Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu. Ông sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp tú tài tại Hải Phòng, ông lên Hà Nội làm nghề dạy học và đi theo con đường cách mạng.
Giáo sư Vũ Khiêu từng đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Văn hoá khu 10 tại Việt Bắc, sau đó làm Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, rồi làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Giáo sư Vũ Khiêu là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Không chỉ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, giáo sư Vũ Khiêu còn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên vào năm 1996.
Giáo sư Vũ Khiêu là nhân vật tiên phong nghiên cứu mỹ học tại Việt Nam, với tác phẩm “Đẹp” in năm 1963. Trong sự nghiệp của mình, giáo sư Vũ Khiêu có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Cao Bá Quát” in năm 1970, “Ngô Thì Nhậm” in năm 1976, “Anh hùng và Nghệ sỹ” in năm 1972, “Cách mạng và Nghệ thuật” in năm 1979… Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm dịch thuật, mà tiêu biểu là tiểu thuyết “Rừng thẳm tuyết dày”
Khi đã ở tuổi 90, giáo sư Vũ Khiêu vẫn miệt mài nghiên cứu, và làm chủ biên bộ sách “Văn hiến Thăng Long” dày 2400 trang.
Giáo sư Vũ Khiêu rất tự hào về truyền thống hiếu học nơi mình chôn nhau cắt rốn: “Ở làng tôi, giàu có chưa chắc đã được trọng bằng có chữ. Thậm chí, trọc phú thì dễ bị coi thường. Những gia đình khá giả có con gái ngoan cũng thường tìm gả cho các hàn sĩ, tiền ít nhưng chữ nhiều. Các cô gái đẹp cũng hay yêu những nhà nho, không phải chỉ vì hy vọng rồi chồng mình sẽ đỗ đạt, hiển danh. Thi đậu hay trượt thì là do may rủi, nhưng những người có học thường sống nhân tình thế thái hơn”.
Giáo sư Vũ Khiêu kết hôn với bà Nguyễn Thị Quý (1919-1992) và có 4 người con đều thành đạt là Đặng Quỳnh Khanh sinh năm 1944, Đặng Cảnh Khanh sinh năm 1947, Đặng Vũ Hạ sinh năm 1950 và Đặng Hoa Thạch sinh năm 1957.