Tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động
Nhắc đến Krông Pa (tỉnh Gia Lai), không thể không nhắc đến sản phẩm thuốc lá sợi vàng. Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa khẳng định: “Đồng đất Krông Pa, hễ nơi nào có nước, nơi đó trồng được thuốc lá!”.
Từ 3ha trồng thử nghiệm năm 1991 của Công ty Thuốc lá Nam (nay là Công ty Cổ phần Hòa Việt), đến nay, huyện Krông Pa đang sở hữu diện tích thuốc lá lớn nhất tỉnh. Cả tỉnh có diện tích thuốc lá vụ đông xuân 2021 - 2022 khoảng trên 3.000ha, riêng huyện Krông Pa đã có đến 2.233ha, năng suất đạt 2,8 - 3 tấn sản phẩm sấy khô/ha, sản lượng đạt trên 5.500 tấn thuốc lá sấy khô.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, năng suất và chất lượng thuốc lá sợi vàng của huyện Krông Pa đang dẫn đầu cả nước. Với giá thu mua hiện tại khoảng 50 - 55 ngàn đồng/kg, 1ha thuốc lá thu về khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất 90 triệu đồng, nông dân còn lãi 60 triệu đồng/ha. Đây được xem là loại cây trồng có đầu ra ổn định, đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông.
Với thế mạnh như vậy, không ít doanh nghiệp đã tìm đến đây đầu tư vào cây thuốc lá. Hiện đã có 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chăm sóc, sơ chế, thu mua sản phẩm thuốc lá, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động của khoảng 800 hộ trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở 2 xã Phú Cần và Chư Gu. Cây thuốc lá đã thực sự trở thành sản phẩm nông nghiệp quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng nơi đây. Hàng năm, sản phẩm thuốc lá ở huyện Krông Pa đem lại giá trị từ trên 220 - 250 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách từ 9 - 10 tỷ đồng mỗi năm.
Giảm vấn nạn phá rừng
Nhiều năm trước, cứ gần đến mùa sấy thuốc lá, các cơ quan chức năng của Krông Pa và các địa phương lân cận lại đối mặt với nạn khai thác củi phục vụ các lò sấy thuốc lá. Ngoài phụ, phế phẩm dùng để sấy, người dân còn dùng củi được khai thác trong vườn nhà, củi lòng hồ các công trình thuỷ lợi…, không loại trừ người dân lén lút vào rừng tìm củi về sấy thuốc lá.
Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết, những năm trước, người dân lén lút vào rừng, lấy củi từ rừng tự nhiên về đem dấu gần lò sấy. Đến khi mở lò sấy thì đem củi rừng trộn lẫn với củi vườn nhà để đốt. Việc làm này đã gây nên sự khó kiểm soát của ngành chức năng, góp phần làm suy giảm vốn rừng.
Cũng theo ông Dụng, để sấy được 1ha thuốc lá, người dân cần khoảng 8 - 10 ster củi (1 ste bằng 0,7m3). Với trên 600 lò sấy thuốc lá hiện có của toàn huyện, phục vụ sấy cho trên 2.000ha thuốc lá của huyện thì mỗi năm, lượng củi phục vụ cho việc sấy thuốc lá là một con số khổng lồ. Tình trạng người dân lén lút vào rừng tự nhiên để lấy củi trái phép là áp lực lớn đối với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng rừng suy giảm.
“Đáng mừng là thời gian gần đây, một số hộ dân đã chuyển sang sấy thuốc lá bằng điện, bằng viên trấu và những phụ phế phẩm khác. Tuy áp dụng chưa nhiều, nhưng mô hình này bước đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực, tương lai sẽ có nhiều hộ dân làm theo. Hiện tình trạng người dân vào rừng lấy củi về sấy thuốc lá đã giảm đáng kể”, ông Dụng chia sẻ.
Báo cáo từ Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện có 23 vụ xâm hại đến rừng, giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2021 (giảm tương đương 57%). Lý giải về vấn đề này, ông Dụng cho biết: “Có nhiều nguyên nhân, trước tiên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và của ngành kiểm lâm. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ sấy thuốc lá tiên tiến, phần nào đã giảm vấn nạn phá rừng”.
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Ông Trần Thanh Khiêm, Phó Giám đốc kỹ thuật, Chi nhánh Công ty Cổ phần Hòa Việt tại Gia Lai cho biết: Áp dụng hệ thống lò sấy mới này, có hai cái lợi. Về củi, nhờ thiết kế hệ thống lò sấy hiện đại nên toàn bộ nhiệt được cánh quạt thổi vào trong lò sấy, không bị thất thoát ra ngoài. Theo đó, củi dùng để đốt sẽ giảm đáng kể, chỉ cần dùng củi vườn nhà như cây điều hoặc các loại cây khác trong vườn, kết hợp với các phụ phẩm nông nghiệp là đủ.
Về công lao động, trước đây sau khi thu hoạch, lá thuốc phải ngồi kỳ công xiên thành thành từng xâu, sau đó dùng sào gác lên lò. Còn nay, chỉ cần trải lá thuốc lên sàn là xong. Bên cạnh đó, nhờ có hệ thống cảm ứng và điều chỉnh nhiệt nên không sợ cháy lò hay thuốc sấy không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cũng theo ông Khiêm thì trước đây, chi phí sấy cho mỗi ha thuốc lá từ 12 - 15 triệu đồng, còn với công nghệ này, chi phí sấy giảm khoảng 20 - 30%. Công nghệ này trước đây được các công ty đưa về từ Brazil có giá 75 triệu đồng... Nhưng nay thợ cơ khí trong nước cũng đã chế tạo được với giá trên dưới 50 triệu đồng. Ưu điểm nữa là có thể cải tạo lò sấy cũ để đưa công nghệ sấy mới vào, không phải đập bỏ và xây mới lò sấy.
“Hiện có khoảng trên 100 hộ trên địa bàn đã áp dụng công nghệ sấy tiên tiến này. Vụ tới, ở địa bàn Chi nhánh quản lý, các hộ dân đã đăng ký khoảng 30 bộ với Chi nhánh để lắp đặt thiết bị sấy”, ông Khiêm cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hưng, thành viện HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Chư Gu cho biết: “HTX có 12 hộ thành viên, với khoảng 20ha thuốc lá. Năm 2021, toàn bộ 12 hộ thành viên của HTX đã sắm hệ thống sấy công nghệ mới. Thấy các lò sấy công nghệ mới đem lại hiệu quả cao nên mới đây, rất nhiều hộ trồng thuốc lá ngoài HTX đã nhờ chúng tôi tư vấn, mua và lắp đặt hệ thống sấy mới này”.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “Rất nhiều nông dân đã và đang chuyển sang sử dụng công nghệ này để sấy thuốc lá vì được lợi nhiều thứ. Chúng tôi cũng giảm đi áp lực về bảo vệ rừng. Chúng tôi đã làm việc với các ngành chức năng để hi vọng tìm thêm nguồn hỗ trợ bà con, song song với việc vận động họ chuyển đổi lò sấy theo công nghệ mới. Đấy cũng là giải pháp canh tác bền vững từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm…”.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Huyện đang tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ, tiến tới xây dựng thương hiệu thuốc lá Krông Pa - Gia Lai. Đồng thời làm việc với Nhà máy Thuốc lá Thanh Hóa, đưa giống thuốc lá xì gà về trồng ở đồng đất Krông Pa. Tuy nhiên, phát triển thế mạnh của cây thuốc lá, nhất thiết phải đi đôi với việc giữ rừng. Do vậy, việc phát triển công nghệ sấy tiên tiến là điều rất đáng khuyến khích”.