| Hotline: 0983.970.780

Giống thủy cầm cực thích nghi vùng mặn lợ

Chủ Nhật 07/07/2019 , 15:17 (GMT+7)

Đó là giống Vịt biển 15 được nuôi tại hộ anh Trương Văn Thơm, thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Tham quan mô hình nuôi vịt biển 15.

Gia đình anh Thơm được hỗ trợ 360 con giống Vịt biển 15. Đến nay sau 50 ngày nuôi, vịt tăng trọng rất nhanh do tận dụng được nguồn thức ăn thủy, hải sản từ các ao, hồ của địa phương. Vì vậy thức ăn đầu tư cho nuôi vịt đã giảm được một lượng lớn.

Anh Thơm cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên nuôi giống vịt biển, gia đình rất băn khoăn về khả năng thích nghi và chất lượng thịt của giống vịt này. Nhưng đến nay, vịt đã đạt trọng lượng từ 2,6 - 2,8 kg/con. Khi có người tìm đến tận nhà để thu mua, gia đình rất mừng và đã bán được 150 con với giá 100.000 đồng/con”.

Năm nay là năm thứ 3 Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi triển khai mô hình nuôi Vịt biển 15 cho 18 hộ dân sinh sống tại 3 xã ven biển trên địa bàn huyện Bình Sơn gồm: xã Bình Châu, xã Bình Đông và xã Bình Dương với tổng số con giống hỗ trợ 6.500 con.

Chỉ sau vài tháng triển khai mô hình, Vịt biển 15 đã thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi, sinh trưởng, phát triển nhanh và được người dân tham gia mô hình đánh giá là dễ nuôi.

Anh Phạm Tuấn Sinh trú tại thôn Châu Me, xã Bình Châu cũng rất phấn khởi khi đàn vịt 360 con của anh sinh trưởng, phát triển khá tốt. “Theo quy trình nuôi Vịt biển 15 đã được hướng dẫn trước khi nhận vịt giống thì phải nuôi tầm 3 tháng mới có thể bán được, nhưng khi nuôi đến tháng thứ 2, vịt đã phát triển khá nhanh, có con hơn 3kg nên gia đình đã xuất bán”, anh Sinh chia sẻ.

Trong những năng gần đây, người dân sinh sống tại các vùng ven biển bị xâm nhập mặn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu. Vịt biển 15 có khả năng thích ứng tốt với tình hình biến đổi khí hậu và dễ nuôi, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân. Bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nuôi 360 con, sau mỗi đợt nuôi sẽ thu khoảng 35 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 7,5 triệu đồng.

Ông Lê Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết: “Từ sau khi nhận giống vịt biển 15 về nuôi, các hộ đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, hướng dẫn. Qua theo dõi, giống vịt biển 15 rất dễ nuôi, phù hợp với điều kiện nước lợ, mặn trên địa bàn huyện Bình Sơn. Việc phát triển đàn vịt biển 15 sẽ là lợi thế lớn bởi hiện trên địa bàn huyện Bình Sơn có một diện tích ao, hồ nuôi tôm không hiệu quả đang bỏ không, đặc biệt là các vùng bị nhiễm mặn do biến đổi khí hậu”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho biết: “Để nhân rộng mô hình này, người chăn nuôi phải nắm chắc quy trình kỹ thuật nuôi vịt biển 15, chọn mua con giống đảm bảo chất lượng, thực hiện tốt công tác phòng và trị bệnh. Tìm hiểu thị trường tiêu thụ, đánh giá thị hiếu người tiêu dùng để có kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, không nên nuôi ồ ạt, tốt nhất nên thành lập tổ hợp tác để xây dựng chuỗi liên kết...”.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.