| Hotline: 0983.970.780

Gìn giữ thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh

Thứ Tư 19/11/2014 , 10:07 (GMT+7)

Nông dân trồng hồ tiêu tại Lộc Ninh (Bình Phước) rất có ý thức nâng cao năng suất, chất lượng, tiến tới sản xuất tiêu sạch, an toàn và phát triển bền vững. 

“Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận đang được nhiều nông dân góp sức giữ vững và nâng cao uy tín.

Chúng tôi chạy xe máy dọc theo hướng Lộc Ninh lên cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) thăm trang trại trồng tiêu rộng 3 ha của của gia đình ông Nguyễn Quốc Mạnh (ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh). Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà Thái bề thế, mái ngói đỏ tươi, xung quanh là vườn tiêu tươi tốt đang thời kỳ cho thu hoạch.

Vừa bưng một ly trà Thái, khói nghi ngút, thơm lừng mời khách, ông Mạnh kể: Quê ông ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1986 tình cờ có một người bạn rủ đi vào Nam để xin việc làm, ông đánh liều một phen.

Vào tới đây thấy khí hậu mát mẻ, đất đai rộng mênh mông, thế là ông quyết định ở lại luôn. Cuối năm 1986, ông đã gom tiền mua được 7.000 m2 đất, trong đó đã có 70 nọc tiêu và cất một cái chòi để có chỗ trú nắng trú mưa. Hồi đó không hiểu tại sao, cứ nhìn thấy đất đai rộng là ông mê lắm, làm ngày làm đêm không biết mệt mỏi.

Sau khi đã xác định cây hồ tiêu là cây chủ lực, hiệu quả kinh tế rất cao, rất phù hợp với thổ nhưỡng ở Lộc Ninh, ông quyết mở rộng diện tích và đi sâu vào nghiên cứu, đầu tư trồng chăm sóc loại cây này. Khoảng 8 năm trở lại đây, hồ tiêu có giá rất cao, vào tháng 7 vừa qua lên tới 220.000đ/kg, người trồng tiêu thu nhập “khủng”.

Cứ như vậy, được mùa trúng giá, thu hoạch xong có tiền, ông lại đầu tư mua thêm đất để trồng tiêu, tới nay gia đình đã có tổng diện tích 6 ha. Trong đó 3 ha đất trồng hồ tiêu cho thu nhập ổn định, năng suất đạt 3,5 – 4 tấn/ha/năm; 2 ha cao su; 1 ha điều, hàng năm thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Chia tay ông Mạnh, chúng tôi đi ngược lại hướng huyện Bù Đốp, hỏi thăm người trồng tiêu giỏi nhất huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Được người dân chỉ đường rất nhiệt tình, vừa băng qua khỏi vạt cao su, hiện ra trước mắt chúng tôi là khu vườn có cả hàng ngàn trụ tiêu xếp thành hàng thẳng tắp, tuổi thọ ngót 20 năm mà vẫn rất sung, trụ nào trụ nấy xanh um.

Chúng tôi vừa bước tới sân, một lão nông tóc muối tiêu niềm nở chạy ra đón tiếp và mời vào nhà uống nước. Qua trò chuyện được biết ông tên là Nguyễn Bá Thịnh, hiện ở ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh là một trong những người nằm trong top 10 nông dân được Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) bình chọn một trong những người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam.

Ông Thịnh chia sẻ: Quê ông ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, thời thanh niên ông đi làm công nhân, sau khi được nghỉ chế độ (hưởng một lần) về quê không có ruộng để canh tác.

Năm 1995, ông cầm ít tiền tích góp được đi khắp các tỉnh Tây Nguyên để tìm đất lập nghiệp, đi mãi cũng không có chỗ nào ưng ý. Năm 1996, ông vòng về đất Lộc Ninh, ở đây thấy đất đai rất tốt, khí hậu mát mẻ, nguồn nước tự nhiên dồi dào, vậy là ông liền đặt cọc mua 1 ha đất rẫy và về quê đón vợ con vào lập nghiệp.

Thời gian đầu ông trồng 200 nọc tiêu, còn lại trồng cà phê, sau mấy năm lao động cật lực, tới lúc được thu hoạch thì giá tiêu bị rớt, cà phê lại được giá, ông lại phá hết tiêu trồng cà phê. Giá cà phê cao được mấy năm thì rớt, người dân lại thi nhau chặt cà phê trồng cao su.

Lúc đó ông suy nghĩ nếu cứ chạy theo vòng luẩn quẩn trồng - chặt thì suốt đời cũng không khá nổi. Thế là ông bàn với vợ quyết định bằng mọi giá phải trồng và chăm sóc vườn tiêu. Ngày ngày hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề để kiếm ăn đắp đổi qua ngày, chờ tiêu có giá trở lại.

Đúng như dự đoán, ít lâu sau tiêu lại có giá và liên tục tăng. Những năm ấy gia đình ông trúng lớn, có tiền ông lại đầu tư mua thêm đất, tới giờ ông đã có 3 ha đất trồng tiêu, năng suất đạt từ 5 – 6 tấn/ha/năm (cao gấp 3 lần bình quân cả nước), chất lượng luôn đảm bảo VSATTP.

Qua nhiều năm đi xây dựng quê hương mới, tới nay gia đình ông Nguyễn Bá Thịnh đã trở thành tỷ phú hồ tiêu tại vùng đất mới Lộc Ninh, hàng năm thu nhập cả tỷ đồng.

Ông Lê Khắc Phú - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: Huyện Lộc Ninh có gần 4.000 ha diện tích đất trồng tiêu, năng suất bình quân chung đạt 3 - 4 tấn/ha, chiếm gần 40% diện tích và 50% sản lượng tiêu trên toàn tỉnh Bình Phước. Hồ tiêu Lộc Ninh là sản phẩm nông sản đầu tiêu của tỉnh Bình Phước được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh”.

Để có được thành công này là do sự cố gắng nỗ lực không ngừng của tập thể người trồng tiêu giỏi ở Lộc Ninh luôn dành hết tâm huyết, công sức để làm giàu cho gia đình và địa phương.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.