Anh Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc HTX sơ ri Bình Ân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và vườn sơ ri chua đang cho trái (Ảnh: TS)
Mới đây, anh Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc HTX sơ ri Bình Ân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho hay, các sản phẩm chế biến từ sơri đã chuyển theo đơn đặt hàng bán ra tới Nha Trang (Khánh Hòa) và nhiều đại lý đầu mối cung cấp sản phẩm tại TP.HCM.
Anh Thế cho biết, sơ ri là loại trái giàu vitamin C. Theo nhiều tài liệu, một ly nước ép 180ml từ trái sơ ri chứa hàm lượng vitamin C có thể bằng 14 lít nước cam ép.
Đây là loại trái có thành phần bột đường, chất đạm thấp hơn các loại trái cây chôm chôm, chuối, xoài, mãng cầu ta (na), mãng cầu xiêm, chùm ruột… nhưng thành phần vitamin C, B1, B2, PP và khoáng chất (caroten, Ca, Mg, K, Fe) không thua kém các loại trái cam, chanh, quít, bưởi, nho.
Cây sơ ri được trồng từ lâu đời ở vùng đất Gò Công. Theo nông dân cố cựu ở địa phương, giống sơ ri ngọt từ Brazil được người Pháp đưa về trồng tươi tốt trên vùng đất gò ở Gò Công. Xưa kia người dân Gò Công trồng sơ si thu hoạch theo mùa, mỗi ngày hái trái tươi chín tự nhiên mang ra chợ bán, chứ không dùng phân, thuốc kích thích ra hoa đậu trái đồng loạt như bây giờ.
Những năm sau này sơ ri được trồng ở Bến Tre và một số tỉnh lân cận trong vùng cùng với biện pháp kỹ thuật cho trái nghịch vụ nên hầu như sơ ri bốn mùa cho trái. Sản lượng sơ ri tăng lên, dù mức tiêu thụ sơ ri tươi của người dân trong vùng và khu vực TP.HCM có tăng cùng với nhu cầu xuất khẩu nhưng cung vượt cầu, nhất là vào mùa chín rộ. Do vậy giá cả bấp bênh và ít khi sơ ri tươi bán được giá cao. Đó là thách thức thật sự cho một số hộ nông dân muốn giữ giống sơ ri ngọt đặc sản.
Vào thời điểm này loại sơ ri ngọt tươi bán lẻ tại các chợ trong vùng ĐBSCL khoảng 12.000 đ/kg. Nhưng tại nhà vườn Gò Công bán ra chỉ được 4.600 đ/kg. HTX sơ ri Bình Ân thu mua 5.200 đ/kg. Giống sơ ri ngọt lưu truyền từng làm nên đặc sản danh tiếng xứ Gò Công, một năm trung bình cho 8 vụ trái, năng suất bình quân 1,2 tấn/năm/công (mật độ 40 cây/công).
Tuy nhiên có lẽ vì năng suất thấp, giá bán cao hơn sơ ri chua chỉ khoảng 300 đ/kg, hơn nữa giống cây này khi bỏ đi thì khó trồng lại được nên đến năm 2012 diện tích thu hẹp còn khoảng 134ha, trồng tập trung nhiều ở khu vực xã Bình Ân, xã Tân Điền và các vùng giáp ranh như xã Bình Nghị, Tân Đông và Long Thuận (thị xã Gò Công).
HTX Bình Ân giới thiệu mứt sơ ri đặc sản Gò Công, Tiền Giang (Ảnh: TS)
Trong khi đó từ năm 2007 giống sơ ri chua mới được du nhập cũng từ Brazil đưa về Gò Công trồng. Đến năm 2012 giống sơ ri “chua” này được trồng khoảng 38ha, tập trung nhiều ở Tân Đông và có một doanh nghiệp quy hoạch vùng trồng để xuất sang Nhật. Sơ ri chua cho trái to hơn giống sơ ri ngọt trước đây và chua hơn chanh. Nhà vườn bán 4.300 đ/kg, HTX Bình Ân thu mua 4.900 đ/kg. Do giống sơ ri chua cho năng suất rất cao, bình quân 1,6 tấn/năm/công (1.000m2) và một năm cho 10 vụ trái nên hiện có nhiều nông dân có xu hướng chuyển đổi sang trồng giống này.
Sơ ri được xác định nằm trong 7 nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh Tiền Giang, lúc hưng thịnh diện tích khoảng 950ha, sản lượng đạt 18.000 tấn/năm. Nhưng hiện nay giống sơ ri ngọt dùng để ăn tươi chủ yếu tiêu thụ nội địa dưới hình thức bán lẻ và gặp thách thức và nguy cơ mai một do cạnh tranh, giá bán quá rẻ. Do vậy để giữ giống sơ ri ngọt, từ mấy năm trước HTX sơ ri Bình Ân ra đời có nhiều xã viên tham gia với diện tích lớn, kỳ vọng giữ gìn và phát huy danh tiếng đặc sản của Gò Công.
Mấy năm gần đây HTX Bình Ân chỉ trông bán hàng vào mỗi dịp Tết. Trong vòng một tháng cận Tết HTX phải SX ngày đêm để kịp cung cấp theo đơn đặt hàng 3 - 4 tấn sản phẩm cho siêu thị ở TP.HCM. Vậy làm thế nào xóa nghịch lý vào mùa thu hoạch, sơ ri nguyên liệu dồi dào và sản phẩm chế biến vẫn được tiêu thụ rải đều các tháng trong năm? Trong thế khó, vốn ít, qui mô SX nhỏ, HTX Bình Ân chỉ còn cách đẩy mạnh khâu quảng bá tiếp thị sản phẩm thông qua các phiên chợ hàng Việt, tìm đầu mối bán hàng để quảng bá món ngon của xứ sở, tăng sức mua hàng quanh năm.