Ngày 22/10, tại TP.HCM, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 38 điều quy định chi tiết về một số điều của Luật việc làm về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm. Như các quy định chung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, nội dung hoạt động và chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; Điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; Điều kiện cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép và hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm...
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hội thảo lần này lấy ý kiến về 2 “Nghị định quy định chi tiết điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm” và “Nghị định quy định chi tiết Điều 39 Luật Việc làm về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm”.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, khi 2 Nghị định này gộp làm một, sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại và giải thể của Trung tâm dịch vụ việc làm.
Đồng thời, thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động của dịch vụ việc làm, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
“Việc phát triển thể chế thị trường lao động là một trong những vấn đề then chốt phát triển thị trường lao động. Khi đánh giá một thị trường có hiệu quả hay không, giữa các vùng, các nước thì cái dễ dàng thuận tiện, minh bạch, chi phí giao dịch trên thị trường quyết định hiệu quả của thị trường.
Chính vì thế, thể chế giúp cho thúc đẩy giao dịch trên thị trường, kết nối cung cầu trên thị trường, quyết định về chi phí của thị trường, độ lớn của thị trường.
Ông Bình mong muốn Hội thảo đóng góp làm thế nào để có một Nghị định thực sự, xây dựng nền tảng cho chính tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ việc làm tại địa phương phát triển trong thời gian tới.
“Khi nói về doanh nghiệp, cơ chế hỗ trợ của nhà nước, rất ít tỉnh, địa phương có cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cung ứng lao động. Để đảm bảo được những giao dịch đó thực sự minh bạch, chất lượng, có kiểm soát bởi pháp luật hay không thì không nhiều.
Vì vậy, Nghị định này phải làm thế nào để Nhà nước có cơ chế chính sách dùng thị trường để kéo/đẩy những doanh nghiệp dịch vụ việc làm quản trị chất lượng tốt”, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc các Sở LĐ-TB&XH là các đơn vị dịch vụ công, thực hiện nhiệm vụ về chính sách công, là đơn vị giúp nhà nước điều phối thị trường lao động.
“Hội thảo lần này, các đại biểu có ý kiến đóng góp cụ thể, thẳng thắn vào các nội dung dự thảo Nghị định; đối với những nội dung chưa rõ, có thể trao đổi với cơ quan soạn thảo để làm rõ, trên cơ sở đó có ý kiến tham gia để Cục Việc làm có căn cứ để hoàn thiện Nghị định”, ông Bình nói.
Tại hội thảo, đại diện các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, các doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã cùng tập trung thảo luận và nêu ý kiến về dự thảo Nghị định do đại diện Cục Việc làm trình bày.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh Dương Quang Ngọc, tại khoản đ, Điều 3 của Nghị định có quy định: “Có ít nhất 15 người làm việc có trình độ từ cao đẳng trở lên và người lãnh đạo điều hành trung tâm dịch vụ việc làm phải có trình độ từ Đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động việc làm”, tuy nhiên theo ông Ngọc quy định này hơi cứng nhắc và gây lãng phí nguồn đào tạo người lao động.
“Có những vị trí không nhất thiết phải trình độ Cao đẳng vẫn làm việc phù hợp nên Nghị định không cần phải quy định rõ phải có trình độ Cao đẳng trở lên. Vì vậy có thể nên sửa lại điều trên”, ông Ngọc nêu ý kiến.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, thống nhất về số lượng ít nhất 15 người tại khoản đ Điều 3, tuy nhiên 15 người này không phải quy định ở 15 vị trí việc làm vì mỗi vị trí việc làm có nhiều người khác nhau.
Ngoài ra, ông Tứ cũng góp ý thêm ở khoản 3 Điều 12 Nghị định quy định: “Trung tâm dịch vụ việc làm là đầu mối giúp cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh tổng hợp thông tin thị trường lao động của địa phương và xây dựng dữ liệu về người tìm việc, việc làm trống theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH”.
“TP.HCM có đặc thù riêng, ngoài Trung tâm giới thiệu việc làm còn có Trung tâm dự báo nhu cầu và nguồn nhân lực của Thành phố. Vậy phải chăng, với khoản 3 Điều 12 thì Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM chỉ làm chức năng cung cấp và dự báo thông tin thị trường mang tính ngắn hạn. Còn tính dài hạn thì đã có Trung tâm Dự báo nhu cầu và nguồn nhân lực của Thành phố”, ông Tứ đặt vấn đề.
Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của trung tâm dịch vụ việc làm, ông Tứ đề xuất nên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ việc làm, để từ đó xây dựng được đội ngũ nhân sự, cơ sở trang thiết bị vật chất… đi kèm để thành một hệ thống đánh giá được hoạt động của dịch vụ việc làm có chất lượng.
Còn ông Phan Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận cho rằng, nên sửa lại, xóa trình độ cao đẳng của khoản đ, Điều 3. Ngoài ra, cũng cần làm rõ về số người làm việc. “Chúng ta nên ghi thẳng vào số lượng là bao nhiêu? Bao nhiêu vị trí việc làm? Số người làm việc ở từng vị trí?”, ông Sơn nói.
Đại diện cho doanh nghiệp về dịch vụ việc làm, ông Huỳnh Anh Khoa, Đại diện Công ty CP VietnamWorks góp ý ở khoản 1, Điều 31 quy định doanh nghiệp phải công khai niêm yết giấy phép. Ông Khoa cho rằng, nếu đã cho niêm yết bản sao y tại các chi nhánh thì cũng nên cho niêm yết bản sao y tại trụ sở, bởi giấy phép chỉ có một bản nên sẽ dễ bị thất lạc, hư hỏng…
Ngoài ra, ông Huỳnh Anh Khoa cũng nêu ý kiến ở khoản 4 Điều 31, nên cân nhắc niêm yết giá dịch vụ đối với đối tượng nào (người lao động hay người sử dụng lao động). Bởi nó có hạn chế quyền lợi giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và người lao động, nó cũng hạn chế cơ hội của doanh nghiệp, hạn chế cơ hội của người sử dụng lao động, hạn chế cơ hội của người lao động.
Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lao động việc làm cần biết tận dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để đạt hiệu quả cao hơn, tiếp cận tốt hơn với thị trường.
Đồng thời, mong muốn Nghị định mới sẽ sớm được thông qua có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Qua đó, đổi mới sắp xếp Trung tâm dịch vụ việc làm để thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong xây dựng, quản trị thị trường lao động hiện đại, hỗ trợ tích cực cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu kết thúc buổi Hội thảo, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) ghi nhận những ý kiến, đóng góp của các đại biểu tại hội thảo. Ông Huy cho biết, trên cơ sở các ý kiến, Cục việc Làm sẽ có cơ sở thực tiễn để xây dựng hoàn thiện Nghị định về tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm.