| Hotline: 0983.970.780

Gieo trồng rau màu theo phương pháp không làm đất

Thứ Ba 01/10/2024 , 09:14 (GMT+7)

Để giảm chi phí đầu tư, mở rộng nhanh sản xuất và sớm có thu nhập sau thiệt hại do mưa bão, nhà nông có thể gieo trồng rau màu theo cách sau.

1. Với các ruộng lúa chủ động tưới tiêu nhưng bị mưa bão làm mất trắng, cần dọn sạch tàn dư thực vật và tiêu rút kiệt nước, rải vôi bột (12 - 15kg/sào 360m2), gieo trồng một số loại rau màu theo phương pháp không làm đất dưới đây:

Trồng bí ngô theo phương pháp không làm đất ở Ân Thi – Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Trồng bí ngô theo phương pháp không làm đất ở Ân Thi – Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

- Sạ trực tiếp 0,3 - 0,5kg hạt (tuỳ theo khối lượng) cải canh, cải ngọt, cải ngồng, cải mơ, cải xanh, cải mào gà, cải mèo lên mặt ruộng đã ráo nước, sau 25 - 45 ngày sẽ có rau cho thu hoạch bán ra thị trường. Lưu ý, không cần bón phân, không phun thuốc bảo vệ thực vật, cần tưới nước để đảm bảo khi đi trên ruộng không lưu lại dấu chân (khô hạn) và nhổ cỏ để tránh cây rau phải cạnh tranh dinh dưỡng với cỏ dại, bởi mùn bã hũu cơ và đạm, lân, kali vần còn tồn dư trên ruộng, đủ để nuôi 1 lứa rau sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời các loại sâu bệnh cũng căn bản đã bị rửa trôi theo dòng chảy mưa, gió, do vậy không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nên cơ cấu tỷ lệ gieo hợp lý giữa các giống rau có thời gian sinh trưởng dưới 30 ngày như cải canh, cải ngọt với các giống cải có thời gian sinh trưởng 35 - 50 ngày (cải mào gà, cải ngồng...) để có rau bán sớm, bán liên tục suốt vụ, tranh thủ nhanh khi thị trường còn đang khan hiếm.

- Đặt bầu trồng bí ngô theo các hàng thẳng nối 2 bờ ruộng, hàng cách hàng 7 - 8m, cây cách cây 30 - 35cm và để lối đi lại chăm sóc giữa 2 hàng, rộng khoảng 0,7m, đảm bảo mật độ trồng 300 - 350 cây/sào 360m2.

Bón lót (khi đặt bầu cây giống) 300kg phân chuồng hoai mục + 1kg đạm Urê + 3kg lân super. Bón thúc (sau trồng 20 - 25 ngày) 10kg đạm Urê + 20kg lân super; chia phân bón làm 5 lần, lần đầu bón nhử, bón ít, sau tăng dần lượng phân bón cho phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, tốt nhất hòa tan đạm với lân để tưới thúc cây.

Sau khi bí ra hoa, đậu quả, chỉ để lại nuôi tới thu hoạch 3 - 4 quả cân đối/cây, còn lại phải vặt bỏ sớm. Khi trái bí phát triển nặng 0,3 - 0,4kg, vỏ quả vẫn còn mềm thì tiến hành thu hái, bán trái non.

Trước khi trồng bí phải làm bầu gieo ươm hạt giống tương tự cách làm bầu trồng ngô đông trên nền đất ướt. Bên cạnh thu hoạch quả là chính, còn cho phép cắt tỉa các cành mầm trên thân chính và các nụ hoa ra sau khi đã để lại các quả cho thu hoạch nhằm tăng thu nhập và tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

Vườn rau cải canh gieo 25 ngày đã cho thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn rau cải canh gieo 25 ngày đã cho thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

- Trồng ngô: Chọn giống có năng suất, chất lượng cao rồi làm bầu gieo ươm cây giống.

Cách làm bầu: Ngâm hạt giống với nước sạch khoảng 10h, vớt ra đãi chua, để ráo nước, đem ủ trong cát ẩm 20 - 24h, khi hạt ngô nứt nanh, gieo lên nền giá thể đã chuẩn bị (gồm bùn ruộng hoặc bùn kênh mương trộn với phân chuồng theo tỷ lệ 1 : 1, trải thành một lớp dày đều 8 - 10cm trên nền đất phẳng và cứng), khoảng cách gieo 7 - 8cm/hạt; lượng giống 0,5kg hạt với ngô nếp hoặc 0,7kg ngô tẻ sẽ đủ trồng cho 1 sào 360m2.

Diện tích mặt nền giá thể cho gieo làm bầu rộng khoảng 13 - 15m2. Khi lớp bùn trên mặt giá thể khô se, định kỳ 2 ngày/lần dùng dao khía giữa các hàng hạt sát tới nền đất cứng, tạo thành các bầu cây ngô giống vuông như ô bàn cờ.

Khi ngô có 3 - 4 lá thật, thu gom bầu cây chuyển ra ruộng, bổ hốc trồng so le nanh sấu theo từng hàng trên ruộng, hàng cách hàng 65cm, cây cách cây 30cm, mật độ 2.200 - 2.300 cây/sào. Trong đó, cách 2 hàng ngô phải để một lối làm rãnh đi lại chăm sóc rộng 30cm và xoay bầu cây cho hướng lá cây xòe ra 2 bên lối đi đã định.

Chăm sóc: Lượng phân bón cho mỗi sào gồm 300kg phân hữu cơ hoại mục hoặc 50kg phân hữu cơ vi sinh + 20kg lân supe + 15kg đạm Urê + 6kg Kali Clorua (ruộng trồng giống ngô nếp cần giảm 50% lượng đạm Urê). Trong đó, bón lót 100% phân hữu cơ + 13kg phân lân. Bón thúc lần 1 (sau trồng 1 - 2 ngày) 7kg lân pha loãng tưới; lần 2 (khi ngô 5 - 6 lá) với lượng 5kg phân Urê + 3kg kali kết hợp làm cỏ, vun gốc và vét rãnh thoát nước rộng 20cm, sâu 20cm; lần 3 (khi ngô 9 - 10 lá) bón 5kg Urê + 3kg kali; lần cuối (sau trỗ cờ 15 - 18 ngày) bón hết số phân còn lại. Cần tưới đủ nước cho cây ở các thời kỳ ngô 7 - 9 lá, trỗ cờ - phun râu và chín sữa.

Ngô nếp sau gieo trồng 65 ngày sẽ cho thu bắp bán tươi. Ảnh: Hải Tiến.

Ngô nếp sau gieo trồng 65 ngày sẽ cho thu bắp bán tươi. Ảnh: Hải Tiến.

Phòng trừ dịch hại: Rắc 7 - 10 hạt Basudin 10H hoặc Furadan 3H vào loa kèn ngọn cây vào thời kỳ ngô 7 - 8 lá và xoáy nõn để phòng sâu đục thân; phun Validacine 3SC hoặc Anvil 5SC nếu xuất hiện bệnh khô vằn; sử dụng thuốc Ofatox 400EC hoặc Fastac 5EC trừ rệp cờ ngô.

Thu hoạch ngô tẻ khi bắp chín già, chân hạt có màu đen; thu ngô nếp khi hạt vừa chín sáp. Chú ý, dự báo mùa đông năm nay sẽ rét sớm, rét nhiều, cần tăng tỷ lệ trồng ngô nếp để sớm (sau khoảng 65 ngày) cho thu hoạch cung ứng ra thị trường, thời vụ trồng bầu không quá ngày 10/10; ngô tẻ nên ưu tiên sản xuất ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc, sử dụng các giống có năng suất cao.

2. Với các ruộng lúa bị úng ngập khó tiêu thoát nước, có thể chuyến sang trồng rau cần nước hoặc rau cải xoong. Để sản xuất các loại rau này, phải bơm rút nước xuống thấp xăm xắp mặt ruộng, nhặt bỏ cây que và rác nilon (nếu có), sau dẫm vùi mọi tồn dư thực vật chìm sâu trong bùn, san phẳng ruộng, cấy giống cách đều 5 - 6cm/cây.

Chăm sóc, bón phân cho sào 360m2 gồm: Bón lót 10 - 12kg lân supe. Bón thúc 4 lần cách nhau 7 ngày, mỗi lần 1kg đạm Urê + 3kg NPK 13-13-13+TE, bón lần đầu khi rau bén rễ hồi xanh (sau cấy giống 7 ngày). Tro bếp 50kg chia bón 2 lần cách nhau 15 ngày, lần 1 bón sau xuống giống 15 - 20 ngày (cây rau đã phát triển kín mặt ruộng). Duy trì mực nước xăm xắp mặt ruộng rau. Phun Trecbon 10EC + Zineb 80WP khi có rầy rệp và bệnh sương mai.

Khi thu hoạch, có thể nhổ cả gốc hoặc chỉ sát gốc cắt lấy thân lá khi cây rau đạt 45 - 55 ngày tuổi (tuỳ theo thời tiết). Nếu thu hoạch nhổ cả gốc, sau đó phải làm đất cấy lại lứa rau mới bằng cây giống chọn từ lứa rau mới thu hoạch. Nếu chỉ thu hái thân lá (để lưu gốc), cần chăm bón để cây rau phát triển, thu hoạch lứa tái sinh.

Cải xoong cũng cấy, chăm sóc, thu hoạch như rau cần, nhưng mật độ cấy cải xoong dày hơn (2 - 3cm/cây), thu hoạch cắt sát gốc, 20 ngày/lứa, sau làm đất cấy lại giống như sản xuất rau cần. Sau sản xuất cải xoong, rau cần, có thể chuyển đổi các chân ruộng này nuôi ốc nhồi, cho hiệu quả sản xuất cao hơn nhiều lần so với canh tác lúa cùng diện tích.

Xem thêm
Hơn 160 tỷ đồng được Bộ NN-PTNT kêu gọi hỗ trợ thiệt hại do bão

HẢI PHÒNG Sáng 28/9, tại Hải Phòng, Bộ NN-PTNT tổ chức nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão.

Chế phẩm vi sinh loại bỏ mầm bệnh 'ẩn náu' trong chuồng trại chăn nuôi

Chế phẩm vi sinh ức chế hoạt động của các vi sinh vật kỵ khí gây mùi, tăng mật độ vi sinh hiếu khí giúp kiểm soát mầm bệnh và hạn chế ruồi muỗi.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.