| Hotline: 0983.970.780

Giây phút yếu mềm của người viết hùng ca

Chủ Nhật 08/09/2019 , 07:03 (GMT+7)

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người viết hùng ca nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Tác phẩm của ông thúc giục bao thế hệ hành động mạnh mẽ và quyết liệt với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. 30 năm sau khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước qua đời, công chúng vẫn còn thắc mắc: người chuyên viết hùng ca ấy, có lúc nào viết… tình ca không?

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) sinh ra và lớn lên ở Ô Môn - Cần Thơ. Mảnh đất phù sa Tây Đô đã ngấm những cung bậc đờn ca tài tử vào ông ngay từ thuở mới lọt lòng. Cậu bé Lưu Hữu Phước học cổ nhạc với các cụ gần nhà, rồi tự học tân nhạc.

Năm 16 tuổi, Lưu Hữu Phước đã viết ca khúc đầu tay “Non sông gấm vóc”. Tốt nghiệp trung học ở trường Petrus Ký, Lưu Hữu Phước ra Hà Nội học Trường cao đẳng Y Dược. Thế nhưng, khoảng thời gian 1940-1944 trên phố phường Thăng Long không tạo ra một bác sĩ lành nghề, mà lại hun đúc một nhạc sĩ trứ danh.

Chứng kiến đất nước đang bị dày vò bởi ngoại xâm, Lưu Hữu Phước đã viết hàng chục ca khúc cổ vũ tinh thần yêu nước và chí khí thanh niên: “Người xưa đâu tá”, “Bạch Đằng giang”, “Ải Chi Lăng”, “Hồn tử sĩ”, “Thượng lộ tiểu khúc”, “Hờn sông Gianh”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Ta đi cùng”, “Xếp bút nghiên”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Bài hát thiếu sinh quân”, “Thiếu nữ Việt Nam”, “Việt nữ gọi đàn”…

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Lưu Hữu Phước cùng hai người bạn Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ được xem như những tri thức tranh đấu tiêu biểu ở miền Nam. Ngoài tài năng sáng tác, Lưu Hữu Phước còn là một nhà quản lý văn hóa cự phách. Ông tham gia thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia, Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Sau 20 năm hoạt động trên đất Bắc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trở lại chiến trường miền Nam năm 1965, và lần lượt đảm nhận các vị trí Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Hai bài hát quan trọng của Lưu Hữu Phước góp phần trực tiếp cho cuộc thống nhất non sông là “Giải phóng miền Nam” và “Tiến về Sài Gòn”. Ngày 8-6-1989, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước qua đời đột ngột vì một cơn đau tim!

Cuộc đời 68 năm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một bản hùng ca cách mạng. Tên ông được đặt cho đường phố, cho trường học, cho công viên tại Cần Thơ. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có vợ là họa sĩ Trịnh Kim Vinh và có 3 người con.

Cũng có chí hướng giống nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, họa sĩ Trịnh Kim Vinh rời gia đình ở Hà Nội đi theo cách mạng từ năm 13 tuổi. Sau khóa đào tạo ngắn hạn ở chiến khu Việt Bắc, họa sĩ Trịnh Kim Vinh dạy mỹ thuật cho học sinh tiểu học . Năm 1960, họa sĩ Trịnh Kim Vinh mới chính thức vào học tại Trường Mỹ thuật Hà Nội, rồi đi tu nghiệp tại Đức. Họa sĩ Trịnh Kim Vinh có nhiều bức tranh vẽ các nữ du kích rất được yêu thích.

10-58-27_trnh_cu_hs_trinh_kim_vinh
Ký họa nữ du kích của họa sĩ Trịnh Kim Vinh.

Có sự tương đồng nhất định, nên vừa gặp mặt, Lưu Hữu Phước và Trịnh Kim Vinh đã phải lòng nhau. Tại lễ cưới của họ, nhà thơ Tố Hữu ứng tác để tặng mấy câu thơ: “Tổ quốc quang Vinh, gia đình hạnh Phước/ Cùng nhau tiến bước, anh Phước chị Vinh/ Bây giờ tình đã gặp tình/ Chung lòng bảo vệ hòa bình mạnh hơn”. Trong thời gian nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tham gia chống Mỹ ở Căn cứ trung ương cục miền Nam, họa sĩ Trịnh Kim Vinh suốt 10 năm một mình nuôi con tại thủ đô. Sau năm 1975, họa sĩ Trịnh Kim Vinh mới được đoàn tụ cùng người chồng tên tuổi lừng lẫy!

Dù chưa ai đưa ra thống kế chính xác, nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có lẽ là một trong những người viết hùng ca nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong gia tài của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng có một bản tình ca, tên là “Hương Giang dạ khúc”.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không công bố “Hương Giang dạ khúc”, nhưng nhiều đồng nghiệp của ông vẫn truyền tụng giai thoại lãng mạn xung quanh bài hát này. Theo chính bút tích của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì “Hương Giang dạ khúc” được viết năm 1943. Đặc biệt hơn, trên bản thảo “Hương Giang dạ khúc” có mấy chữ đề tặng “Thương về Thu Hương”. Vậy người được gọi trìu mến “Thu Hương” có ý nghĩa gì trong bài hát?

“Thu Hương” là cô gái Huế từng viết thư bày tỏ sự hâm mộ dành cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, khi ông đang học Y Dược ở Hà Nội. Lá thư đầu tiên, Thu Hương viết bằng tiếng Pháp, khiến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không hài lòng.

Ông hồi âm: “Thưa cô, cô là người Việt mà tôi cũng là người Việt, không hiểu tại sao cô lại viết thư cho tôi bằng tiếng Pháp? Vì thế cô cho phép tôi trả lời cô bằng tiếng Việt”.

Thư sau, Thu Hương bộc bạch: “Vì tôi quý trọng nhạc sĩ lắm, nhưng mà tôi là con gái không có quyền gọi nhạc sĩ bằng Anh mà gọi bằng Ông thì xa xôi quá. Vì thế tôi đã mượn tiếng Pháp để tự xưng là Je (tôi) và gọi nhạc sĩ bằng Vous (anh) một cách bình thường mà lại giữ được sự thân mật. Nếu điều đó đã vô tình làm nhạc sĩ bực bội thì tôi xin nhận lỗi vậy”.

Thư đi thư lại, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước rất cảm mến Thu Hương. Nhân một chuyến tàu từ Nam ra Bắc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã quyết định dừng lại Huế để tìm… Thu Hương.

Đáng tiếc địa chỉ mà Thu Hương ghi trên thư chỉ là nơi… nhận dùm. Không gặp được người trong mộng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tìm một chỗ quen tá túc. Danh tiếng như Lưu Hữu Phước lúc ấy, thì nhiều người quý mến lắm. Trong ngôi nhà mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dừng chân, có một cô gái tên Lan tình nguyện dắt ông đi thăm thú xứ Huế. Theo chân nàng Lan đi khắp miền sông Hương núi Ngự, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn ngơ ngẩn nghĩ về Thu Hương.

Và bài hát “Hương Giang dạ khúc” ra đời vào cái đêm nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ngỡ rằng mình đã bị vụt mất mối tình đẹp: “Nhón chân bước xuống thuyền, tình tôi thương nhớ… Làn hương thu, mờ trong bóng chiều, vờn rung nắng ngà, nhẹ đưa đưa xa, làn hương thu…”.

10-58-27_huong_ging_d_khuc
Bản nhạc “Hương Giang dạ khúc”.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có biết đâu, “làn hương thu” mà ông gọi thầm thì chính là… Lan! Vâng, chính là Lan đã dùng tên Thu Hương để viết thư cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhưng đứng trước mặt thần tượng thì cô không dám thú nhận điều đó. Rồi sự đời vần xoay, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và người đẹp Thu Hương không còn liên lạc nữa.

Giáo sư Trần Văn Khê kể, năm 1961 có dịp ghé New York và gặp một phụ nữ Huế theo chồng định cư ở đó. Người phụ nữ tên Lan dò hỏi: “Ông có biết bài hát “Hương Giang dạ khúc không?”. Giáo sư Trần Văn Khê trả lời bằng cách hát nguyên cả bài hát “Hương Giang dạ khúc”. Nghe xong, bà Lan ôm mặt khóc và thổ lộ bà là Thu Hương đã thành cảm hứng cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác vào năm 1943.

Năm 1976, giáo sư Trần Văn Khê đã trực tiếp kể lại câu chuyện trên cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nghe. Giáo sư Trần Văn Khê nói thêm, “Thu Hương” bất hạnh qua đời vì một tai nạn giao thông ở Mỹ năm 1967. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước im lặng, rồi lấy tay lau nước mắt.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất