Cần hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo
Theo TS. Trần Hải Linh, dự thảo báo cáo chính trị lần này giữ nguyên 3 đột phá nhưng nội hàm đã có thay đổi. Cụ thể, 3 đột phá gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân - Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc cũng cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng có ít nhất 1 nơi là trung tâm tài chính đẳng cấp khu vực. Các đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ vốn thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc qua kênh mua bán - sáp nhập, hoạt động kiều hối, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, thứ nhất, cần phân tách ra 2 mô hình, đó là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần.
Trong đó, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình.
Thứ hai, cần giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm.
Giáo sư và phó giáo sư dựa trên những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế (patent), hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được, những ứng dụng đưa vào thực tiễn xã hội và phát triển thương mại.
Tạo cơ hội để đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài cống hiến
Thứ ba, giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình. Tuyển chọn và hỗ trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc đang cần đến.
Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung được vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. Thành lập một số nhóm nghiên cứu cho một số lĩnh vực trọng tâm (ưu tiên cho Công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm cụ thể, cấp cho họ khoản kính phí hoạt động ban đầu nhất định).
Đổi lại họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể, ra sản phẩm cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể.
Thứ tư, các chính sách về khoa học và giáo dục cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học có chất lượng, đặc biệt là khả năng áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong đời sống thực tiễn, tạo giá trị thặng dư cho việc phát triển kinh tế.
Theo TS Trần Hải Linh, chính quyền - nhà trường - nguồn nhân lực chất lượng cao - sự phát triển khoa học công nghệ - doanh nghiệp luôn phải là cầu nối và có mối quan hệ tương hỗ, mật thiết lẫn nhau.
TS Linh nêu rõ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cần được hình thành hoàn chỉnh hơn, có sự kết nối tốt với những quỹ đầu tư tăng tốc toàn cầu, có những “mentor” - người hướng dẫn có kinh nghiệm, có khả năng để tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản là trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Các tổ chức dịch vụ tư vấn, giám định, thẩm định, đánh giá, ươm tạo, môi giới chuyển giao công nghệ được khuyến khích hình thành và phát triển với sự liên kết với những đơn vị quốc tế có khả năng phù hợp với Việt Nam.