| Hotline: 0983.970.780

Buôn bán ngà voi: Khách du lịch 'tiếp tay'

Thứ Sáu 28/03/2025 , 16:23 (GMT+7)

Voi suy giảm trong tự nhiên nhưng lại xuất hiện phổ biến trong các chuyến hàng lậu, cửa hàng mỹ nghệ, túi xách của khách du lịch. Làm gì để đảo ngược tình trạng này?

Vẫn bày bán sản phẩm chế tác từ ngà voi

Ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết, năm 2025 đánh dấu 50 năm Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) có hiệu lực và được thực thi hiệu quả trên toàn cầu. CITES là công cụ quan trọng, không thể thay thế để kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã quốc tế với 185 quốc gia thành viên.

Hiện nay, một số sản phẩm làm từ ngà voi vẫn được rao bán trên các nền tảng mạng xã hội ở nước ta. Ảnh: FB.

Hiện nay, một số sản phẩm làm từ ngà voi vẫn được rao bán trên các nền tảng mạng xã hội ở nước ta. Ảnh: FB.

Bài liên quan

Tham gia CITES từ 1994, Việt Nam cũng đã trải qua hơn 30 năm là thành viên của CITES, Việt Nam cũng từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý đầy đủ hơn, đặc biệt đã ban hành Bộ luật Hình sự, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch bảo tồn voi đến năm 2025.

Voi châu Á và voi châu Phi đều được CITES bảo vệ ở mức cao nhất (Phụ lục I) ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Tại Việt Nam, loài thú này cũng được đưa vào Nhóm I Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Nhưng điều này cũng phản ánh một thực trạng "voi là một trong những loài động vật bị săn bắt, giết hại nhiều nhất trên toàn cầu".

Cũng theo ông Quân, Việt Nam là một trong số các quốc gia tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, hoạt động buôn bán quốc tế động vật hoang dã diễn biến ngày càng phức tạp. 

Bài liên quan

Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) chia sẻ, Việt Nam đã tham gia Công ước CITES từ năm 1994. Hệ thống các quy định pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước CITES cũng đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong công tác phòng chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã nói chung và các sản phẩm làm từ ngà voi nói riêng vẫn tồn tại tại nhiều địa phương.

“Là loài thú chỉ hiện diện ở hai châu lục là châu Á và châu Phi, qua nhiều thế kỷ, voi đang ngày càng suy giảm trong tự nhiên nhưng lại xuất hiện phổ biến trong những chuyến hàng lậu (ngà voi), những cửa hàng (đồ mỹ nghệ), trong túi xách của khách du lịch (nhẫn, vòng tay…)”, ông Ledecq nhấn mạnh.

Bài liên quan

Theo ông Ledecq, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành du lịch Việt Nam đã và đang khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách thiếu bền vững, chưa phát huy được vai trò cầu nối trong việc thúc đẩy các bên liên quan tham gia bảo vệ thiên nhiên.

“Các điểm thu hút khách du lịch vẫn còn hiện tượng bày bán, chào mời các sản phẩm động vật hoang dã, trong đó có các sản phẩm chế tác từ ngà voi. Việc đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách du lịch đã làm gia tăng nạn mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã, góp phần đẩy nhiều loài quý hiếm đến bờ vực tuyệt chủng”, ông Ledecq phản ánh.

Nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, ngành du lịch Việt Nam không chỉ hướng đến sự phát triển về mặt kinh tế mà còn đặt trọng tâm vào trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Việt Nam là điểm đến du lịch nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú và đa dạng, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Tuy nhiên, thực trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại.

Việt Nam được ghi nhận có số lượng ngà voi bị bắt giữ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam được ghi nhận có số lượng ngà voi bị bắt giữ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo của các tổ chức bảo tồn, Việt Nam là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngà voi bất hợp pháp trên thế giới. "Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường các giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, trong đó nâng cao nhận thức của khách du lịch và cộng đồng làm du lịch là biện pháp thiết thực và hiệu quả”, ông Phúc nói thêm.

Còn theo ông Chu Ngọc Quân, CITES Việt Nam là đơn vị đầu mối để thực hiện hợp tác quốc tế và thực thi Công ước CITES tại Việt Nam. Theo sáng kiến năm 2010, Việt Nam đã thành lập Mạng lưới Vietnam-WEN - Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có kiểm lâm, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng… để thực thi và đấu tranh với các hành vi mua bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp.

Trong các quốc gia thành viên của CITES, Việt Nam là một trong những nước có hệ thống pháp luật khá nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán cũng như hủy hoại môi trường sống của các loài động vật hoang dã nguy cấp.

“Thời gian tới, CITES Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các cơ quan trong Mạng lưới Vietnam-WEN để triển khai đồng bộ, từ truyên tuyền, quản lý, phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã”, ông Quân cho biết.

Việt Nam kiên quyết "nói không" với ngà voi

Đây là thông điệp mạnh mẽ từ Chiến dịch truyền thông “Giảm cầu ngà voi với du khách quốc tế” do WWF-Việt Nam phối hợp với CITES Việt Nam thực hiện tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đã Nẵng từ tháng 1 - 3/2025.

Theo ông Tạ Huy Vũ, cán bộ truyền thông của WWF-Việt Nam, nhu cầu ngà voi của khách du lịch là một trong những yếu tố thúc đẩy nạn săn bắt trái phép voi. Chiến dịch sẽ tiếp cận 2 triệu lượt khách quốc tế và nội địa trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức về tính phi pháp của hành vi tàng trữ, buôn bán ngà voi tại Việt Nam, đồng thời giảm ý định mua các sản phẩm từ ngà voi của du khách đến Việt Nam.

Voi châu Á và voi châu Phi đều được CITES bảo vệ ở mức cao nhất (Phụ lục I) ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Ảnh: WWF.

Voi châu Á và voi châu Phi đều được CITES bảo vệ ở mức cao nhất (Phụ lục I) ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Ảnh: WWF.

Ông Ledecq khẳng định, một trong những trọng tâm của chiến dịch là truyền đi thông điệp “Việt Nam kiên quyết nói không với ngà voi. Mọi hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh”.

“Tầm nhìn của chiến dịch này là thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong du lịch. Thay vì đến Việt Nam để mua ngà voi và các sản phẩm từ ngà, chúng tôi mong muốn xu hướng này sẽ giảm đáng kể. Để đạt được điều đó, chúng tôi kêu gọi sự tham gia tích cực từ các bên liên quan, bao gồm chính phủ, cơ quan du lịch và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu. Cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt nạn buôn bán ngà voi, vì lợi ích của thế giới và chính Việt Nam”, ông Ledecq nhấn mạnh.

Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu không có hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng loài voi - một biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ. Khi nói tới vấn đề buôn bán ngà voi, chúng ta không chỉ đang nói về vấn đề môi trường mà còn là vấn đề văn hóa và đạo đức”.

Xem thêm
TP.HCM điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến xe buýt

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM tạm điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến xe buýt nhằm phục vụ hoạt động kỷ niệm dịp lễ 30/4.

Mùa xuân biên giới: [Bài 4] Xóa bỏ hủ tục, vực dậy bản làng

Nhiều năm bám bản, dầm mưa dãi nắng, chịu đựng bao lời khó nghe, những người cán bộ vùng cao vẫn kiên trì, để ánh sáng tri thức xua tan đi bóng tối hủ tục mịt mù.