| Hotline: 0983.970.780

Giới đầu cơ đang "tấn công" tứ phía!

Thứ Tư 18/04/2012 , 10:32 (GMT+7)

Theo Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA), giới đầu cơ hồ tiêu quốc tế đang dùng hàng loạt chiêu trò để đánh sụt giá hồ tiêu của VN.

+ IPC ĐƯA THÔNG TIN THIẾU CHÍNH XÁC!

+ TỪ THÁNG 7/2012 THẾ GIỚI SẼ “SỐT” GIÁ HỒ TIÊU

Theo Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA), giới đầu cơ hồ tiêu quốc tế đang dùng hàng loạt chiêu trò để đánh sụt giá hồ tiêu của VN. Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) lại tung tin thiếu chính xác rằng VN sẽ đạt sản lượng kỷ lục càng gây bất lợi cho XK hồ tiêu của VN…

DÙNG “TIN ĐỒN” ĐỂ “NỐC AO” TIÊU VN!

Trong mấy ngày qua, thị trường hồ tiêu gây bất ngờ lớn khi liên tiếp giá bán sụt giảm. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk giá tiêu xô đã bị “bốc hơi” gần 20 triệu đồng/tấn: Từ 130 – 135 triệu đồng/tấn xuống còn 115 – 120 triệu đồng/tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mọi chuyện bắt đầu cách đây hơn chục ngày, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) không biết căn cứ vào đâu, khảo sát thế nào, bỗng dưng thông báo: Sản lượng hồ tiêu VN vụ 2012 sẽ đạt kỷ lục lên tới 140.000 tấn, tăng tới trên 30.000 tấn so với 2011 khiến thị trường tiêu toàn cầu bị tác động ghê gớm. Đơn giản là VN là nước XK trên 50% thị phần tiêu của thế giới, mức dự báo của IPC rằng VN tăng sản lượng kỷ lục như vậy thì đúng là nông dân chỉ có “chết ngắc”!

Vậy nhưng, sản lượng tiêu của VN có đúng như IPC thông báo? Bản chất của chiêu trò đồn thổi này nhằm mục đích gì?


IPC thông tin sản lượng tiêu VN tăng tới 30% hoàn toàn vô căn cứ

Theo tìm hiểu của NNVN, tình hình sản xuất tiêu tại các vùng trọng điểm đang hoàn toàn ngược với nhận định không có căn cứ của IPC. Cụ thể, tại nhiều hộ trồng tiêu có tiếng, kỹ thuật canh tác tốt, nhiều năm cho năng suất cao, nhưng niên vụ này lại giảm mạnh do thời tiết bất thường và diện tích tiêu già cỗi tăng mạnh. Tại hộ ông Nguyễn Bá Thịnh (ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) canh tác 7.000 trụ tiêu tương đương 4 ha, nếu như vụ 2011 thu 17 tấn tiêu đen khô thì vụ 2012 ước chỉ đạt khoảng 13 tấn, giảm tới 23,5%. Tương tự, tại hộ nông dân Hồ Tạ (thôn Hòa An, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) trồng 2.000 trụ tương đương 1 ha, năm 2011 thu 7 tấn thì năm 2012 ước chỉ 6 tấn. Đặc biệt tại hộ nông dân Trần Văn Nuôi cùng thôn Hòa An trồng 5.000 trụ tương đương 2,5 ha, năm 2011 thu 10 tấn thì năm 2012 chết tới 4.000 trụ, số còn lại chỉ thu được 4 tấn.

Tại vùng trồng tiêu nổi tiếng Chư Sê (Gia Lai), tình hình cũng tương tự. Hộ ông Nguyễn Văn Luyến (thôn 6, xã IaBlang) trồng 5 ha, năm 2011 thu 32 tấn nhưng năm 2012 ước chỉ được 25 tấn. Kế bên hộ Lê Phước Tuấn có 3,5 ha, năm 2011 thu 15 tấn thì năm nay chỉ còn 10 tấn. Theo nhiều hộ trồng tiêu, ngoài yếu tố thời tiết bất lợi, những vườn tiêu đã qua chu kỳ kinh doanh khai thác trên dưới 10 năm (ước 30-40% tổng diện tích) đến nay đã xuống cấp, năng suất giảm, dễ nhiễm bệnh, một số già cỗi đã và đang lụi tàn, việc trồng lại tiêu trên đất này phải sau vài ba năm luân canh.

BẢN CHẤT CỦA CHIÊU TRÒ NÀY LÀ GÌ?

Theo VPA, kết quả khảo sát các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên vào tháng 2/2012 cho thấy, sản lượng tiêu Bình Phước giảm ước 10 - 15%, Đắk Nông tương đương năm 2011, Đắk Lắk tăng 5%, Gia Lai giảm 5-10%, Đồng Nai giảm 30-40%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 5%. Tổng quan chung về kết quả sản xuất vụ tiêu năm 2012 trong phạm vi cả nước về sản lượng ước đạt 95.000 – 100.000 tấn, giảm 10 - 15% so với vụ 2011.

Vậy nhưng, IPC lại đưa ra con số “khủng” về sản lượng tiêu của VN nhằm mục đích gì? Liệu có không chuyện các tập đoàn và giới đầu cơ quốc tế gây ảnh hưởng lên IPC để hạ “nốc ao” giá tiêu VN nhằm trục lợi?

Trao đổi với NNVN, ông Trần Đức Tụng - Chánh Văn phòng VPA khẳng định, chỉ có số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam về sản lượng hồ tiêu, cơ quan duy nhất có thẩm quyền Quốc gia mới có giá trị pháp lý. Còn trước đó, tất cả thông tin chỉ mang tính tham khảo. Đặc biệt, IPC không có quyền phát ngôn về sản lượng tiêu của VN. Họ căn cứ vào đâu để đồn thổi sản lượng tiêu 2012 của VN đạt tới 140.000 tấn? Có thông tin cho rằng, thực chất IPC đang gây sức ép nhằm tăng mức thu hội phí của VN cho IPC. Mặt khác các nhà đầu cơ quốc tế nhân cơ hội IPC đưa “tin đồn” này, đã tung nhiều chiêu nhằm ép giá tiêu VN để nhập khẩu, tìm kiếm lợi nhuận.


Nông dân và DN cần hết sức tỉnh táo tránh rơi vào bẫy mua gom giá rẻ
 của giới đầu cơ quốc tế

Nhiều chuyên gia ngành hồ tiêu khẳng định, VN cần hết sức tỉnh táo trước chiêu trò của các nhà đầu cơ hồ tiêu quốc tế, đặc biệt là Ấn Độ. Cụ thể, tiêu Ấn Độ thời vàng son sản lượng đạt gần 100.000 tấn, nhưng nhiều năm gần đây xuống thấp chỉ 45.000- 50.000 tấn/năm, không đủ dùng cho hơn 1 tỉ dân trong nước. Vì sản xuất không đủ ăn, Ấn Độ phải nhập khẩu với số lượng lớn vừa cung cấp trong nước vừa để xuất khẩu. Vụ tiêu của Ấn Độ thu hoạch vào quý I hàng năm (trùng với VN) và đến giờ này toàn bộ sản lượng tiêu của Ấn Độ đã được tiêu thụ. Họ bắt đầu quay sang VN để tìm nguồn hàng nhằm đầu cơ cho những tháng tiếp theo. Ai cũng biết Ấn Độ là trùm buôn tiêu thế giới, nay họ tìm mọi cách tung tin ảo trên sàn Kochi và Sing, chủ yếu nhằm vào VN hòng hạ giá bán, gom được nhiều hàng giá rẻ và đến tháng 7/2012 trở đi tung hàng ra bán, đẩy giá lên cao tìm kiếm lợi nhuận.

Trong khi đó, Indonesia và Malaysia là hai nước sản xuất và xuất khẩu nhiều tiêu sau Ấn Độ. Trước cuộc chiến hồ tiêu hiện nay, họ vận dụng chiêu “Tọa sơn quan hổ đấu”, nếu VN yếu bóng vía, mắc mưu Ấn Độ và các nhà đầu cơ quốc tế, ồ ạt đẩy hàng bán với giá rẻ thì lập tức họ nhảy vào nhập khẩu tiêu VN. Sau đó đợi đến tháng 7/2012 vụ tiêu của nước họ mới thu hoạch, lúc đó mới tung hàng mua được ra bán giá cao, ăn theo Ấn Độ.

Về phía VN, đến nay lượng tiêu tồn trong dân và DN còn khá lớn. Đặc biệt là DN mua vào với giá cao, cộng với lãi suất “khủng” vay vốn ngân hàng, nay buộc phải xuất khẩu để cắt lỗ (chủ yếu cắt lãi suất ngân hàng) nhằm quay vòng đổi hạt. Nếu các DN VN tăng XK giá rẻ tức khắc mắc bẫy giới đầu cơ quốc tế và Ấn Độ, đồng thời DN sẽ khó đạt được dự tính (xuất khẩu rẻ, mua vào rẻ) vì dân có tâm lý quyết ôm hàng không chịu bán khi giá xuống thấp (không bán dưới 130 triệu đồng/tấn). Một chuyên gia còn cảnh báo, VN hãy cảnh giác với doanh nghiệp FDI kinh doanh tiêu tại VN: Trong xuất khẩu, họ chuyển giá rẻ về công ty mẹ nhằm trốn thuế và như vậy làm méo mó giá cả thị trường tại VN.

Ông Trần Đức Tụng – Chánh Văn phòng VPA:

Trong quý I/2012, VN mới xuất khẩu khoảng 31.000 tấn hồ tiêu, số còn lại lên tới 70.000 tấn vẫn còn ở VN nên các tập đoàn và giới đầu cơ quốc tế rất thèm muốn, tìm mọi cách để VN ồ ạt bán ra với giá thấp. Vì thế, trước “cuộc chiến” đang và sẽ diễn ra gay gắt, giải pháp ứng phó của VN là: Phải tỉnh táo trước mọi “chiêu” của đối phương, nông dân đồng lòng phối hợp cùng DN, nên tạm trữ hàng trong lúc giá thấp hiện nay.

Phát huy bài học kinh nghiệm mà ngành hồ tiêu VN đã làm được mấy năm qua là: Cầm trịch, dẫn dắt, điều phối tiến độ xuất khẩu, giá cả thị trường. Không bán tháo dồn dập vào một thời điểm, làm cho giá xuống, chờ thời cơ xuất khẩu khi giá tăng vào tháng 7, 8, 9 trở đi (giá có thể đạt 150 – 160 triệu đồng/tấn tiêu đen).

Thuận lợi hiện nay là Chính phủ, ngân hàng đang quyết liệt điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường tín dụng, hạ lãi suất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh trong những tháng tới.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.