| Hotline: 0983.970.780

Làm thế nào để lao động, việc làm vượt qua khủng hoảng trước đại dịch Covid?

Thứ Năm 03/09/2020 , 13:57 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường lao động, việc làm. Cần phải làm gì để giúp thị trường lao động vượt qua khủng hoảng?

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Lê Tuấn.

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Lê Tuấn.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Thị trường lao động, việc làm đang trong tình trạng khủng hoảng, khó khăn

Ông có thể cho biết toàn cảnh về thị trường lao động việc làm đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và những giải pháp cần thiết để củng cố, ổn định và khôi phục lại thị trường lao động việc làm sau đại dịch?

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên quá trình xuất khẩu đứt gãy, ảnh hưởng rất lớn tới công ăn việc làm của người lao động (NLĐ).

Thời điểm chúng ta thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ hoạt động dịch vụ đời sống, du lịch, khách sạn, nhà hàng ăn uống,… trong tháng 4 gần như đóng băng. Các DN trong ngành Logistic (vận tải), hàng không bị ảnh hưởng rất lớn. Số lượng NLĐ bị giảm lương và bị ngừng việc ngày càng tăng. Nhiều DN thực hiện ngừng việc, giảm lương, giảm giờ làm, rất ít DN lao động làm việc 100% thời gian.

Tháng 6-7, các hoạt động kinh tế bắt đầu khôi phục, nhưng sang tháng 8, một số ổ dịch lại bùng phát ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, nhiều tỉnh phải thực hiện giãn cách cục bộ. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động dịch vụ đời sống, du lịch và hàng không. Lao động trong những ngành này hết sức khó khăn.

Theo kịch bản chúng tôi dự kiến, từ nay đến cuối năm, nếu có vacxin phòng Covid-19 thì kinh tế toàn thế giới sẽ phục hồi, các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng không được nối lại thì thị trường lao động có thể khôi phục và hồi phục. Nhưng nếu không như dự kiến, kinh tế sẽ còn khó khăn và thậm chí có thể khó khăn hơn. Bởi việc nhập khẩu nguyên liệu của nhiều DN sản xuất bị đứt gãy, sản xuất bị đình trệ. Có thể nói là toàn cảnh thị trường lao động, việc làm hiện nay đang trong tình trạng khủng hoảng, khó khăn.

Đối diện với thực trạng đó, ngay từ đầu tháng 3, hằng tháng, thậm chí có thời gian căng thẳng, hằng tuần Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã có báo cáo và cập nhật thường xuyên với Bộ LĐ-TB&XH diễn biến dịch trên toàn thế giới và các chính sách hỗ trợ cho thị trường lao động, việc làm của hơn 100 quốc gia. Qua đó thấy rằng, các chính sách hỗ trợ người dân của các quốc gia trên thế giới về cả tiến độ giải ngân và tính hiệu quả không bằng gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.

Về gói hỗ trợ 62.000 tỷ, khi thực hiện chính sách hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH xác định rất rõ, phải kích hoạt những định chế của thị trường lao động, việc làm sẵn có để thị trường tự giải quyết. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã hoạt động hết công suất. 7 tháng đầu năm đã giải ngân 7.000 tỷ, đến hết năm có thể giải ngân hơn 10.000 tỷ mà không cần một cơ chế, chính sách nào của Nhà nước.

Các hoạt động về lưới an sinh xã hội cũng được kích hoạt. Một số lực lượng lao động không tham gia được vào hệ thống an sinh xã hội, bắt buộc phải có hỗ trợ của Nhà nước như: Lao động không có quan hệ lao động (lao động phi chính thức).

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 36% lao động phi chính thức trên tổng lực lượng lao động. Lực lượng này rất lớn, chính vì thế trong gói 62.000 tỷ đã phân ra một lượng tiền để hỗ trợ trực tiếp cho nhóm lao động này và khoảng 16.000 tỷ hỗ trợ cho DN vay để trả lương cho NLĐ; gần 3.000 tỷ cho việc thực hiện giảm ngừng đóng bảo hiểm xã hội và ngừng đóng hưu trí, tử tuất.

Người lao động làm thủ tục trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và tham gia tuyển dụng việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Người lao động làm thủ tục trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và tham gia tuyển dụng việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Do vậy, cần hiểu gói 62.000 tỷ không phải là tiền mặt mà chỉ có khoảng mười mấy nghìn tỷ là tiền mặt. Tốc độ giải ngân như hiện nay là nhanh nhất thế giới nhờ có hệ thống chính trị, các đoàn thể. Bởi vì, giải ngân cho lao động phi chính thức là không có giấy tờ, phải thông qua hệ thống chính trị.

Giải pháp tiếp theo, cần bám sát thông tin về tình hình biến động của thị trường thế giới, tình hình dịch và thị trường lao động. Trong bối cảnh này, Chính phủ đang có kế hoạch giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ, ngành và Bộ LĐ-TB&XH có đề xuất gói hỗ trợ lần thứ hai. Đối với Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt là Cục Việc làm, việc nắm bắt toàn bộ thông tin thị trường lao động và biến động của thị trường lao động là ưu tiên số 1.

Nhóm lao động phi chính thức được xác định là khó khăn nhất, đặc biệt ở DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh chủ yếu trên dịch vụ đời sống và hoạt động đời sống nhỏ lẻ. Chúng ta cần hỗ trợ tiền cho DN đào tạo để giữ lao động.

Một nhóm nữa cần được hỗ trợ là NLĐ ở các khu công nghiệp bị mất việc tạm thời. Nếu chúng ta không hỗ trợ thì họ sẽ phải quay trở về địa phương, mà chi phí để quay trở về địa phương rất lớn. Việc này sẽ gây ra một luồng dân di cư ngược, sẽ gây khủng hoảng về lực lượng lao động, vì khi kinh tế phục hồi, các DN khó có thể thu hút được lao động và làm đứt gãy chuỗi lao động, việc làm. Vì vậy, việc hỗ trợ cho NLĐ bám trụ tại những địa bàn có nhu cầu về lao động lớn cũng là một trong những chính sách ưu tiên.

Một vấn đề nữa là cần thông qua các định chế như đề xuất Chính phủ nới lỏng điều kiện hỗ trợ cho DN từ Quỹ BHTN để DN đào tạo NLĐ trong quá trình tái cơ cấu lao động trong và sau khủng hoảng do Covid-19. Quỹ quốc gia về việc làm cũng phải nới điều kiện để Quỹ có thể hoạt động mạnh hơn, hỗ trợ tạo việc làm mới trên một số hoạt động của những định chế sẵn có.

Thị trường lao động Việt Nam hiện nay mang tính chất bị vón cục và cục bộ. Kết nối giao dịch việc làm, cung và cầu trong toàn quốc còn yếu. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo 63 trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng việc kết nối trực tuyến để thống nhất giao dịch việc làm toàn quốc hiện nay chúng ta chưa làm được. Cục Việc làm đang cố gắng để có kết nối theo cấp vùng, một cụm các tỉnh, trên toàn quốc.

Chúng tôi đang thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh để san sẻ lực lượng lao động và kết nối cung cầu, tránh vón cục và cục bộ. Để giảm bớt áp lực cho thị trường trong nước, khi thị trường nước ngoài ổn định phải nhanh chóng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 

Phải coi các TTDVVL là một thể chế dịch vụ công

Thưa ông, mặc dù diễn biến của dịch rất phức tạp, thị trường lao động khó khăn, nhưng trên thực tế, nhiều TTDVVL thuộc Sở LĐ-TB&XH trên toàn quốc vẫn hoạt động tốt, vẫn đưa NLĐ quay trở lại với thị trường, thậm chí tạo ra việc làm mới. Ông có đánh giá gì về vai trò của các TTDVVL hiện nay?

Phải coi TTDVVL là một thể chế dịch vụ công hết sức cần thiết và quan trọng trong việc điều phối, quản trị thị trường lao động. Tuy nhiên, một số TTDVVL tại nhiều tỉnh, thành phố, kể cả những thành phố lớn chưa thực sự được quan tâm, đầu tư phát triển. Nguồn đầu tư và hoạt động phần lớn là từ hoạt động của Quỹ BHTN là chính. Mặc dù vậy, nhưng trong đại dịch Covid-19, các TTDVVL đã thể hiện là một thể chế dịch vụ công vô cùng hữu hiệu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội, nhưng những TTDVVL lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ vẫn hoạt động hết công suất. Các TTDVVL đã vừa giải quyết chế độ vừa tư vấn việc làm, quay trở lại thị trường lao động, vừa hỗ trợ NLĐ tìm được việc làm mới.

Có thể nói, nhiều TTDVVL ở các địa phương, các tỉnh cơ sở vật chất hết sức khó khăn, nhưng họ đã nỗ lực hết sức để trợ giúp NLĐ. Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định về các TTDVVL và mong muốn các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện về cơ chế để các TTDVVL thực sự phát triển trong thị trường lao động hiện đại.

Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý về việc làm của Nhà nước, ông có đề xuất và giải pháp gì để thị trường việc làm của Việt Nam thực sự sôi động và những TTDVVL thực sự là nơi NLĐ có thể được hỗ trợ về việc làm tốt nhất?

Chúng ta phải xây dựng những thể chế, thiết chế cho thị trường lao động hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Trung ương V của TƯ Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt là trong ba đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực thì lao động việc làm là then chốt. Phải củng cố những thể chế quản trị và phát triển thị trường lao động hiện đại.

Thứ nhất là Quỹ BHTN phải thực sự thành quỹ bảo hiểm việc làm và nó không phải chỉ thực hiện chi trả cho NLĐ mà nó thực hiện vai trò vừa tư vấn, hỗ trợ đào tạo vừa quản trị hoạt động của thị trường lao động.

Thứ hai là phải có cơ chế, chính sách khuyến khích những DN DVVL, DN làm dịch vụ cho thuê lao động. Đây là hoạt động cần thúc đẩy.

Với hệ thống về quản trị lao động, phải thực hiện số hóa quản lý lao động toàn quốc. Đảm bảo việc số hóa để thống nhất nắm được toàn bộ lao động ra vào, cơ cấu vùng miền, cơ cấu theo địa bàn, cơ cấu theo ngành nghề, dịch chuyển thế nào để có chính sách kịp thời. Phải thực hiện kết nối cung cầu lao động, xây dựng sàn giao dịch việc làm tại 63 tỉnh/thành và được kết nối toàn quốc.

Các TTDVVL làm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phải xây dựng những sàn giao dịch việc làm đủ sức kết nối quốc tế, như vậy sẽ khai thông về cung cầu lao động.

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) làm việc với TTDVVL tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Hạnh.

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) làm việc với TTDVVL tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Hạnh.

Bên cạnh đó, phải xác định thay đổi thực sự trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Chủ trương của Chính phủ mà Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện rất đúng hướng, đó là tăng chất lượng nguồn cung và trẻ. Chúng ta phải thúc đẩy sớm hơn nữa, nhanh hơn nữa việc học sinh học xong THCS phải chuyển ngay sang học nghề và văn hóa.

Sau 3 năm, các em có bằng cao đẳng hoặc trung học nghề và chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian, có lực lượng lao động trẻ vô cùng quý báu. Như vậy, thị trường lao động Việt Nam sẽ thay đổi về chất. Việc đổi mới đào tạo gắn với chuẩn mực quốc tế thì lập tức sẽ kết nối được thị trường thế giới và nâng cao hoạt động về kỹ năng nghề.

Để đảm bảo thị trường lao động hoạt động minh bạch, ngoài việc bằng cấp đào tạo dài hạn thì Nhà nước phải quan tâm để chuẩn hóa đào tạo và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Với những nghề về đời sống như dịch vụ dọn nhà, cắt tóc… ở các nước đều được chuẩn hóa và có chứng chỉ do các hiệp hội cấp, nhà nước hỗ trợ, đảm bảo sự minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường lao động. Cục Việc làm đang cố gắng thúc đẩy cấp chứng chỉ nghề và chuẩn hóa đối với người làm trong hệ thống DVVL. 

Để đảm bảo cho những đối tượng yếu thế ở vùng khó khăn, dân tộc thì ngoài việc có những chương trình mục tiêu quốc gia, chúng ta phải hình thành những định chế ổn định của thị trường lao động. Đó là củng cố Quỹ quốc gia về việc làm sao cho Quỹ phải là động lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

Hiện nay, cơ cấu lao động chuyển dịch rất chậm so với cơ cấu kinh tế, điều này làm mất cân đối và khó có thể phát triển được.

Cho nên, các Quỹ quốc gia việc làm phải thúc đẩy: Thứ nhất là tài trợ để thúc đẩy, tạo ra việc làm mới. Thứ hai là thúc đẩy để tạo những việc làm trong tương lai. Tôi cho rằng, chúng ta phải có tính mở hơn, không phải từ ngân sách Nhà nước mà phải có tính mở để đón nhận những tài trợ, kể cả phi Nhà nước. Cần có cơ chế mềm dẻo hơn để thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam cạnh tranh được với thị trường lao động trên thế giới.

Cần chuyển hóa lao động nông nghiệp từ chưa chuyên nghiệp sang chuyên nghiệp

Lao động từ khu vực nông thôn và lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp rất lớn. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới đời sống, nhưng giá trị sản xuất hàng hóa của ngành nông nghiệp vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài thì ngành nông nghiệp cũng rất trăn trở về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông, Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp, đặc biệt là các địa phương cần phải làm gì?

Thứ nhất, ngành nông nghiệp truyền thống thì chỉ dừng lại ở bán sản phẩm thô và chuỗi nông nghiệp rất ngắn. Nhưng với nền nông nghiệp phát triển hiện đại thì phải phát triển nông nghiệp và thực phẩm. Nông nghiệp và thực phẩm phải thành chuỗi, từ nhà sản xuất đến phân phối trên thị trường, kể cả trong nước và xuất khẩu. Tư duy để xây dựng lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp phải là ngành nông nghiệp thực phẩm.

Công nhân công ty Pouchen quận Bình Tân TP. HCM. Ảnh: Trần Trung.

Công nhân công ty Pouchen quận Bình Tân TP. HCM. Ảnh: Trần Trung.

Thứ hai, phải xác định ai là lao động trong ngành nông nghiệp? Hiện nay, theo thống kê, lao động trong ngành nông nghiệp rất nhiều, nhưng nhiều địa phương lao động nông nghiệp được thống kê là những người được chia đất. Không phải. Lao động nông nghiệp là những người đang làm nông nghiệp và phải xác định lao động nông nghiệp là những người trực canh, trực tiếp làm nông nghiệp.

Có hai nhóm: Nhóm thứ nhất là lao động nông nghiệp có đất và trực tiếp sản xuất, đấy là trực canh. Trên thế giới, người ta thúc đẩy phát triển nhóm này và trở thành chủ nông trại, người ta thuê rất ít lao động. Đây mới là nền tảng vững bền của lao động nông nghiệp. Nhóm thứ hai là lao động nông nghiệp nhưng thực sự là ông chủ, là DN nông nghiệp.

Ứng xử của Nhà nước đối với DN nông nghiệp và NLĐ trực canh rất khác nhau. DN nông nghiệp chỉ kinh doanh khi có lãi, không bỏ sức lao động mà là thuê NLĐ. Khi nông nghiệp có lãi thì đầu tư, khi giảm lãi thì rút vốn. Tính bền vững của DN này là không cao. Ngành nông nghiệp nếu phát triển về lâu dài mà chỉ dựa vào phần lớn thúc đẩy các DN thì rất rủi ro. Để nền nông nghiệp phát triển thì nền tảng nhất vẫn là chủ các trang trại lao động trực canh chứ không phải DN đi thuê NLĐ.

Ở tất cả các nước nông nghiệp hiện đại, không một nước nào chủ trang trại đứng tên được cấp phép sở hữu đất và đứng tên sản xuất, ký xuất khẩu mà không có chứng chỉ và được đào tạo. Cho nên, phải gắn những người sở hữu đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp với việc đào tạo, cấp chứng chỉ.

Đầu tiên là phải đào tạo và chuẩn hóa, nâng cao chất lượng của tất cả những chủ trang trại. Hiện nay, việc này chúng ta chưa xác định, chưa có tiêu chí và tiêu chí trang trại không phải tiêu chí của nông trại hiện đại.

Nông trại hiện đại là một đơn vị sản xuất, khác hẳn với trang trại. Nông trại hiện đại là đơn vị sản xuất kinh doanh và được thừa nhận bởi pháp luật, có tài khoản, có con dấu; người chủ trang trại được cấp phép và được đào tạo. Việt Nam phải hình thành những ông chủ trang trại như thế và chúng ta phải đào tạo đội ngũ nông dân hiện đại.

Việc này, phải xác định có chiến lược và đào tạo. Tôi nghĩ, ngành nông nghiệp nếu không xác định việc này thì không xây dựng được đội ngũ nông dân hiện đại như Nghị quyết Tam nông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nền nông nghiệp hiện đại phải đào tạo về quản trị, từ kế toán, tư vấn kế toán cho nông nghiệp thế nào, một trang trại ra làm sao, quản trị chất lượng như thế nào… toàn bộ chuỗi chúng ta phải xác định. Trước khi xác định là chất lượng lao động như thế nào thì phải xác định một nền nông nghiệp hiện đại là như thế nào để đào tạo.

Nông nghiệp có tính đặc thù rất cao, mô hình nông nghiệp hiện đại nước này không giống nước khác. Cho nên, việc đặt ra tiêu chí và chất lượng về quản trị có nguyên tắc chung, nhưng chất lượng lao động của từng nước sẽ khác. Chúng ta phải chuyển hóa lao động nông nghiệp từ lao động mang tính chất chưa chuyên nghiệp sang lao động chuyên nghiệp. Lao động chuyên nghiệp là gì, là lao động nông nghiệp, là những người xác định nghề đó gắn với cả đời, có kỹ năng, được đào tạo và đảm bảo những chuẩn mực quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.