| Hotline: 0983.970.780

Thể chế hóa trách nhiệm chủ hồ về trữ lũ, xả lũ

Thứ Ba 16/05/2023 , 08:59 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên: 'Cần thể chế hóa trách nhiệm của chủ hồ trong việc trữ lũ, xả lũ khi có cảnh báo sớm nguy cơ lũ lụt'.

Lồng bè nuôi tôm hùm ở huyện Tuy An bị sóng biển đánh dạt vào bờ. Ảnh: Kim Sơ.

Lồng bè nuôi tôm hùm ở huyện Tuy An bị sóng biển đánh dạt vào bờ. Ảnh: Kim Sơ.

Thiên tai xảy ra trái quy luật

Những năm gần đây, diễn biến thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên ngày càng phức tạp, khó lường, trái quy luật tự nhiên.

Điển hình như vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022, mưa lớn và lốc xoáy bất thường đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân ven biển trên địa bàn huyện Tuy An. Cụ thể, đã làm 2 người chết, hàng chục ngôi nhà bị sập, hư hỏng; 48 tàu thuyền bị sóng biển đánh vỡ và chìm. Ngoài ra, hơn 660ha lúa vụ đông xuân bị ngập nước, ngã đổ và nhiều diện tích cây trồng khác bị thiệt hại.

Đặc biệt, tại các xã ven biển như An Hòa Hải, An Ninh Đông và An Chấn có hơn 2.600 lồng với khoảng 906.000 con tôm hùm ươm, 2.000 con ốc hương, 1.400 con cá bớp của khoảng 270 hộ dân bị sóng đánh hư hỏng, thủy sản nuôi bị cuốn trôi.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tổng thiệt hại của đợt thiên tai này khoảng 139 tỉ đồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 đợt thiên tai lớn làm 2 người chết, hơn 130 tàu thuyền bị sóng biển đánh chìm, hư hỏng; hàng nghìn ngôi nhà bị ngập lụt từ 1-3m, hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm bị chết… với tổng thiệt hại gần 420 tỉ đồng.

Thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên ngày càng phức tạp, khó lường. Ảnh: KS.

Thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên ngày càng phức tạp, khó lường. Ảnh: KS.

Trong khi đó vào tháng 3/2023, tại khu vực bờ biển thuộc khu phố An Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu cũng xảy ra triều cường bất ngờ xâm thực, gây sạt lở, sụt lún một số công trình, nhà ở và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

UBND phường Xuân Đài thống kê có 5 ngôi nhà bị triều cường xâm thực, sóng biển đánh sập tường rào, khoét móng nhà, gây hư hại.

Theo người dân địa phương, đây là đợt triều cường được cho là dị thường, trái với quy luật. Ông Nguyễn Văn Lợi, một người dân ở khu phố An Thạnh, phường Xuân Đài cho biết, vào mùa mưa bão khu vực nơi đây mới xảy ra triều cường. Thế nhưng nay mới bắt đầu bước vào mùa hè, song triều cường xuất hiện với những đợt sóng biển lớn xâm thực vào đất liền là lần đầu tiên xảy ra.

Không để bị động trước thiên tai

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn, trong đó từ 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Về mưa lũ, ngập lụt, đỉnh lũ các sông khu vực Bắc bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ thì báo động 2-3, tập trung từ tháng 7-9. Đỉnh lũ từ các sông Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Vì vậy, có nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các đô thị; lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi miền Bắc và miền Trung…

Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra nắng nóng ở mức cao và gay gắt hơn năm 2022. Dòng chảy các sông, suối trên địa bàn tỉnh ít thay đổi, có xu thế giảm dần, thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Nguồn nước tưới vụ hè thu sẽ gặp khó khăn, nhất là các vùng có công trình thủy lợi nhỏ, vùng cao, xa khu tưới.

Việc phòng, chống thiên tai cần chủ động, linh hoạt với mọi tình huống. Ảnh: Kim Sơ.

Việc phòng, chống thiên tai cần chủ động, linh hoạt với mọi tình huống. Ảnh: Kim Sơ.

Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó các loại hình thiên tai, ngay từ đầu năm, các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đều xây dựng các phương án, kế hoạch.

Như tại thị xã Sông Cầu, nơi nuôi thủy sản bằng lồng bè nhiều nhất tỉnh, hàng năm xảy ra từ 3-5 trận lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết, để chủ động ứng phó, ngay từ đầu năm, thị xã cũng như các địa phương trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai cụ thể, sát với thực tế và theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong quá trình triển khai thực hiện theo nguyên tắc chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, qua bài học kinh nghiệm ứng phó với thiên tai trong năm 2022, Ban Chỉ huy nhận thấy để thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao công tác phòng, chống thiên tai cần quan tâm, sâu sát trong công tác lãnh đạo, đôn đốc công việc và xử lý kịp thời trước những diễn biến thiên tai.

Các cấp lãnh đạo, các thành viên Ban Chỉ huy các cấp phải luôn nắm chắc địa bàn từ khi thiên tai chuẩn bị xảy ra cho đến khi đợt thiên tai kết thúc, cũng như tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 khi có thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, luôn có phương án sẵn sàng để ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn huyện như: lụt, bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, nắng nóng, lốc, sét và mưa lớn. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn luôn được củng cố và luôn ở trong tư thế sẵn sàng; công tác tuyên truyền vận động và thông tin đại chúng luôn được chú trọng và thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ lực lượng xung kích phòng chống thiên tai để điều động khi cần thiết.

Đặc biệt, phương châm “bốn tại chỗ” phải được thực hiện nghiêm túc. Các cấp lãnh đạo địa phương luôn bám sát địa bàn và linh động trong công tác di dời dân cư vùng ngập lũ. Xây dựng phương án phòng chống hạn hán, phòng, chống thiên tai, triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sản xuất theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, triển khai gieo sạ đúng lịch thời vụ để thuận lợi trong công tác cấp nước phục vụ sản xuất, hạn chế nguy cơ hạn hán xảy ra gây thiếu nước…

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, để giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới, Ban Chỉ huy kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai quan tâm xem xét rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phòng, chống lũ cho các sông khu vực miền Trung, đồng thời đầu tư nguồn lực các hồ chứa trên thượng nguồn sông Ba đã được phê duyệt tại Quyết định số 5205 ngày 27/12/2018 của Bộ NN-PTNT về phê duyệt quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Ba và vùng phụ cận đến giai đoạn 2030 và hồ Phú Xuân 2.

Bên cạnh đó, xem xét, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa nước (gồm cả hồ thủy điện, thủy lợi) theo phương án vận hành liên hồ để tham gia điều tiết lũ; thể chế hóa trách nhiệm của chủ hồ trong việc trữ lũ và xả lũ khi đã có cảnh báo sớm về nguy cơ lũ lụt. Cũng như chủ trì việc ban hành quy chế phối hợp giữa các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công thương và UBND các tỉnh Gia Lai, Phú Yên về quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực Sông Ba.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.