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về cung ứng vật liệu đắp nền đường, bước đầu đạt kết quả tốt.

Các Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã chủ động điều phối và cung ứng nguồn cát đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực; đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng tương trợ nguồn vật liệu cho phần thiếu hụt của các dự án, nhờ đó đã bảo đảm được phần lớn nhu cầu cát đắp nền đường theo tiến độ triển khai các dự án.

Tuy nhiên, một số địa phương có nguồn vật liệu (đặc biệt là tỉnh Tiền Giang) còn chưa chủ động, chưa có sự quyết liệt, các cơ quan tham mưu nghiên cứu chưa sâu, tham mưu chưa đúng việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chưa áp dụng kịp thời cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, dẫn đến chưa có phương án cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án còn thiếu nguồn.

Đối với dự án còn thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 7 các địa phương có mỏ phải hoàn thành thủ tục để khai thác cát cung ứng cho các dự án, bảo đảm khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ thi công theo ý kiến của Bộ GTVT và Bộ TN-MT.

Trong đó, tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cho các Dự án giao thông Cần Thơ - Cà Mau (khoảng 2 triệu m3); Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khoảng 4,55 triệu m3); Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM (khoảng 6,6 triệu m3); Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (khoảng 0,95 triệu m3); Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận (khoảng 1,85 triệu m3).

Thi công san lấp dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Đình Tuyển/Thanh niên.

Thi công san lấp dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Đình Tuyển/Thanh niên.

Tỉnh Bến Tre cung ứng khoảng 7,37 triệu m3 cho các Dự án: Cần Thơ - Cà Mau (khoảng 2 triệu m3); Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khoảng 3,37 triệu m3); Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM (khoảng 2 triệu m3).

Tỉnh An Giang cung ứng đủ 3,395 triệu m3 cát đắp nền đường cho phần còn thiếu của Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản.

Các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng tiếp tục rà soát ưu tiên cung ứng vật liệu đắp nền cho các dự án trọng điểm theo tiến độ; tỉnh Vĩnh Long cung ứng cho Dự án Vành đai 3 TP. HCM 1,4 triệu m3, trong đó năm 2024 là 0,7 triệu m3.

Hoàn thành giao khu vực biển để khai thác vật liệu cát biển

Về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT khẩn trương hoàn thành thủ tục giao khu vực biển trước ngày 28/6 để UBND tỉnh Sóc Trăng và các nhà thầu triển khai hoạt động khai thác.

Căn cứ kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho dự án giao thông, Bộ Giao thông Vận tải sớm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng để sử dụng cát biển, yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công…) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, hoàn thành trước ngày 30/6. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chủ động nghiên cứu để quyết định việc thực hiện triển khai thí điểm mở rộng theo thẩm quyền.

Chính phủ ban hành hàng loạt các biện pháp gỡ khó cho việc thiếu cát san lấp các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Ảnh: PLO.

Chính phủ ban hành hàng loạt các biện pháp gỡ khó cho việc thiếu cát san lấp các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Ảnh: PLO.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT; UBND tỉnh Hậu Giang có thông tin chính thức, đầy đủ cho các cơ quan truyền thông và các cá nhân có liên quan biết về chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; kết quả thực hiện thí điểm trong thời gian qua, nhất là việc ảnh hưởng (nhiễm mặn) đến cây trồng, vật nuôi tại khu vực thí điểm.

Trong đó, cần lưu ý thông tin của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tại cuộc họp về việc một số diện tích lúa của tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn trong thời gian qua không liên quan đến hoạt động thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Cơ quan chủ quản các dự án (Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hậu Giang) cử 1 lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo các chủ đầu tư, các cán bộ làm công tác chuyên môn làm việc với các tỉnh có nguồn vật liệu (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng…), bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, công suất vật liệu đắp nền đường, đáp ứng tiến độ thi công các dự án thuộc phạm vi quản lý...

Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN-MT, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang… để chủ động nắm bắt và giải quyết dứt điểm, triệt để các khó khăn vướng mắc về vật liệu đắp nền đường; hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các thủ tục nâng công suất mỏ hiện đang khai thác; thủ tục rút gọn nhất có thể để cấp phép mỏ mới bao gồm cả việc không phải thực hiện đấu giá theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định 158;

Hướng dẫn UBND tỉnh An Giang điều chuyển linh hoạt khoảng 2,43 triệu m3 (từ các mỏ đã cấp đối với Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) cung ứng vật liệu san lấp cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đảm bảo 1 mỏ có thể cấp cho nhiều nhà thầu, nhiều dự án và việc điều tiết không làm tăng thêm chỉ tiêu chung về nguồn cung ứng vật liệu đắp nền đường đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh An Giang và các địa phương có liên quan); thủ tục hoàn trả lại từ các mỏ đã cấp cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sau khi dự án này hoàn thành công tác đắp nền đường cũng như chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn trả vật liệu san lấp đã điều tiết, bảo đảm đúng tiến độ Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước ngày 5/7.

UBND các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và địa phương có vướng mắc khẩn trương hoàn thiện thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 15/7 về điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đối với nội dung liên quan đến khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng trên địa bàn để cung ứng cho các dự án giao thông trọng điểm.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.