| Hotline: 0983.970.780

Giữ lại tính nguyên bản của các giá trị văn hóa, làng nghề

Thứ Hai 15/07/2024 , 07:58 (GMT+7)

Cần Thơ Khai thác giá trị văn hóa, làng nghề cần giữ lại tính nguyên bản. Làm sao để người dân hiểu và khai thác những giá trị đó để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

ĐBSCL là một trong những cái nôi văn hóa, làng nghề truyền thống được giữ gìn, bảo tồn hàng trăm năm qua. Những giá trị này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần, mà còn thúc đẩy tăng thu nhập cho người dân nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao.

Hiện nay việc phát huy giá trị văn hóa, làng nghề để khơi dậy sức dân cùng phát triển du lịch nông thôn đang gặp nhiều thách thức. Xoay quanh vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Bé Ba, Trưởng Bộ môn Lịch sử - Địa lý – Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ.

TS Nguyễn Thị Bé Ba (áo hồng, bên phải), Trưởng Bộ môn Lịch sử - Địa lý – Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Thị Bé Ba (áo hồng, bên phải), Trưởng Bộ môn Lịch sử - Địa lý – Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tiềm năng, giá trị của yếu tố văn hóa, làng nghề ở khu vực nông thôn vùng ĐBSCL?

Làng nghề được cấu thành bởi hai yếu tố: nghề và làng. Nghĩa là không gian lãnh thổ ở nông thôn có các nghề phi nông nghiệp, chiếm đa số số hộ, số lao động và tỷ trọng thu nhập so với nghề nông. Trong đó, sản phẩm của làng nghề thể hiện nét văn hóa bản địa đặc trưng cho cộng đồng nông thôn nơi đó.

Ở ĐBSCL, thống kê chưa đầy đủ có khoảng 164 làng nghề và trở thành nét đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương. Điển hình, An Giang có làng dệt thổ cẩm, đường thốt nốt, mắm cá; Vĩnh Long có làng nghề làm gốm, đan lát; Sóc Trăng có làng nghề bánh pía; Cần Thơ có làng bánh tráng Thuận Hưng, làng lưới Thơm Rơm; Đồng Tháp có làng nghề dệt chiếu Định Yên

Xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn văn hóa bản địa, làng nghề ở vùng nông thôn ĐBSCL đang rất sôi động. Ảnh: Kim Anh.

Xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn văn hóa bản địa, làng nghề ở vùng nông thôn ĐBSCL đang rất sôi động. Ảnh: Kim Anh.

Việc khai thác làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch ở nông thôn có ý nghĩa rất lớn. Ngoài khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch phục vụ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn… mà còn làm tăng giá trị của làng nghề trong nhận thức cộng đồng.

Sản phẩm của làng nghề là những món quà tặng, lưu niệm hấp dẫn trong du lịch. Quy trình sản xuất của làng nghề là mô hình trải nghiệm thú vị cho du khách. Từ đó góp phần tự chuyển biến, tự nhận thức được giá trị của làng nghề.

Mỗi làng nghề là một câu chuyện sống động về miền quê đáng sống, hấp dẫn du khách. Theo xu thế phát triển của xã hội, hiện nay một số làng nghề tuy đã kém sôi động, nhưng giá trị văn hóa vẫn còn được lưu giữ đậm nét.

Nắm bắt tiềm năng này, thời gian qua, trong kế hoạch xây dựng NTM, các địa phương trong vùng đã chủ động lồng ghép công tác bảo tồn giá trị văn hóa, làng nghề với phát triển du lịch nông thôn. Từ đó tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thông qua việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thách thức hiện nay trong việc khai thác các giá trị văn hóa, làng nghề ở ĐBSCL là gì, thưa bà?

Thứ nhất, các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour, tuyến kết hợp du lịch làng nghề với những loại hình khác chưa nhiều, trong khi nhu cầu thị trường lại cao.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng tại các làng nghề ở nông thôn tuy có bước phát triển nhưng vẫn chưa được quan tâm nhiều để phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất.

Thứ ba, làng nghề chưa quan tâm đến tính thẩm mỹ của sản phẩm hay bao bì làm ra còn khá thô sơ, chưa thực sự thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch tại làng nghề đa phần là làm ra sản phẩm chứ chưa được đào tạo bài bản trong việc hướng dẫn khách du lịch khi họ đến với làng nghề.

Nghề làm Nem Lai Vung (Đồng Tháp) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo ra giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế cho người dân nông thôn. Ảnh: Kim Anh.

Nghề làm Nem Lai Vung (Đồng Tháp) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo ra giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế cho người dân nông thôn. Ảnh: Kim Anh.

Thứ tư là làng nghề chưa xây dựng các hoạt động du lịch khác ngoài việc bán sản phẩm. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa làng nghề với các loại hình du lịch khác ở nông thôn.

Và cuối cùng là công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của làng nghề, nét độc đáo trong du lịch làng nghề còn bị hạn chế.

Như vậy, theo bà, hiện nay các chính sách đầu tư để khai thác giá trị văn hóa, làng nghề ở các địa phương vùng ĐBSCL như thế nào và bà có thể đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL?

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của chương trình là phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.

Từ đây, các địa phương vùng ĐBSCL rất ưu tiên, thực hiện nhiều đề tài, dự án phát triển du lịch nông thôn, trong đó cũng quan tâm khai thác giá trị văn hóa, làng nghề ở nông thôn.

Dự án có nhưng chưa nhiều, làm sao để người dân nhận thấy được giá trị của chính bản thân họ trong việc phát triển các giá trị đó. Tất nhiên, không thể chỉ dừng lại ở những mô hình, đề án thử nghiệm, bởi dự án thực hiện xong, người dân lại bơ vơ.

Thời gian qua, tôi có cơ hội làm việc và kết nối xây dựng các điểm du lịch nông thôn ở nhiều vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, Bộ môn Lịch sử - Địa lý – Du lịch, với sự hỗ trợ của một số đối tác quốc tế, đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Một điều rút ra là những điều bình dị nhất ở nông thôn là điểm thu hút du khách mạnh nhất.

TS Nguyễn Thị Bé Ba trong một chương trình khai thác, phát triển du lịch nông thôn tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (TP Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Thị Bé Ba trong một chương trình khai thác, phát triển du lịch nông thôn tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (TP Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Phát triển du lịch nông thôn không giống như một số loại hình du lịch khác. Không cần đầu tư quá nhiều kinh phí, nhưng làm sao để người dân hiểu và khai thác được những giá trị văn hóa, làng nghề để thu hút du khách. 

Giải pháp quan trọng nhất là thị trường, trong đó tập trung vào 3 điểm chính. Thứ nhất, nâng cao nhận thức, năng lực và khả năng tự tiếp cận của cộng đồng. Thứ hai là nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của du khách về kiểu dáng, công dụng, chất lượng, giá cả, thương hiệu sản phẩm của làng nghề,… Thứ ba là cần quan tâm xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng cường sử dụng nguyên liệu xanh.

Bên cạnh đó, tập huấn cho hộ làng nghề về cách làm du lịch. Cụ thể, khách đến làng phải chào hỏi, những câu chào đơn giản, rồi vài ba câu giới thiệu về làng, sản phẩm, trải nghiệm ở làng nghề.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn cũng là giải pháp phát triển du lịch nông thôn. Hơn nữa, khi xây dựng một mô hình du lịch nông thôn nào đó, phải nhìn xung quanh có thể kết nối thêm tour tuyến. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch thông qua cơ chế phối hợp, nhất là sự phối hợp 3 bên: chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và các công ty du lịch lữ hành.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Hơn 120 gian hàng tham gia Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang

Đây là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đạt chuẩn OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận.