| Hotline: 0983.970.780

Giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt an toàn, đúng luật

Thứ Tư 05/12/2018 , 09:50 (GMT+7)

Trong suốt thời gian qua, Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) là một trong những tỉnh ven biển làm rất tốt công tác hỗ trợ ngư dân vay vốn, đẩy mạnh liên kết, đảm bảo an toàn, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt hợp pháp...

Hỗ trợ vốn 'đóng tàu 67'

Hiện toàn tỉnh có khoảng 6.282 tàu khai thác hải sản, trong đó có 3.123 chiếc tàu công suất lớn (hơn 90CV) đánh bắt xa bờ. Đến nay, BR-VT cũng đã đóng mới 117 tàu, 118 tàu nâng cấp và hỗ trợ một số chủ tàu vay vốn lưu động được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

15-41-16_2
Ngư dân lên hàng cá sau một chuyến biển

Mục tiêu hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh BR-VT bước đầu đã đạt được, bởi phần lớn tàu đóng mới là tàu vỏ thép, vỏ composite với kinh phí đầu tư rất lớn. Đây cũng là một trong những địa phương được các ngân hàng thương mại cam kết cho vay với số tiền cao nhất trong cả nước.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 69 chủ tàu, với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có 66 tàu đã hạ thủy đi vào hoạt động và hầu hết các “tàu 67” đều hoạt động hiệu quả. Đến nay, nhiều chủ tàu thuyền được giải quyết vay vốn cũng đã trả nợ ngân hàng đúng kế hoạch chưa phát sinh nợ xấu.

Gặp chúng tôi, chủ của 3 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, ông Vũ Văn Sơn, ngụ xã Phước Hưng, huyện Long Điền chia sẻ: “Từ khi hạ thủy tàu đi vào hoạt động,  cả 3 tàu vỏ thép của tôi đều hoạt động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần tàu vỏ gỗ, bởi tàu vỏ thép chịu được sóng gió tốt, chạy nhanh hơn, bám biển được dài ngày hơn, chứa được nhiều cá và đá hơn so với tàu gỗ”. Theo ông Sơn, mặc dù ở thời điểm khó khăn như hiện nay nhưng trung bình mỗi chuyến biển, ông thu lãi 200-300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Liến (ấp khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), chủ của 2 “tàu 67” trị giá 39 tỷ đồng, chuyên hành nghề lưới rê cũng cho biết: “Trước đây, tôi đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ, năng suất thấp. Vì vậy, khi Nghị định 67 có hiệu lực, tôi đã vay vốn ưu đãi đóng mới 2 tàu vỏ thép công suất 1000CV để đánh bắt xa bờ. Hiện mỗi chuyến biển, tôi thu lãi 100 triệu đồng”.

15-41-16_3
Ảnh: M.S

Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, cho đến nay nhiều ngư dân cũng mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào khai thác, bảo quản sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, giúp việc thông tin liên lạc và bảo đảm an toàn trong quá trình vươn khơi bám biển cũng được thuận lợi hơn nhiều.

Nghị định 67 đã giúp ngư dân chủ động đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển xa bờ, giảm áp lực khai thác trên vùng biển ven bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT cũng đã phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức việc tuyên truyền cho bà con ý thức nâng cao trách nhiệm khai thác đánh bắt trên biển. Chấm dứt tình trạng đánh bắt trái phép trên các vùng biển nước ngoài và cần phải ghi nhật ký đánh bắt thường xuyên.
 

Đẩy mạnh liên kết

Để tăng cường sự liên kết sản xuất trên biển, mô hình khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội, các nghiệp đoàn đã phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin về ngư trường, thời tiết, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển Việt Nam.

15-41-16_4
Chuẩn bị ngư cụ, hậu cần tiếp tục vươn khơi bám biển

Ông Huỳnh Hoành Nhung, Tổ trưởng Tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng (thị trấn Phước Hải) chia sẻ: “Tổ chúng tôi có hơn 80 tàu hoạt động, chủ yếu là nghề lưới vây. Các tàu trong tổ cùng ra khơi đánh bắt chung ngư trường và thường xuyên liên lạc với nhau để hỗ trợ nhau khi cần. Các tàu luân phiên chở sản phẩm khai thác về cảng để bán và tiếp nhận nhu yếu phẩm để tiếp ứng cho các tàu đang hoạt động trên biển. Nhờ đó, các thành viên trong tổ tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả đánh bắt”.

Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ Tạ Văn Bửu cũng cho biết, hiện Đất Đỏ đã có 44 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển được thành lập. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư để khai thác có hiệu quả các tiềm năng về nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản; Khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá để đáp ứng việc đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng và nhân rộng mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản gắn với công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ an ninh trên biển.

Còn ông Phạm Văn Minh (phường 1, TP.Vũng Tàu), chủ của 9 chiếc tàu cá công suất từ 400 -500CV tâm sự: “Nhờ chủ động liên kết với các tài công và kêu gọi cùng tham gia cổ phần đầu tư vào 9 chiếc tàu cá của tôi nên họ luôn tự giác và trách nhiệm với công việc đánh bắt trên biển vì quyền lợi chung”.

15-41-16_5
Ông Minh: Tổ chức liên kết với các truyền trưởng để nâng cao ý thức trách nhiệm trên biển

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh BR-VT cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho bà con ngư dân, hướng dẫn cộng đồng ngư dân liên kết thành lập các tổ, đội đoàn kết, tổ hợp tác, nghiệp đoàn, HTX đánh bắt sản xuất trên biển”.

Theo ông Thành, đến nay tỉnh BR-VT đã thành lập được 341 tổ đoàn kết với 2.137 thành viên nhằm giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ nhau, đấu tranh, bảo vệ lợi ích chính đáng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển.

Trong hệ thống hậu cần nghề cá của BR-VT có đội tàu dịch vụ đang từng bước phát triển mạnh. Đây là nhóm tàu có công suất lớn, tự liên kết với nhau theo ngư dân ra khơi xa. Đến nay toàn tỉnh BR-VT có 129 tàu cá làm dịch vụ hậu cần, bình quân mỗi tàu hậu cần hoạt động 3-5 ngày trên biển, gồm: tiếp nhiên liệu, thức ăn, nước uống, nước đá, ngư lưới cụ cho tàu đánh bắt cá dài ngày; làm đầu mối thu mua hải sản từ biển chuyển vào đất liền cung ứng cho các đại lý, chủ vựa.

Việc phát triển các đội tàu hậu cần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất; giảm thiểu tổn thất trong quá trình bảo quản hải sản. Với hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động hiệu quả, chất lượng, với nhiều ưu thế tiềm năng để phát triển tốt nghề cá, tỉnh BR-VT chính là 1 trong 6 Trung tâm nghề cá của cả nước được Chính phủ đánh giá rất cao.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện tỉnh BR-VT đang tiếp tục cho hình thành các tổ, đội, nghiệp đoàn để liên kết đánh bắt và hỗ trợ nhau trên biển cũng như cứu nạn cứu hộ; đồng thời kết nối để thành lập các HTX và tạo ra chuỗi liên kết từ đánh bắt đến chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ. Mối liên kết này tỉnh cũng đang tâp trung gắn kết các DN chế biến, các đơn vị xuất khẩu đồng hành với bà con ngư dân.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT: “Để nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường đào tạo về khai thác, sử dụng máy móc thiết bị, có thể sẽ xúc tiến đưa các chủ đàu đi tham quan ở một số khu vực các nước để rút ra được kinh nghiệm trong hệ thống đánh bắt, từ đó bà con cải biên được hoạt động đánh bắt của mình theo hướng thân thiện và bền vững”.

 

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...