| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa Japonica ở Yên Bái

Thứ Sáu 11/11/2011 , 10:43 (GMT+7)

Trong 3 giống Japonica: J01, J02 và ĐS1 thì giống ĐS1 được người dân Yên Bái ưa chuộng hơn...

Nông dân Trạm Tấu đang tự chọn giống lúa ĐS1 cho vụ sau

Giống lúa Japonica có xuất xứ ở các nước ôn đới, cận nhiệt đới: Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc… Năm 2009, Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ & Khuyến nông đưa một số giống lúa Japonica: J01, J02, ĐS1 vào SX thử ở các xã vùng cao ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) vào vụ xuân.

Đến nay, giống lúa đó đã lan xuống các xã vùng thấp và trồng vào cả vụ mùa đều cho năng suất cao…Trong 3 giống Japonica: J01, J02 và ĐS1 thì giống ĐS1 được người dân Yên Bái ưa chuộng hơn. Nếu vụ xuân năm 2010 giống lúa ĐS1 chỉ SX thử ở các xã vùng cao: Sơn Lương, Gia Hội, Nậm Búng (Văn Chấn), Nậm Có (Mù Cang Chải), Hát Lừu (Trạm Tấu) với diện tích trên 50 ha, đến nay giống ĐS1 đã lan xuống cánh đồng Mường Lò, cạnh tranh ngang ngửa với các sống lúa đặc sản khác như: Séng Cù, Chiêm hương…

Giống lúa ĐS1 là giống thuần, hạt tròn khả năng chịu rét rất cao thích hợp với vụ xuân. Những xã vùng cao nằm trên độ cao từ 700m trở lên thời gian sinh trưởng 160-165 ngày, tương đương giống lúa lai Nhị ưu 838, các xã ở độ cao dưới 500m thời gian lạnh ít thời gian sinh trưởng từ 135-145 ngày, có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh: Rầy nâu, đạo ôn, khô vằn, bạc lá…

Do chiều cao cây từ 95-105 cm, thân cứng nên khả năng chống đổ tốt, bông ngắn, hạt to, dày và sít, tỷ lệ hạt chắc 88- 93%, do đó năng suất 60-70 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, cơm dẻo thơm và đậm.

Từ vụ mùa năm 2010 một số huyện vùng thấp: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn… đã đưa giống lúa ĐS1 vào trồng. Do năng suất lúa cao, chất lượng gạo ngon nên những vùng thâm canh cao nơi chỉ trồng được hai vụ đã đưa giống lúa này vào cấy vụ mùa. Thống kê chưa đầy đủ, vụ mùa 2011 tỉnh Yên Bái trồng trên 150 ha, trong đó Văn Chấn trồng 70 ha ở các xã: Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn Thịnh, Đồng Khê, thị trấn Liên Sơn, thị trấn Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên trồng khoảng 20 tập trung ở các xã: Hưng Khánh, Việt Thành, Nga Quán…

Trên thị trường Yên Bái, giá gạo ĐS1 đang bán từ 17.000-18.500đ/kg, tuy nhiên loại gạo này bà con đang "găm" lại để bán trong dịp Tết được giá cao hơn. Trong khi đó thóc Chiêm hương đang được bán giá 9.000- 9.500đ/kg, Nghi hương 305 bán với giá 7.000đ/kg.

Bà Hà Thị Hoàn, chủ nhiệm HTX dịch vụ NN Phù Nham (Văn Chấn) cho biết: Từ vụ xuân 2011 HTX cung ứng giống ĐS1 và các loại VTNN cho nông dân trồng 70 ha, năng suất trung bình vụ xuân 7,3 tấn/ha, vụ mùa 6,5 tấn/ha sau đó thu mua lại toàn bộ sản phẩm của nông dân. Giá vụ xuân là 10.000đ/kg thóc, hiện nay đang thu mua với giá 11.000đ/kg. Toàn bộ 120 tấn lúa ĐS1 chỉ được bán vào dịp Tết.

Do ưu thế chịu được rét, năng suất cao giống lúa ĐS1 được các nhà khoa học khuyến cáo trồng vụ xuân, nhưng hiện nay Yên Bái được bà con trồng cả trong vụ mùa, chất lượng gạo vẫn ngon, nên người dân tự để giống, tự mở rộng diện tích. Như vậy, trên đồng đất Yên Bái giống ĐS1 đã được khẳng định, việc đưa giống lúa này cấy vào vụ xuân, hay vụ mùa để tạo ra sản phẩm hàng hoá cần được các nhà hoạch định chính sách để tâm tới, bằng không thì người dân vẫn cứ phát triển theo nhu cầu của mỗi vùng.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.