| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Chủ Nhật 15/12/2024 , 16:23 (GMT+7)

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Việc giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thuỷ lợi để đáp ứng sản xuất trong vùng đang trở thành thách thức lớn hiện nay. Ảnh: Trọng Linh.

Việc giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thuỷ lợi để đáp ứng sản xuất trong vùng đang trở thành thách thức lớn hiện nay. Ảnh: Trọng Linh.

Hàng năm, nhu cầu sử dụng nước vùng ĐBSCL vào khoảng 22,8 tỷ m3; thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô khoảng 4,2 tỷ m3 và được dự báo có thể thiếu hụt 4,8 tỷ m3 vào năm 2030 và 5 tỷ m3 vào năm 2050.

Những vùng giao thoa giữa mặn và ngọt như các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… đã xây dựng quy hoạch liên vùng. Qua đó, đề xuất xây dựng các dự án công trình và phi công trình giúp cải thiện năng lực sản xuất, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt trong bối cảnh xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.

Tại Cà Mau, tỉnh ven biển duy nhất có ba mặt giáp biển và không có nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông. Cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán kéo dài, nước trên các sông, rạch khô cạn, ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hoá bằng đường thủy. Trước những thách thức đặt ra, việc rà soát tổng thể quy hoạch lại vùng ngọt hoá để đảm bảo phục vụ sản xuất là yêu cầu cấp thiết.

Mùa khô tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Mùa khô tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, đánh giá: Thực tế trong thời gian qua, khi triển khai những dự án tiểu vùng thì chúng tôi nhận thấy rằng đối với những diện tích quá lớn, ví dụ như Tiểu vùng 3 Bắc Cà Mau với tích trên 44.000ha, hệ thống thủy lợi vẫn chưa đáp ứng thực tế sản xuất. Lý do là điều kiện địa hình có những khu vực rất cao nhưng cũng có những khu vực rất trũng. Hoạt động sản xuất của người dân sẽ không đồng bộ và chưa đạt hiệu quả như ý.

Nằm trong quy hoạch vùng ngọt hoá của tỉnh, huyện Trần Văn Thời được hình thành và phát triển với đa dạng hệ sinh thái, phong phú chủng loại cây trồng, vật nuôi, các loài thủy sản nước ngọt và đã trở thành nét đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, việc giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất trong vùng đang trở thành thách thức không nhỏ.

Cà Mau thực hiện giải pháp đầu tư vào hệ thống thủy lợi nội đồng trong vùng ngọt. Ảnh: Trọng Linh.

Cà Mau thực hiện giải pháp đầu tư vào hệ thống thủy lợi nội đồng trong vùng ngọt. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều năm qua, sản vật của vùng đất ngọt hoá này luôn được bảo vệ, duy trì, phát triển nhờ đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín. Trong đó, hệ thống đê bao ngoài (Tiểu vùng 3 được giới hạn bởi đê biển Tây, đê Sông Ðốc - Tắc Thủ, đê kênh Minh Hà - Kênh 84 - kênh Ba Tĩnh) được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.

Hệ thống 58 cống cũng được xây dựng đảm bảo điều tiết nước, trong đó tuyến đê Minh Hà - Sông Ðốc có 26 cống, tuyến đê biển Tây 6 cống và tuyến bờ bao các ô của tiểu vùng 24 cống. Ðồng thời, đầu tư 9 trạm bơm, 29 máy, tổng công suất 134.000 m3/h.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Nếu theo kết quả rà soát quy hoạch hiện nay, thì giải pháp đầu tiên cần tính đến là đầu tư vào hệ thống thủy lợi ô nhỏ trong vùng ngọt. Điều này nhằm đảm bảo điều tiết một cách linh hoạt giữa các vùng nhỏ có cao trình khác nhau, sao cho các vùng sản xuất có thể hài hòa và giữ được lượng nước mưa tối đa . Đồng thời, cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất và lịch mùa vụ theo từng thời điểm cho phù hợp.

Ông Sử cũng nhấn mạnh, với địa phương khan hiếm nguồn nước ngọt như tỉnh Cà Mau, rất cần Trung ương bố trí nguồn vốn để đồng bộ hệ thống thủy lợi, vừa sử dụng hiệu quả nguồn nước vừa tránh lãng phí tài nguyên của quốc gia.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.