| Hotline: 0983.970.780

Góc khuất thị trường rau Hà Nội

Thứ Tư 01/07/2015 , 09:50 (GMT+7)

Thu gom rau, củ, quả trôi nổi, không rõ nguồn gốc ngoài chợ, mang về đóng gói trong bao bì in sẵn mác “rau sạch, an toàn”, hoặc chỉ in tên cơ sở cung cấp, đóng gói. Mỗi ngày, có hàng chục tấn rau như thế được bày bán trong những siêu thị lớn, chợ, bếp ăn các khu công nghiệp, trường học…

* Bắt quả tang xe tải chở rau gom trôi nổi tuồn vào siêu thị

Rau nào cũng thế!

Trong vai những ông chủ của mấy siêu thị mini, cửa hàng tiện ích ở Hà Nội, cần bán thêm mặt hàng rau, củ, quả đóng bao bì “sạch, an toàn”, chúng tôi được người phụ nữ tên Hiền, đồng ý gặp mặt sau khi đã “test” (kiểm tra) chúng tôi qua điện thoại rất kỹ. Hiền là một trong số những đầu mối thu gom rau từ các nguồn trôi nổi với số lượng lớn ở Đông Anh (Hà Nội).

Sau hơn 1 giờ chạy xe lòng vòng và cả chục cuộc điện thoại cho Hiền hỏi địa điểm, chúng tôi mới đến được điểm hẹn tại một quán cà phê ở bên Đông Anh. Mặc bộ đầm dài, khuôn mặt trang điểm kỹ và đeo nhiều trang sức, trông Hiền trẻ hơn tuổi 37 nhiều và chẳng giống người buôn rau như hình dung ban đầu của tôi.

Sau vài câu chào xã giao, Hiền chẳng e dè, giới thiệu: “Em làm rau đã nhiều năm rồi, cần bao nhiêu cũng có, không thiếu rau gì. Các anh chỉ cần cho biết hình thức giao nhận, thanh toán, số lượng, mặt hàng… thế nào thôi. Giá cả thì khỏi phải bàn, vì em lấy tận gốc nên giá rất rẻ”.

Hiền cho biết, khách của chị chưa phải là những người bán trực tiếp cho người tiêu dùng, họ lấy về phân nhỏ, đóng gói bán lại cho các đại lý, người bán lẻ tại các cửa hàng nhỏ, chợ. “Em có mối quen, vẫn hay lấy rau của em về đóng bao bì, bán cho các siêu thị”, Hiền nói.

Anh bạn tôi hỏi: “Nhưng bán loại rau này lỡ bị kiểm tra thì sao?”. Hiền liền khẳng định chắc nịch: “Các anh yên tâm, em xin được giấy chứng nhận rau an toàn, có con dấu hẳn hoi”.

Tôi ngạc nhiên: “Sao hay vậy? Mà ai cấp?”. Hiền đáp: “UBND xã chỗ em ở”, rồi trấn an: “Thực ra nếu muốn bán buôn cho siêu thị, anh chỉ cần thỏa thuận với họ về hình thức, mẫu mã, họ đồng ý rồi thì yên tâm. Ai mua bó rau vài nghìn bạc rồi đi xác minh xem có sạch, có an toàn không. Trừ khi ăn vào bị ngộ độc”.

11-10-07_nh-8
Lê Văn Kiên, xã viên HTX Đạo Đức thừa nhận việc mua rau trôi nổi về "phù phép” thành rau sạch

Tôi hỏi: “Rau trái mùa chị có không?”. Hiền đáp: “Có đủ anh ạ, nguồn chủ yếu từ Trung Quốc, đủ loại: cải bắp, cải thảo, súp lơ… ngày nào cũng có. Ngoài ra em cũng lấy rau ở miền Trung. Riêng Đà Lạt thì chỉ có cà chua thôi”.

Hiền phân tích: Nếu chúng tôi có nhân công sẵn thì nên mua rau, củ, quả dạng “thô”, tức là chưa đóng gói, tự mua bao bì, nhãn mác về đóng gói thì chi phí rẻ hơn. Còn nếu không có người thì Hiền sẵn sàng cung cấp loại rau đã đóng bao bì, về chỉ việc bày ra bán, nhưng giá sẽ cao hơn.

Tôi hỏi: “Chị đã bao giờ bán rau sạch thực sự chưa?”. Hiền đáp: “Chưa. Mà em nghĩ, rau nào chả thế. Ai trồng rau mà chả phun thuốc. Phun thuốc xong phải cắt khẩn trương rau mới đẹp, bán được giá, chứ để cho hết thuốc thì bị sâu lại ngay. Chỗ em người ta toàn làm thế”. Hỏi: “Nếu tôi cần rau sạch chị có cung cấp được không?”. Đáp: “Em chỉ có loại rau này thôi (ý nói rau “hổ lốn”, không rõ nguồn gốc, trồng tự do - PV)”.

Theo Hiền, tùy theo mùa, bình quân chị ta cung cấp cho thị trường Hà Nội từ 4-10 tấn rau, củ, quả các loại/ngày. Tôi hỏi: “Làm ăn lớn như chị chắc kiếm tiền nhiều lắm. Có nhiều người bán rau như chị không?". Hiền than: “Nhiều chứ anh. Giờ làm ăn khó lắm, không dễ ăn đâu anh ạ, đêm nào cũng phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để ra điểm thu mua, mùa này còn đỡ, chứ mùa đông vất lắm”.

Rau trôi nổi gắn mác "rau sạch"

Trong khi Hiền chỉ thu gom rau, củ, quả các loại với tư cách cá nhân, bán sỉ trực tiếp cho các đại lý cấp 2, thì hợp tác xã Đạo Đức (xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội), do bà Đỗ Thị Liên làm chủ nhiệm, lại lấy danh nghĩa HTX để thu mua rau trôi nổi tại các chợ về đóng gói thành “rau an toàn” rồi cung cấp cho thị trường .

11-10-07_nh-21
Rau an toàn liệu có an toàn?

3 giờ sáng, vài phút sau khi chúng tôi có mặt tại chợ Yên (xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội), nơi bán đủ các rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, đã thấy một chiếc xe tải loại 1,5 tấn chạy đến. Xe vừa đỗ lại, 2-3 người nhanh chóng chất các loại rau lên xe. Chừng nửa tiếng sau, chiếc xe đã chất đầy rau, từ từ lăn bánh, chúng tôi bám theo. Chiếc xe chạy về một căn nhà riêng ở thôn Ba Chữ, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội.

“Trước khi mua hàng, anh phải đến kiểm tra xem nguồn gốc, quy trình sản xuất món hàng đó xem có đạt yêu cầu về chất lượng hay không rồi mới mua. Nếu là hàng thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người thì anh phải kiểm tra thường xuyên hơn. Cho nên, trong trường hợp này, nếu có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì các siêu thị sẽ phải chịu một phần trách nhiệm”, một cán bộ Đội 2, Thanh tra Sở NN-PTNT Hà Nội.

Tại đây, các loại rau củ quả được chuyển xuống, chất đống trên sân, ngay cạnh chuồng gà, lợn, sau đó chia nhỏ, đóng vào những bao nilon bên ngoài đã in sẵn thông tin của HTX rau an toàn Đạo Đức. Theo tìm hiểu của PV thì căn nhà này của anh Lê Văn Kiên, 40 tuổi. Kiên là xã viên HTX Đạo Đức.

Rạng sáng, chiếc xe chất đầy các loại rau đã được thay “áo mới” tiếp tục lăn bánh về hướng cầu Nhật Tân vào trung tâm thành phố… Những điểm dừng của chiếc xe là tầng hầm các siêu thị.

Sau nhiều ngày theo dõi và nắm rõ các hoạt động của HTX Đạo Đức, ngày 9/6 vừa qua, Thanh tra Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với PC49 CATP Hà Nội đã bắt quả tang một xe tải của HTX Đạo Đức khi chiếc xe này vừa chở đầy rau đến giao cho siêu thị .

Trong bản tường trình trước cơ quan chức năng, Lê Văn Kiên, xã viên HTX Đạo Đức đã thừa nhận việc làm sai trái của mình.

Theo đó, hằng đêm, Kiên cho xe ra chợ đầu mối thu gom hàng tấn các loại rau, củ, quả không rõ nguồn gốc mang về nhà mình ở thôn Ba Chữ đóng gói vào bao bì đã in sẵn thông tin rau an toàn của HTX Đạo Đức rồi mang đến các siêu thị giao.

11-10-07_nh-2
11-10-07_nh-4-
11-10-07_nh-5
Cận cảnh nơi đóng gói “rau an toàn” tại nhà Lê Văn Kiên

Đáng nói, việc làm của Kiên được chủ nhiệm HTX Đỗ Thị Liên “bật đèn xanh” bằng cách giao mẫu bao bì cho Kiên đi in, và bà chủ nhiệm được Kiên chia 2% doanh thu.

Qua trao đổi, một cán bộ Đội 2, Thanh tra Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết: Điều tra của Đội, bình quân mỗi ngày HTX Đạo Đức giao trên dưới chục tấn rau “hổ lốn” này cho hàng loạt siêu thị lớn , bếp ăn trong các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và cả các trường phổ thông nữa. Rõ ràng HTX Đạo Đức đã làm ăn thiếu đạo đức, lừa dối người tiêu dùng. “Các siêu thị có biết họ lấy rau không rõ nguồn gốc không?”, tôi hỏi.

“Tôi nghĩ chắc chắn có sự thông đồng giữa siêu thị với người cung cấp rau. Bởi một điều rất vô lý là đoạn đường từ Đà Lạt ra Hà Nội xa gần gấp 3 lần sang Trung Quốc. Dĩ nhiên chi phí vận chuyển sẽ rất cao. Vậy mà rau Đà Lạt tại Hà Nội lại... rẻ hơn mua tại Đà Lạt và đắt hơn “rau an toàn” tại địa phương không đáng kể”, vị cán bộ đáp.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm