Dù ban đầu trẻ tìm đến game này chỉ để vui thôi nhưng dần dẫn sẽ bị lệ thuộc…
Ảnh minh họa |
Blue Whale Challenge (Thử thách cá voi xanh) là một trò chơi trên mạng Internet bắt đầu từ nước Nga từ vài năm trước và lan rộng ra các nước trên thế giới. “Luật chơi” của game này quy định, trong vòng 50 ngày, người chơi phải thực hiện các thử thách từ bình thường đến nguy hiểm: vẽ cá voi xanh, xem phim kinh dị, sử dụng vật sắc nhọn để tạo hình cá voi xanh trên da.
Trò chơi sẽ kết thúc khi người dũng cảm tự kết liễu đời mình, giống những con cá voi xanh tự lao lên bãi biển để tự kết liễu cuộc đời và được cộng đồng mạng công nhận là "người chiến thắng".
Tại nước Nga, hàng trăm thanh thiếu niên tự tử khi tham gia trào lưu này. Sau đó, trò chơi lan nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Điều này không khỏi gây hoang mang, lo lắng trong các bậc phụ huynh.
Không giấu nổi nỗi lo lắng, chị Nguyễn Lan Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, con trai chị năm nay học lớp 8. Mấy ngày nay, đọc được trên mạng viết về sự nguy hiểm của trò chơi này, chị không khỏi hoảng hồn.
“Trước thi thoảng cháu cùng mấy bạn hay đi chơi ở hàng game. Nhiều lần tôi theo dõi nhưng thấy mức độ “nghiện” chưa trầm trọng lắm. Cháu vẫn về nhà đúng giờ, sức khỏe vẫn đảm bảo. Nhưng thú thực mấy hôm nay tôi lo. Nhưng lo mà không dám hỏi vì chỉ sợ hỏi con nó sẽ tò mò… và biết đâu con lại bập vào thì chết. Giờ có lẽ tôi sẽ phải cấm không cho dùng điện thoại và máy tính có mạng mất”, chị Lan Anh nói.
Trong khi đó, khi được hỏi P.A (15 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết cũng có biết về trò chơi này. Có lần nghe thấy bạn bè ở lớp bàn luận về trò chơi này, nhưng cậu bảo “chơi gì mà tự rạch tay chân mình rồi lại… xui người ta tự tử thì tốt nhất không nên dính vào”. Vì thế, P. A cho biết, những trò này chỉ “rủ rê” được những bạn có “vấn đề” về tâm lý.
Dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, TS Vũ Thu Hương (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, game hấp dẫn và thu hút hầu hết giới trẻ. Những người tham gia thường là những thanh thiếu niên còn trong độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Ở tuổi này, các em thường có nhiều bất ổn về mặt tâm lý. Những lời chê bai, phê phán của những người xung quanh, đặc biệt là phụ huynh, khiến các em ảnh hưởng về tâm lý, cảm giác bị cô lập và khao khát được giải tỏa. Hội Cá voi xanh đã đánh đúng vào điểm này, người cầm đầu trò chơi đã tạo ra một cộng đồng mà ở đây, các em có thể tâm sự, chia sẻ, có cảm giác được hòa nhập và là chính mình.
“Trò chơi này thực sự nguy hiểm, đặc biệt đối với giới trẻ Việt Nam. Bởi ở độ tuổi này, trẻ dư thừa năng lượng, nhưng các em không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao. Trong khi đó, các em bị bủa vây bởi quá nhiều áp lực từ điểm số, thi cử thì việc các em tìm đến những nơi được xem là “cứu cánh cho tâm hồn, giải thoát khỏi thực tại” sẽ là chuyện khó tránh khỏi. Đáng nói là, trào lưu này rất dễ lây truyền, dù ban đầu trẻ tìm đến game này chỉ để vui thôi nhưng dần dẫn sẽ bị lệ thuộc. Các em sẽ lo sợ nếu không thực hiện các bước của trò chơi thì cộng đồng sẽ xa lánh, sẽ tẩy chay", TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào giúp trẻ không sa ngã vào trò chơi nguy hiểm này? TS Vũ Thu Hương cho rằng, đầu tiên bố mẹ phải xem lại thời gian biểu của con. Bố mẹ nên khuyến khích con chơi các bộ môn thể thao, các câu lạc bộ do nhà trường tổ chức… chứ không chỉ một việc duy nhất là đi học văn hóa. Thứ nữa, bố mẹ phải gần gũi làm bạn với con, chơi với con giúp con giải tỏa những áp lực.
“Quan điểm của tôi, không nên để trẻ con sử dụng mạng Internet. Trong trường hợp cần thiết bố mẹ cần hướng dẫn các con tìm hiểu “những vùng sáng” trên môi trường Internet”, TS Hương nhấn mạnh.
Trong trường hợp con đã chơi trò này, TS Hương khuyến cáo bố mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý. Bởi những trẻ này ít nhiều đã gặp vấn đề, sau đó hãy bên con để cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn.