| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Người trồng thuốc lào sẵn sàng cho vụ thu hoạch lớn nhất trong năm

Thứ Bảy 05/02/2022 , 10:06 (GMT+7)

Bất chấp thời tiết giá rét, người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương vẫn nô nức ra đồng, chăm sóc các trà thuốc lào, sẵn sàng cho vụ thu hoạch lớn nhất trong năm.

Mặc dù sắc xuân vẫn tràn ngập khắp đường làng, ngõ xóm, nhưng từ sáng sớm người dân trồng thuốc lào thuộc xã Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã nô nức ra đồng, tất bật tỉa chồi, dọn ruộng, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ thu hoạch thuốc lào lớn nhất trong năm. Tiếng chân bì bõm lội nước, tiếng cười, nói râm ran cả một góc trời.

Ông Nguyễn Văn Vượng, thôn 5, xã Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa), phấn khởi vì vụ thuốc lào năm nay đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất cao. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Văn Vượng, thôn 5, xã Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa), phấn khởi vì vụ thuốc lào năm nay đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất cao. Ảnh: Trung Quân.

Đang cần mẫn tỉa bỏ chồi non cho gần 1,3 mẫu thuốc lào (2 vạn cây), ông Nguyễn Văn Vượng, thôn 5, xã Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết: Hiện tại, cây thuốc lào đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch nên bà con tranh thủ ra đồng kịp thời ngắt bỏ những ngọn non, tập trung dinh dưỡng nuôi lá, phát hiện phòng trừ sâu bệnh. Bởi vì, đặc tính của thuốc lào là thu hoạch lá, nếu để cây nhiễm bệnh, lá sẽ hỏng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.

“Đợi ăn hết bánh chưng thì ruộng thuốc lào hỏng mất, chịu khó một chút, khi nào thu hoạch, thái thuốc sẽ ăn Tết lần 2 to hơn”, ông Vượng cười vui vẻ.

Ông Vượng thông tin: Thuốc lào là loài cây đặc thù, kén đất (ưa đất chua mặn) nên không nhiều nơi trồng được, thậm chí trồng được nhưng lại không thể cho ra được sản phẩm thuốc lào “ngon thứ thiệt” như ở Quảng Xương.

Thời vụ thuốc lào thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm sau. Để cho ra được sản phẩm thuốc lào chất lượng, đậm đà, trong quá trình chăm sóc, người trồng phải đặc biệt chú ý đến việc bón phân cân đối. Trước khi trồng sẽ tiến hành bón lót bằng phân chuồng đã được ủ hoai mục từ 6-7 tháng để tăng độ màu mỡ cho đất đồng thời cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.

Từ sáng sớm, nhiều hộ dân đã nhanh chóng ra đồng ngắt bỏ ngọn non để cây tập trung dinh dưỡng nuôi lá. Ảnh: Trung Quân.

Từ sáng sớm, nhiều hộ dân đã nhanh chóng ra đồng ngắt bỏ ngọn non để cây tập trung dinh dưỡng nuôi lá. Ảnh: Trung Quân.

Đến giai đoạn chuẩn bị thu hoạch sẽ ngắt ngọn non dồn chất dinh dưỡng cho những lá sẽ sử dụng. Theo kinh  nghiệm, để thu được lá thuốc lào to, dày, đạt chất lượng thì mỗi cây chỉ nên để từ 15-17 lá. Những cây phát triển tốt sẽ được giữ lại không ngắt ngọn để cây ra hoa, lấy hạt giống trồng trọng vụ sau…

“Chăm thuốc lào như chăm con mọn, ngoài phân bón tốt, đủ lượng, đúng cách, đúng thời điểm, người trồng phải thường xuyên có mặt trên vườn thuốc để theo dõi sự phát triển của cây, diệt sâu bọ phá hoại kịp thời”, ông Vượng cho hay.

Cách đó không xa, ông Lê Sỹ Nhất người cùng thôn cũng không giấu được niềm vui khi trà thuốc lào năm nay của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với mọi năm.

Ông Nhất chia sẻ: Trước đây người dân trong vùng chủ yếu trồng lúa, cói. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh, nên phần lớn đã chuyển sang trồng cây thuốc lào vì công chăm sóc tương đương nhau nhưng thu nhập cao hơn.

Ông Nhất tính toán: Với giá bán thuốc lào dao động từ 350.000-900.000 đồng/kg, tùy từng loại, trung bình 1 sào sẽ thu được từ 50-65 kg thuốc lào khô, ruộng tốt có thể đạt 70-75 kg/sào, trừ đi chi phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng/sào, người trồng thu được từ 13-15 triệu/sào.

Dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4 người dân mới thu hoạch thuốc lào, tuy nhiên hiện tại đã có thương lái về thăm ruộng và đặt vấn đề thu mua. Ảnh: Trung Quân.

Dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4 người dân mới thu hoạch thuốc lào, tuy nhiên hiện tại đã có thương lái về thăm ruộng và đặt vấn đề thu mua. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thuốc lào của thị trường ngày càng tăng lên. Ngoài nhu cầu sử dụng làm thuốc hút, thuốc lào còn được chế biến thành thuốc trừ dịch hại hữu cơ… nhờ đó, giá bán luôn được giữ ổn định ở mức tương đối cao. Sản phẩm thuốc lào khô có thể bảo quản trong thời gian dài nên người trồng không chịu áp lực lớn về tiêu thụ trong một thời điểm.

Tại xã Quảng Chính, người dân cũng nô nức “mang Tết” ra đồng, tràn đầy hi vọng về một vụ thuốc lào bội thu.

Bà Phạm Thị Hoa, thôn Liêng, xã Quảng Chính tếu táo “Ăn Tết ngoài đồng còn ngon hơn ở nhà, đi mấy vòng quanh ruộng bẻ chồi là bụng đói ngay, ăn được nhiều bánh chưng hơn chứ chẳng chơi”.

Theo bà Hoa, hiện tại thời tiết giá rét khiến cây thuốc lào chậm phát triển hơn, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và năng suất. Dự kiến 3 sào thuốc của gia đình đạt được năng suất 60 kg khô/sào. Hiện, đã có thương lái đến thăm ruộng, đặt vấn đề thu mua nên gia đình rất phấn khởi, về giá bán sẽ được quyết định khi có thành phẩm và theo giá thị trường thời điểm đó.

Cây thuốc lào đang là cây trồng giúp người dân ở nhiều địa phương có chân đất chua mặn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung Quân.

Cây thuốc lào đang là cây trồng giúp người dân ở nhiều địa phương có chân đất chua mặn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo bà Hoa, trước khi thái, lá thuốc được bà con cuộn lại thành cây, ủ 3 đến 4 ngày cho lá thuốc “chín” để sau khi cắt phơi, thuốc có màu vàng tươi và thơm. Trước đây, bà con thái thuốc bằng cách thủ công, hiện nay đã có máy thái thay thế nên năng xuất cũng như sợi thuốc đều đẹp hơn.

Thuốc thái xong được bà con đem trải đều trên những tấm liếp bằng tre mà người dân thường gọi là trành. Mỗi trành phơi từ năm đến sáu nắng thì thuốc mới khô đạt yêu cầu. Thuốc lào thành phẩm được cắt thành bánh, đóng gói trong bao kín…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.