Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi Tốt nghiệp THPT triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, công tác tổ chức các kỳ thi nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong giai đoạn 2020-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tiến hành chung đề, cùng một thời điểm trên cả nước. Kết quả của kỳ thi không chỉ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp mà còn đánh giá chất lượng giảng dạy, cung cấp thông tin cho các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân công trách nhiệm cho các địa phương, nhằm tăng cường tính chủ động và trách nhiệm trong công tác tổ chức thi.
Năm 2025, mục đích tổ chức, đối tượng dự thi, hình thức thi, thời gian tổ chức thi tương tự như giai đoạn 2020-2024. Nội dung thi bám sát chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là lớp 12.
Hình thức thi bao gồm: Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Về lựa chọn môn thi, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lí, hóa học, sinh học, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ nông nghiệp, công nghệ công nghiệp).
Theo Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2025-2030, hình thức thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi. Giai đoạn sau 2030, sẽ tổ chức thí điểm thi trên máy tính tại các địa phương có đủ điều kiện, nếu thuận lợi Bộ sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Thời gian thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT quy định phù hợp với thời gian năm học, tạo sự thống nhất trong cả nước. Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ.