| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa Thái Bình làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của nông dân Phú Yên

Thứ Sáu 24/03/2017 , 14:05 (GMT+7)

Kỹ thuật giảm mật độ sạ xuống còn 4kg giống/sào mà Trung tâm Khuyến nông Phú Yên và TCty Giống cây trồng Thái Bình hướng dẫn cho nông dân làm trên 2 giống TBR225 và TBR-1 trong vụ ĐX vừa qua rất phù hợp với chủ trương của tỉnh.

Những đám ruộng đều tăm tắp, khoe bày những gié lúa nặng trĩ hạt trên cánh đồng đội 3 thôn Canh Phước, xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa, Phú Yên) làm nên bức tranh tương phản với những ruộng lúa “nhiều tầng” chung quanh đã làm lay động ý thức áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất của nông dân.

Nhằm từng bước làm thay đổi tập quán sạ dày và lấy lúa thịt làm lúa giống của nông dân, vụ ĐX 2016 - 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã phối hợp với TCty Giống cây trồng Thái Bình thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật SX tại đội 3 thôn Canh Phước, xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa).

10-06-21_2
Nông dân địa phương tham quan mô hình SX lúa TBR225 tại xã Hòa Tân Đông

 

Mô hình đã mang đến với 120 hộ tham gia SX giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao là TBR225 và TBR-1; đồng thời giới thiệu kỹ thuật tiên tiến, nhất là làm thay đổi tập quán sạ dày từ 10 - 12kg giống/sào (500m2) xuống còn 4kg giống/sào.

Ông Hồ Văn Cư ở đội 3 thôn Canh Phước, người trực tiếp theo dõi mô hình cho biết, từ trước đến nay, nông dân địa phương đã “nhiễm” thói quen dùng lúa thịt để làm giống và sạ rất dày. Bây giờ sử dụng giống cấp xác nhận và sạ chỉ 4kg giống/sào nên ban đầu đã khiến bà con tham gia mô hình lo lắng.

“Lúc mới xuống giống, nhìn cây lúa lên lưa thưa bà con rất hoang mang, sợ lúa lên không kín ruộng. Không ngờ các giống lúa TBR225 và TBR-1 đẻ nhánh rất khỏe, mỗi bụi đẻ đến 9 - 10 cây lúa, đến khi nhìn thấy ruộng lúa của mình kín bưng bà con mới yên tâm. Trên địa bàn đội 3 có 48ha diện tích làm lúa. Những nông dân không ủng hộ tham gia mô hình, cứ lấy lúa thịt làm giống và sạ dày, đến bây giờ nhìn thấy đám ruộng của mình lúa lên cây cao cây thấp, gié lúa ngơ ngơ, năng suất cho không bằng ruộng trong mô hình cứ tiếc nuối”, ông Cư bộc bạch.

Nông dân Nguyễn Văn Thi (64 tuổi) cũng ở đội 3 thôn Canh Phước cho biết thêm: “Ruộng lúa của tui bị úng nước dài ngày, sau khi nước rút cây lúa vẫn phát triển rất mạnh khỏe. Các giống lúa TBR225 và TBR-1 không chỉ đẻ nhánh mạnh, tập trung, mà còn có bộ rễ khỏe nên hút dinh dưỡng nuôi cây rất tốt. Khi lúa trỗ tui thấy các bông trên cùng khóm lúa rất đồng đều”.

Ông Lê Sĩ Quý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), đánh giá mô hình đạt được thành công mỹ mãn. Ông Quý tính toán: “Áp dụng gieo sạ 4kg giống/sào là đã giảm được 2/3 lượng giống. Mua giống xác nhận 12.000đ/kg, sạ 1 sào lúa nông dân đầu tư tiền giống mất 48.000 đồng; nếu dùng lúa thịt làm giống thì giá lúa thịt là 6.000 đ/kg, sạ 10kg/sào vị chi mất đến 60.000 đồng. Chi phí tiền giống đã cao hơn, ruộng lúa lại nhiều tầng, cây lúa ken dày dễ sinh sâu bệnh tốn thêm tiền bơm thuốc BVTV.

Ngoài ra, sạ dày chi phí phân bón cũng tăng hơn đến 15%. Đã vậy mà năng suất cho kém hơn xa so với ruộng trong mô hình sử dụng giống lúa xác nhận TBR225 và TBR-1 áp dụng phương thức giảm mật độ sạ. Theo đánh giá sơ bộ, 20ha lúa SX giống TBR225 và TBR-1 ở đội 3 chắc chắn sẽ đạt năng suất trên 80 tạ/ha”.

10-06-21_1
Mô hình lúa TBR225 năng suất đạt trên 80 tạ/ha
 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến việc tìm tòi những giống mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao để đưa vào SX, nhằm từng bước làm thay đổi thói quen lấy lúa vụ trước làm giống cho vụ sau của nông dân. Đồng thời bà Thuận khẳng định, kỹ thuật giảm mật độ sạ xuống còn 4kg giống/sào mà Trung tâm Khuyến nông Phú Yên và TCty Giống cây trồng Thái Bình hướng dẫn cho nông dân làm trên 2 giống TBR225 và TBR-1 trong vụ ĐX vừa qua rất phù hợp với chủ trương của tỉnh Phú Yên.

“Theo chủ trưởng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên, trong năm 2017 ngành nông nghiệp phải đạt 50% diện tích gieo sạ dưới 10kg giống/sào, sang năm 2018 đạt 69%, năm 2019 đạt 79% và đến năm 2020 phải đạt 100% diện tích gieo sạ dưới 5kg giống/sào”, bà Thuận cho biết.

“Để tiếp tục đánh giá thích ứng của 2 giống lúa TBR225 và TBR-1 trên nhiều vụ mùa khác nhau, trong vụ HT 2017 tới, TCty Giống cây trồng Thái Bình tiếp tục hỗ trợ giống để HTXNN Hòa Tân Đông làm 2 mô hình, mỗi mô hình 1ha để khẳng định thêm với nông dân lợi ích của việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX”, ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên, TCty Giống cây trồng Thái Bình.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.