| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng để hưởng 'lộc rừng'

Thứ Sáu 18/12/2015 , 06:46 (GMT+7)

Đó là suy nghĩ của những hộ dân ở quanh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, sau khi được giao khoán bảo vệ rừng. 

Cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể, rừng không còn bị teo tóp, nghèo nàn... mà ngày càng phát triển.

Rừng lớn mỗi ngày

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập cho biết, từ đầu năm đến nay Ban quản lý vườn đã chi trả hơn 5,5 tỷ đồng cho các đơn vị nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Số tiền này do các đơn vị sử dụng tài nguyên, dịch vụ môi trường rừng như cơ sở sản xuất thủy điện, nhà máy nước sạch và các tổ chức kinh doanh du lịch chi trả.

Theo ông Phú, thông qua dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiện nay hơn 25.000 ha trên tổng diện tích hơn 25.700 ha rừng ở VQG Bù Gia Mập đã được giao cho 13 đơn vị, trong đó gồm 9 cộng đồng thôn bản và 4 đơn vị bộ đội, biên phòng đóng chân trên địa bàn nhận khoán bảo vệ.

 9 cộng đồng thôn bản với hơn 300 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng bản địa thuộc hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) có mức thu nhập bình quân từ 1,7-2,2 triệu đồng/hộ/tháng.

Qua 13 năm hoạt động và phát triển, VQG Bù Gia Mập đã đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Tài nguyên rừng được bảo vệ hữu hiệu, hệ động thực vật phát triển bền vững, vai trò của rừng được phát huy cả ba mặt: Môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Mặt khác đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn chung cho đất nước và trong khu vực.

“Từ khi được giao cho các cộng đồng thôn bản nhận khoán, rừng được bảo vệ rất tốt. Tình trạng phá rừng làm rẫy, cháy rừng đã không còn. Nếu như trước đây, mỗi năm xảy ra trên 2.000 vụ vi phạm lâm luật thì hiện nay đã giảm đến hơn 90%. Nạn săn bắt, bẫy thú chỉ còn xảy ra lẻ tẻ chủ yếu do người dân từ các địa phương khác đến xâm hại.

Nhiều hộ trước khi tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng rất nghèo khó, thậm chí đói ăn nhưng nay trong số hơn 300 hộ tham gia không còn hộ nghèo.

Mỗi quý, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được nhận lương một lần, tiền lương tính theo ngày công, một ngày tuần tra rừng được trả 150.000 đồng, ai đi nhiều thì được cao, có hộ nhận hơn 10 triệu đồng/quý. Nếu gặp khó khăn đột xuất các hộ có thể ứng tiền xài trước, sau đó trừ vào lương.

Có thể nói, số tiền 1,7-2,2 triệu đồng/hộ/tháng là nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể của các hộ tham gia nhận khoán. Từ khi có các cộng đồng người đồng bào S’tiêng tham gia bảo vệ rừng, chúng tôi đã giảm được áp lực rất lớn, mà rừng lại được bảo vệ rất tốt nữa.

Tất nhiên, để có được những kết quả đáng mừng như vậy, chúng tôi cũng đã có những kế hoạch làm công tác tuyên truyền dài hơn, sâu rộng, mục đích là để người dân nâng cao nhận thức về pháp luật trong việc bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải làm sao để người dân họ được hưởng lộc từ rừng, làm sao để gia đình họ không đói nữa, chứ tuyên truyền đến đâu, mà đói thì họ cũng sẽ làm liều thôi”, ông Phú nói.

"Tôi thấy mình có lỗi với rừng"

Anh Điểu Long, 44 tuổi, ở thôn 5, xã Bù Gia Mập, thành viên cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Bù Lư cho biết, những năm thập niên 90, anh là một lâm tặc có tiếng trong vùng.

Ban đầu, anh làm thuê cho một số đầu nậu gỗ ở địa phương Bù Gia Mập. Sau khi rành rẽ đường đi nước bước, anh tách ra làm riêng. Sau nhiều năm tung hoành tàn phá rừng, nhiều lần bị vây bắt nhưng anh may mắn thoát nạn.

Đến năm 2004, sau khi một số đồng bọn bị bắt, xử tù, thấy nghề lâm tặc khó có đường sống nên anh “rửa tay gác kiếm”. Năm 2005, anh tự nguyện xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Bù Lư và được nhận vào làm.

“Trước đây rừng bị người ta phá dữ lắm, từ gần chục năm nay, do có bà con người S’tiêng bảo vệ nên rừng không còn bị phá nữa. Tôi thấy mình cũng có lỗi với rừng, vì từng có nhiều năm phá rừng.

Hồi đó, thấy những cây gỗ lớn mấy người ôm bị đốn hạ không thương tiếc, tôi xót, tiếc lắm. Rồi bao nhiêu thú rừng bị săn bắt, giết thịt. Nhưng nếu không phá rừng, săn thú thì chết đói.

Khi nhà nước cấm triệt để, tôi cũng đã quyết tâm “cải tà quy chính”, không phá rừng nữa, không bẫy không bắn thú nữa. Ngày đó tôi phá rừng, tôi bắn thú cũng vì không được hiểu biết pháp luật, nhà cũng đói ăn nữa, giờ thì biết đôi chút về pháp luật rồi, phá rừng là tội ác.

14-54-50_nh-2
Thú trong VQG Bù Gia Mập

Bây giờ gia đình tôi có hơn 1 ha điều, thu nhập cũng khá, rồi có tiền lương hàng tháng từ công việc giữ rừng nữa nên cũng đủ sống, đủ nuôi các con. Tôi có 6 đứa con, ba đứa đã có vợ có chồng tự sống được.

Lúc tôi mới được làm bảo vệ rừng, các anh trong ban quản lý rừng cũng để ý tôi dữ lắm vì sợ tôi tiếp tục làm bậy. Nhưng sau một thời gian, họ thấy tôi làm tốt nên yên tâm và nhận thêm thằng Điểu Hồng, con trai lớn của tôi vào làm bảo vệ rừng tại cộng đồng thôn Bù Rên.

Cũng may cho hai cha con. Đi rừng nhiều nay đã thành quen rồi, không đi lại nhớ lắm”, anh Điểu Long nói.

Còn anh Điểu Thớ, 33 tuổi, ở thôn 3, xã Đắk Ơ, nói: “Tôi rất vui vì được Nhà nước nhận vào làm bảo vệ rừng. Hai vợ chồng tôi có 3 đứa con. Trước đây nhà tôi nghèo lắm nhưng từ khi được làm bảo vệ rừng đã tốt hơn, không còn nghèo đói nữa.

Không chỉ được trả tiền hàng quý, các cán bộ còn cho anh em lấy của rừng những thứ được cho lấy như lá nhíp, đọt mây, măng, nấm, rau rừng, hoa quả của rừng để cho thêm vào bữa ăn, vì vậy nay đã có cuộc sống no đủ hơn trước.

Chỉ được lấy ăn thôi chứ cấm các anh em mang bán, hễ mắc là bị xử lý, tội nặng chắc là bị đuổi việc”.

VQG Bù Gia Mập được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học rất cao, nhiều loài động, thực vật mang giá trị bảo tồn cho Việt Nam và thế giới.

Vườn có 17 loại thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, 19 loài trong sách đỏ thế giới như gõ đỏ, cầm lai, trầm hương, giáng hương...

36 loài thú có tên trong sách đỏ Việt Nam, 32 loài trong sách đỏ thế giới như voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly…

10 loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam và 5 loài chim trong sách đỏ thế giới.

 

Xem thêm
Trại lợn đầu độc kênh mương

Tiền Giang Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.

Vĩnh Long tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại

Vĩnh Long Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.

Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột

Tỉnh Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột từ tỉnh đến các thôn xóm, từng hộ dân...

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm