Hiệu quả của các công trình thủy lợi
ĐBSCL vùng đất trù phú, đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng. Với vai trò đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, Chi nhánh ĐBSCL của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đang nỗ lực trong việc hoàn thiện các công trình và hệ thống hạ tầng thủy lợi. Tuy nhiên, theo ông Lê Tường Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững và đời sống ổn định cho người dân, hệ thống này vẫn cần được đầu tư đồng bộ hơn.
Ông Lê Tường Minh cho biết, nhờ sự quan tâm của Trung ương và địa phương, nhiều công trình thủy lợi lớn đã được xây dựng tại ĐBSCL. Các công trình này đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nguồn nước, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các hồ chứa nước ngọt, hệ thống trạm bơm và đê bao đã giúp giảm thiểu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhờ vậy, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên, đời sống của người dân ổn định hơn.
Tuy nhiên, nhiều công trình chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc vận hành không đạt hiệu quả tối ưu như kỳ vọng. Các công trình nội đồng vẫn chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nước ở các khu vực cụ thể.
Bên cạnh đó, một thử thách lớn cho ĐBSCL là tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông, với hơn 800 điểm sạt lở có tổng chiều dài gần 1.000km.
Ông Minh phân tích, nguyên nhân chính đến từ sự suy giảm lượng phù sa về ĐBSCL do tác động của các đập thủy điện thượng nguồn. Nguồn phù sa, vốn đóng vai trò bù đắp và ổn định địa chất, ngày càng cạn kiệt, khiến vùng đồng bằng dễ bị tổn thương hơn trước các tác động của dòng chảy.
Ngoài ra, hoạt động khai thác cát trái phép tại các dòng sông chính cũng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Việc phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư gần bờ sông không nằm trong quy hoạch cũng là yếu tố góp phần gây ra sạt lở.
Biến đổi khí hậu làm tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Các dòng chảy trên sông Mekong không còn ổn định, mực nước lũ có xu hướng ngày càng giảm và lượng nước trong mùa khô giảm mạnh. Tình trạng phụ thuộc vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn càng khiến ĐBSCL đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng.
Đồng bộ hệ thống thủy lợi là yếu tố cấp thiết
Để giải quyết những thách thức trên, ông Lê Tường Minh nhấn mạnh, việc đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi là yếu tố cấp thiết. Trước tiên, cần đẩy mạnh đầu tư các công trình phân ranh, hệ thống thủy lợi nội đồng để hỗ trợ việc kiểm soát nguồn nước ở các vùng cụ thể. Những công trình này sẽ giảm thiểu ảnh hưởng của liên hệ thống, đảm bảo nguồn nước cho từng khu vực sản xuất.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch và bố trí sản xuất cần được thực hiện ổn định và khoa học hơn. Người dân cần được hướng dẫn để thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế.
Ngoài ra, ông Minh cũng đề xuất tăng cường kiểm soát và xử lý hoạt động khai thác cát trái phép, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc quản lý nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong. Sự phối hợp giữa các tỉnh trong vùng, cũng như giữa các bộ ngành liên quan, sẽ giúp tối ưu hóa việc vận hành các công trình thủy lợi, tránh sự chồng chéo và lãng phí nguồn lực.
Để hướng tới một ĐBSCL phát triển bền vững về sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ông Minh nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi tại đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng khu vực mà còn là trách nhiệm quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các đơn vị quản lý như Chi nhánh ĐBSCL và sự đồng lòng của người dân, vùng đất này hoàn toàn có thể vượt qua thách thức.
“ĐBSCL cần một chiến lược tổng thể và dài hạn để phát triển bền vững, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân vừa bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Thủy lợi không chỉ là hệ thống hạ tầng mà còn là “lá chắn” bảo vệ vùng đất giàu tiềm năng này. Đầu tư đồng bộ và hiệu quả vào hệ thống thủy lợi chính là "chìa khóa" để bảo vệ vựa lúa ĐBSCL”, ông Lê Tường Minh khẳng định.