Ngày 15/5, tại TP Bạc Liêu, Cục Thủy sản phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu và đại diện Chương trình UNDP/GEF SGP tổ chức hội thảo “Đánh giá hiện trạng tiềm năng và bàn giải pháp phát triển Artemia thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.
Trứng Artemia Vĩnh Châu chất lượng tốt nhất thế giới
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh gần 137.000ha, với 220 cơ sở sản xuất giống thủy sản, chủ yếu là sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển… tập trung tại phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Hàng năm, các cơ sở này sản xuất khoảng từ 30 - 35 tỷ Postlarve, cơ bản cung cấp đủ lượng tôm giống cho người nuôi trong tỉnh và bán cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Vì vậy, nhu cầu sử dụng trứng Artemia trong sản xuất giống thủy sản hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy sản xuất trứng Artemia, 3 hợp tác xã (HTX) chuyên nuôi Artemia đáp ứng chỉ khoảng 5 - 10% nhu cầu thực tế của các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tại địa phương, còn lại trứng Artemia chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Theo đánh giá, vùng đất ven biển của tỉnh Bạc Liêu có đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, độ mặn phù hợp để nuôi Artemia. Sản phẩm trứng có chất lượng vượt trội so với các nơi khác trên thế giới như: Kích thước trứng nhỏ, tỷ lệ nở cao, hàm lượng dinh dưỡng trong trứng Artemia cao, bảo quản dễ dàng mà không cần sử dụng bất kỳ chất bảo quản hay chất kích nở nào khác.
Với lợi thế chất lượng vượt trội của sản phẩm trứng Artemia được nuôi tại vùng đất ven biển tỉnh Bạc Liêu, sản phẩm trứng Artemia nguồn gốc Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới.
Qua quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu, từ lâu sản phẩm này đã được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính chuộng hàng chất lượng cao như Nhật Bản, Thái Lan và nhiều nước châu Âu.
99% sản lượng Artemia là nhập khẩu
Bạc Liêu là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất giống tôm nước lợ, hàng năm sản xuất trên 30 tỷ Postlarve do thức ăn tự nhiên là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho các giai đoạn phát triển của tôm.
Theo đó, Artemia đã và đang được sử dụng phổ biến trong sản xuất giống tôm nước lợ để nâng cao chất lượng tôm giống cung cấp con giống chất lượng cho người nuôi nhờ giàu dinh dưỡng, tiện lợi trong quá trình sử dụng và bảo quản. Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất, hàng năm, 220 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ của tỉnh Bạc Liêu phải sử dụng khoảng 150 tấn trứng khô Artemia để ương ấu trùng. Các trại giống sử dụng trứng Artemia khô theo quy trình chuẩn.
Theo ông Trần Đình Luân, hiện nhu cầu sử dụng Artemia trong nước khoảng 19 tấn (chiếm 4%) và nhu cầu Artemia nhập khẩu là 433 tấn (chiếm 96%).
Hiện nay, trứng Artemia chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Việt Nam cũng có sản xuất Artemia tại Vĩnh Châu với quy mô nhỏ, vì thế không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, giá Artemia sản xuất tại địa phương giá cao nên thường ít được sử dụng mặc dù chất lượng rất tốt.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Nhu cầu sử dụng Artemia hiện nay của nước ta rất lớn, cần được khai thác, đặc biệt là sử dụng làm thức ăn cho cá cảnh. Năm 2023, sản xuất Artemia trong nước chỉ đạt 9 tấn, tập trung ở 2 tỉnh Bạc Liêu (6 tấn) và Sóc Trăng (3 tấn), trong khi Artemia nhập khẩu năm 2023 là gần 667 tấn, chiếm hơn 99%.
Liên kết sản xuất Artemia
Ông Trần Văn Thưa, Giám đốc HTX Diêm nghiệp Doanh Điền (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) chia sẻ: Trước đây HTX chuyên sản xuất muối, tuy nhiên do giá muối quá bấp bênh nên đời sống xã viên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy năm 2015, HTX đã liên kết, chuyển sang nuôi Artemia.
Được sự liên kết từ HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu, HTX Diêm nghiệp Danh Điền đã chuyển đổi một phần diện tích sang nuôi Artemia và sinh trưởng tốt. Nuôi Artemia vốn đầu tư thấp, thu hoạch sớm, vì vậy rất phù hợp với những hộ thiếu vốn sản xuất của HTX cũng như nhiều hộ dân trong vùng.
Quá trình hợp tác sản xuất Artemia của HTX Diêm nghiệp Doanh Điền rất thuận lợi nhờ được HTX Vĩnh Châu – Bạc Liêu hỗ trợ đầu tư quy hoạch chuyển đổi sản xuất, hàng năm đầu tư chi phí sản xuất ban đầu như con giống, chi phí vận hành, thức ăn, vật tư, phân bón…, nhất là hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp. Ngoài ra, HTX cũng đã được nhà nước hỗ trợ để xây dựng trụ sở.
"Sau liên kết, Artemia được mua với giá rất cao và ổn định, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Nếu nuôi đạt 80kg/ha thì lợi nhuận cao hơn sản xuất muối. Ngoài ra, Artemia có thể nuôi kết hợp với làm muối, làm nước ót và thu được con. Trên nền đất nuôi Artemia kết hợp thả nuôi tôm, cua vào mùa mưa cũng rất hiệu quả. Vì vậy, liên kết sản xuất Artemia vẫn nằm trong kế hoạch sản xuất của HTX chúng tôi trong thời gian sắp tới", ông Trần Văn Thưa cho biết.
Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Diêm nghiệp Danh Điền, khó khăn của người nuôi Artemia hiện nay là môi trường ô nhiễm và biến đổi khí hậu, nhất là những năm mùa mưa kết thúc trễ. Vì vậy, cần qua tâm bảo vệ môi trường và có ao gây màu xử lý ô nhiễm. Tình trạng nắng nóng đến sớm cũng làm mùa vụ ngắn lại, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng. "Giống như năm nay, mặc dù sản xuất Artemia khá thuận lợi nhưng chúng tôi chỉ thu được 750kg/10ha, năng suất đạt 75kg/ha do nắng nóng gay gắt và kéo dài", ông Thưa cho biết.
Vì vậy, ông Thưa kiến nghị cần được hỗ trợ đầu tư ao dự trữ nước mặn để xuống giống sớm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để đạt năng suất cao... Nếu được đầu tư đúng mức, HTX Diêm nghiệp Danh Điền có thể nâng diện tích nuôi Artemia lên trên 20ha và năng suất đạt trên 100kg/ha và lợi nhuận sẽ rất tốt.
Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu chia sẻ: HTX thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2003 với ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực đầu tư sản xuất trứng Artemia, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
HTX đã tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết bằng hình thức hổ trợ kỹ thuật, đầu tư con giống, thức ăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường cho 4 HTX bạn, trong đó có 3 HTX tại tỉnh Bạc Liêu và 1 HTX tại huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), bên cạnh đó còn đầu tư trực tiếp cho nhiều nông hộ. Trong thời gian dài, HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu đã liên kết sản xuất với diện tích thực nuôi khoảng 300ha với trên 200 nông hộ tham gia, đạt sản lượng bình quân trên dưới 20 tấn trứng tươi/năm.
Theo ông Văn, năm 2024, HTX triển khai nuôi Artemia với diện tích 150ha, trong đó tại Bạc Liêu 50ha, xã Lai Hòa (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) 100ha. Nếu đạt năng suất 100kg/ha, với mức giá tiêu thụ 1,1 – 1,2 triệu đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 80 triệu đồng/ha.
Điển hình về hiệu quả nuôi Artemia có thể kể tới hộ ông Huỳnh Thanh Sang tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Hơn 10 năm gắn bó với nghề, ông Huỳnh đều đạt năng suất hơn 100kg/ha. Đặc biệt năm 2024, gia đình ông thả nuôi 5,5ha Artemia, thu hoạch hơn 1.000kg trứng, năng suất đạt 187kg/ha. Ngoài ra, ông Sang còn thu được 2,5 tấn con, tổng thu doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định, Artemia Việt Nam có chất lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, cá nhân đã nuôi Artemia có kinh nghiệm.
“Chúng ta cũng đã hình thành được vùng nuôi tập trung để sản xuất Artemia phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng (Bạc Liêu và Sóc Trăng), đặc biệt là hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu với giá cao cho các HTX và hộ nuôi”, ông Luân chia sẻ.