Bão số 3 gây mưa lớn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Sau mưa lũ, sức khỏe cây trồng suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sâu bệnh hại, nông dân cần thăm đồng thường xuyên để chủ động chăm sóc, phòng chống sâu bệnh.
Tại xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nhiều diện tích lúa bị đổ ngã, nước lũ tràn về nhiều ngày tiềm ẩn nguy cơ dịch hại cao, bà con vì lẽ đó cũng thăm đồng thường xuyên hơn.
Gia đình ông Lưu Thanh Hải ở xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý sống dựa hoàn toàn vào canh tác nông nghiệp. Đợt lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng khiến lão nông này xót xa vô cùng.
“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp để canh tác trở lại. Hi vọng cơ quan chuyên môn hỗ trợ giúp gia đình khôi phục sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại. Hai vợ chồng tôi già cả rồi, ngoài nông nghiệp thì không biết làm gì khác”, ông Hải tâm sự.
Phủ Lý là xã vốn còn gặp nhiều khó khăn, nay phải chịu thiệt hại nặng do mưa lũ. Riêng về nông nghiệp, xã ghi nhận 104ha lúa, hoa màu và 10ha rừng bị ngập úng, gãy đổ; 12.150 con gia súc, gia cầm bị chết; 12ha nuôi cá bị ngập. Tổng thiệt hại về nông nghiệp trên 1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Lương cho biết, ngay sau khi nước lũ rút, UBND huyện Phú Lương đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các giải pháp bảo vệ, phòng trừ dịch hại trên cây trồng.
Đối với sản xuất trồng trọt và công tác bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương đã hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp chăm sóc, khôi phục các diện tích lúa bị ảnh hưởng do ngập nước, thực hiện khơi, thoát nước đọng trên đồng ruộng và vườn cây ăn quả, hướng dẫn, tính toán thời điểm thu hoạch lúa và rau màu để chuẩn bị cho vụ đông đảm bảo khung thời vụ.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương đang tiến hành kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp tại khu vực bị ngập lụt và tại các hộ dân để tiếp tục hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục sau bão lũ về lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Nịnh Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương lưu ý, thời gian này lúa rất dễ phát sinh các bệnh như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... và các sâu hại như sâu đục thân 2 chấm... Vì vậy các xã, thị trấn cần tăng cường công tác phòng chống bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên các diện tích gieo cấy giống nhiễm nặng bằng các thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu.
Đối với diện tích lúa bị đổ ngã, cần kiểm tra mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng, theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh của rầy để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời nơi có mật độ cao.
Theo dõi chặt chẽ mật độ ổ trứng trên lúa giai đoạn đòng già - trỗ, nhất là trà lúa trỗ trung tuần tháng 9 để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ sâu đục thân 2 chấm. Đối với rau màu, bà con cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện các loại nấm bệnh thường phát sinh gây hại sau mưa lũ.
Người dân có thể sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh để làm giàu hệ vi sinh vật đất, đặc biệt là các vi sinh vật đối kháng.
Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên cũng vừa ban hành văn bản yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường công tác công tác kiểm tra đồng ruộng, điều tra, dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại, đặc biệt là sự bùng phát của sâu bệnh hại như rầy nâu, sâu sâu đục thân, bệnh bạc lá... sau mưa bão để hướngdẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả
Thực hiện tốt công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; ngăn chặn tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho sản xuất.