| Hotline: 0983.970.780

Người dân lặn mò khoai mì trong nước lũ

Thứ Tư 16/08/2023 , 17:13 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Sau mưa lũ đến xả lũ bất ngờ khiến nhiều diện tích khoai mì ở huyện Định Quán (Đồng Nai) chìm sâu trong nước.

Thuê... "thợ lặn" nhổ mì!

Có mặt tại cánh đồng trồng khoai mì thuộc địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, chúng tôi chứng kiến hàng trăm ha cây khoai mì của người dân sắp đến ngày thu hoạch đến nay vẫn đang chìm sâu trong mênh mông nước lũ.

Những ngày qua, nhiều người dân trồng mì đang phải thuê “thợ lặn” dẫn ra cánh đồng để tranh thủ thu hoạch, hy vọng vớt vát được phần nào diện tích khoai mì mới bị ngập để gỡ chút tiền công.

Hàng trăm ha cây khoai mì của người dân huyện Định Quán sắp đến ngày thu hoạch đến nay vẫn đang chìm sâu trong mênh mông nước lũ. Ảnh: Minh Sáng.

Hàng trăm ha cây khoai mì của người dân huyện Định Quán sắp đến ngày thu hoạch đến nay vẫn đang chìm sâu trong mênh mông nước lũ. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Trần Văn Ơn, tổ 4, ấp 5, xã Thanh Sơn đứng trên bờ nhìn xuống ruộng mì đang ngập sâu trong nước buồn rầu than vãn: “Cách khoảng một tuần còn nhìn thấy ruộng mì xanh tốt, nhưng chỉ mấy hôm nay nước dâng lên quá nhanh nhấn chìm toàn bộ diện tích khoai mì của bà con chúng tôi, thậm chí có chỗ còn ngập sâu cả mấy mét nước”.

Theo ông Ơn, vụ này gia đình ông đầu tư trồng 32 ha khoai mì, nếu bình thường như năm trước mỗi ha mì cho thu hoạch ít nhất cũng phải được 25 tấn củ, nhưng vụ này gần như trắng tay. Chưa kể máy cày, máy kéo,gia đình ông mới vay vốn ngân hàng sắm về để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ thu hoạch mì nhưng nay cũng đành “đắp chiếu” vì mùa mì thất bại.

Mấy ngày trước, nhiều hộ trồng khoai mì đã phải thuê người ra lội nước tranh thủ thu hoạch mì non về bán giá rẻ hòng vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Ảnh: Minh Sáng.

Mấy ngày trước, nhiều hộ trồng khoai mì đã phải thuê người ra lội nước tranh thủ thu hoạch mì non về bán giá rẻ hòng vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Ảnh: Minh Sáng.

Những ngày đầu khi nước lũ mới dâng, gia đình ông Ơn cũng thuê người ra lội nước tranh thủ thu hoạch khoai mì non để chấp nhận đem về bán giá rẻ hòng vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Tuy nhiên, đến hôm nay thì toàn bộ ruộng mì đã ngập sâu trong nước, có chỗ cả vài mét không còn nhìn thấy ngọn cây mì nữa. Mọi người phải chèo thuyền tìm những chỗ mực nước thấp để lặn xuống nhổ mì lên, nhưng đa số củ mì đã bắt đầu bị thối vì ngâm nước nhiều ngày.

Bà Phạm Thị Thuân quá sốt ruột với tình trạng mì ngập úng nên từ sáng sớm đã theo chồng chèo thuyền ra giữa ruộng mì cố gắng tìm kiếm những ngọn mì nhô lên còn tươi để gọi các "thợ lặn" mò nhổ từng gốc dưới nước sâu ngập đầu người.

Người dân thuê người thu hoạch mì, nhưng đa số củ mì đã bắt đầu bị thối vì ngâm nước nhiều ngày. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân thuê người thu hoạch mì, nhưng đa số củ mì đã bắt đầu bị thối vì ngâm nước nhiều ngày. Ảnh: Minh Sáng.

“Cả tuần nay tôi mất ăn mất ngủ vì lo mì ngập nước, thấy càng ngày nước càng dâng cao nên tôi cũng phải thuê người ra đi mò lặn thu mì trên ruộng nhà mình rồi thu mua lại của họ để bán gỡ chút tiền công. Ấy thế nhưng hôm nay thì cả ruộng mì đã ngập quá sâu, củ mì cũng đã bắt đầu ủng thối nên có ráng lặn mò nhổ thêm thì cũng chẳng bán nổi nữa”, bà Thuân xót xa.

Theo bà Thuân, vụ mì này bà đã bỏ vốn khoảng 300 triệu đồng gồm tiền giống, phân, thuốc, nhưng mấy ngày đầu ngập nước thu hoạch cố lắm cũng chỉ vớt vát lại được khoảng 40 triệu đồng.

Người dân trồng mì đang phải thuê 'thợ lặn' dẫn ra cánh đồng để tranh thủ thu hoạch, hy vọng vớt vát được phần nào diện tích khoai mì mới bị ngập để gỡ chút tiền công. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân trồng mì đang phải thuê “thợ lặn” dẫn ra cánh đồng để tranh thủ thu hoạch, hy vọng vớt vát được phần nào diện tích khoai mì mới bị ngập để gỡ chút tiền công. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Nguyễn Văn Phục, một “thợ lặn” thu hoạch mì tâm sự: “Tôi thường ngày đi bắt cá trên sông, nhưng mấy bữa nay nhiều người kêu đi lặn nhổ mì nên cũng cố giúp bà con thu hoạch được phần nào hay phần đó. Nếu thu hoạch bình thường thì nhổ mì cũng đỡ vất vả, còn ngập nước sâu hút đầu người thế này thì phải lặn mò từng bụi nên rất lâu”.

Anh Phục cũng cho biết, chưa năm nào anh thấy nước lũ ngập quá nhanh như vậy, khiến những lối đi trên cánh đồng thường ngày vẫn chạy xe thì nay bà con phải chèo thuyền mới ra được ruộng mì.

Chính quyền thống kê thiệt hại   

Có lẽ trường hợp thiệt hại nhiều nhất là gia đinh ông Nguyễn Văn Út, tổ 3, ấp 7, xã Phú Lý trồng tới 50 ha mì sắp thu hoạch nhưng do nước xả lũ dâng cao nhanh quá khiến gia đình ông không kịp trở tay. Ông Út xót xa tâm sự: “Hôm qua tôi thử ra lặn mò nhổ mì lên thì thấy bị thối hết rồi, chứ mình cố thu hoạch thì các lò thu mua họ cũng chẳng chịu nhận nên đành bỏ luôn. Sau vụ mì này cũng không biết gia đình tôi còn có thể tiếp tục trồng vụ mì tiếp theo được không vì tiền vốn đầu tư đã tiêu tan trôi theo mùa lũ hết”.

Sau vụ mì này nhiều gia đình có thể sẽ không thể tiếp tục đầu tư trồng vụ mì mới vì hết vốn đầu tư.

Sau vụ mì này nhiều gia đình có thể sẽ không thể tiếp tục đầu tư trồng vụ mì mới vì hết vốn đầu tư.

Theo ông Út, gia đình ông đã trồng mì được 10 năm, nhưng chưa năm nào bị nước ngập thiệt hại như năm nay. Do tìền thuê công lặn thu hoạch mì quá cao nên gia đình ông đành phải cắn răng bỏ cả ruộng mì chìm trong nước mà không thu hoạch được chút nào.

Cả buổi ra cánh đồng các 'thợ lặn' cũng chỉ thu được một số củ mì còn chưa kịp thối trong nước đem về bán lại cho chủ ruộng mì. Ảnh: Minh Sáng. 

Cả buổi ra cánh đồng các "thợ lặn" cũng chỉ thu được một số củ mì còn chưa kịp thối trong nước đem về bán lại cho chủ ruộng mì. Ảnh: Minh Sáng. 

Ông Phan Văn Hoàng, Trưởng ban Mặt trận ấp 5, xã Thanh Sơn xác nhận: “Đợt mưa lũ vừa qua, ở ngoài sông thì cá nuôi bè bị thiệt hại, trong cánh đồng trồng lúa với khoai mì cũng bị thất bại hàng trăm ha vì nước xả lũ lên quá nhanh và bất ngờ. Thực tế, không phải do bà con chủ quan mà theo lịch hàng năm nước xả lũ chỉ dâng lên từ từ, bà con vẫn kịp thu hoạch, còn năm nay xả lũ nhanh quá khiến người dân trở tay không kịp”.

Theo ông Hoàng, mấy ngày nay chính quyền địa phương đến từng hộ dân thăm hỏi, thống kê thiệt hại để đề xuất cấp trên có hướng hỗ trợ cho bà con trong vụ mì này.

Người dân chọn lựa những củ mì vừa thu hoạch dưới nước để bán rẻ cho các cơ sở xay làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Minh Sáng. 

Người dân chọn lựa những củ mì vừa thu hoạch dưới nước để bán rẻ cho các cơ sở xay làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Minh Sáng. 

Trao đổi với NNVN, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã bị thiệt hại nặng, kể cả nhiều diện tích lúa, cây trồng hoa màu của dân cũng bị ngập và ảnh hưởng. Những diện tích trồng khoai mì của người dân trong xã chủ yếu nằm trên vùng bán ngập sát với lòng hồ Trị An, do đó khi xảy ra mưa to và xả lũ bất ngờ cũng khó tránh khỏi thiệt hại do ngập úng”.

Theo bà Hương, chính quyền địa phương cũng đang quan tâm đến các vùng bị ngập lụt do mưa lũ và xả lũ, sẽ có thống kê thiệt hại thực tế về nuôi trồng thủy sản và cây trồng hoa màu của dân để trình lên  huyện xem xét hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới...

“Đồng Nai đang vào cao điểm mùa mưa bão, đặc biệt mưa lũ xuất hiện trên sông Đồng Nai từ ngày 27/7 đến nay gây thiệt hại lớn cho 2 địa phường Tân Phú và Định Quán, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương đang tập trung mọi giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai, theo dõi, kiểm tra thường xuyên công tác phòng, chống thiên tai, cảnh báo về tình hình mưa lũ kịp thời để chủ động ứng phó”, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

18 trẻ bị lạc khi đi tắm biển Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu Chiều 29/4, Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và đưa 18 trẻ bị lạc về với gia đình.

Bình luận mới nhất