Nằm ở cuối nguồn sông Hậu, tỉnh Sóc Trăng có chế độ thủy văn phụ thuộc vào các cửa sông chính gồm: Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh, tạo thành các vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt đan xen theo mùa. Trong đó, vùng nuôi trồng thủy sản có tổng diện tích đạt gần 79.400ha (năm 2023), sản lượng khoảng 303.000 tấn.
Vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung chủ yếu ở thị xã Vĩnh Châu, phía Nam Cù Lao Dung, ven sông Mỹ Thanh (huyện Trần Đề) và 6 xã thuộc huyện Mỹ Xuyên.
Hiện nay, hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ của tỉnh có 43 cống chủ lực, phân bố chủ yếu tại thị xã Vĩnh Châu (28 cống). Ngoài ra còn có hệ thống đê bao ngăn lũ, triều cường, các tuyến kênh cấp, thoát nước phục vụ sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Vĩnh Châu, địa phương hiện có khoảng 300 kênh cấp 1, cấp 2. Tuy nhiên nguồn thủy lợi phí phân bổ về địa phương hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nạo vét hệ thống thủy lợi.
Qua khảo sát thực tế, hạ tầng thủy lợi ở thị xã được đồng bộ giữa nguồn lấy nước vào và xả thải ra, dẫn đến quá trình bồi lắng diễn ra rất nhanh.
Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi đã được đầu tư lâu năm, đến nay xuống cấp, cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư đồng bộ, như thế mới có thể phát huy hiệu quả toàn hệ thống.
Trong khi đó, hiện nay việc phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở thị xã Vĩnh Châu chủ yếu là cải tạo, nâng cấp và bổ sung dựa trên hệ thống đã được xây dựng phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp. Do đó, khi chuyển đổi mục đích sang nuôi trồng thủy sản đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Trước thực tế đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng mới 2 cống: NoPol, Bồ Kệnh và mở rộng cống số 5 (thuộc hệ thống đê biển) trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện các công trình khoảng 135 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng xác định, thị xã Vĩnh Châu là vùng nuôi trồng thủy sản diện tích lớn, có đông đồng bào dân tộc, đời sống người dân còn khó khăn. Do đó, địa phương rất cần sự quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi nuôi trồng thủy sản. Đây là yếu tố cần thiết để tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản, nếu không đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề nguồn nước và cả hạ tầng giao thông.
Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành và địa phương, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đồng ý chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiềm lực tài chính của tỉnh còn hạn chế, ông Lâu cho biết, với những dự án quy mô lớn, mang tính lâu dài, UBND tỉnh sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư.
Những dự án cấp thiết, phục vụ trước mắt cho người dân, tỉnh Sóc Trăng sẽ cân đối nguồn lực để đầu tư. Ông Lâu đề nghị cơ quan chuyên môn và địa phương, trong quá trình đầu tư, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp, xác định thời gian thi công phù hợp với vụ mùa, không ảnh hưởng đến các ao nuôi của người dân và doanh nghiệp trong khu vực.
Đồng thời, hiện nay tình trạng bồi lắng đang xảy ra nhanh và nhiều ở khu vực ngoài các cửa cống. Do đó, quá trình đầu tư, cần tính toán sát với thực tế, để phát huy hiệu quả, tránh gây lãng phí đầu tư công.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tháng 1/2023, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi UBND tỉnh đề xuất xem xét bố trí kinh phí xây dựng Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi lấy nước biển vào phục vụ nuôi trồng thủy sản các xã Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, Lai Hòa thuộc thị xã Vĩnh Châu.