Hà Lan là quốc gia có kinh nghiệm trên thế giới trong việc phát triển các Trung tâm đầu mối nông sản. Lẽ đó, để Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ hoạt động hiệu quả sau khi thành lập. Chiều ngày 7/9, UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với phái đoàn Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ đã đưa ra 7 vấn đề, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía phái đoàn Hà Lan. Điển hình như: Về công nghệ mới sản xuất giống, vật nuôi, cây trồng; cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; hay công nghệ bảo quản sau thu hoạch; công nghệ chế biến nông sản, thủy sản để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao; ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư hệ thống logistics phục vụ cho sản xuất, chế biến, thương mại, nông sản cho toàn vùng cũng đang là khó khăn. Đặc biệt ông Hiển cho rằng, Hà Lan sẽ trở thành quốc gia hỗ trợ thị trường quốc tế để phát triển chuỗi hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL gắn với vùng nguyên liệu của các địa phương.
Vùng ĐBSCL với nhiều nét tương đồng với vùng đồng bằng của Hà Lan, dịp này, đại diện xứ sở hoa Tulip đã đưa ra kết quả nghiên cứu và nhiều khuyến nghị giúp TP Cần Thơ xác định vị trí và tiềm năng khi xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, dựa trên khái niệm về các cụm Trung tâm Thực phẩm Đô thị (gọi tắt là trung tâm MFC).
Theo phái đoàn Hà Lan, MFC được xem là khởi đầu để xây dựng chiến lược phát triển các trung tâm đầu mối nông sản vùng ĐBSCL. Kinh nghiệm của nước bạn, khi mới bắt đầu phát triển Trung tâm MFC, Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hà Lan kết luận rằng hơn 30% số xe tải chạy trên mạng lưới đường bộ Hà Lan có liên quan để nông sản thực phẩm nhưng có tới 60% số xe tải này chạy rỗng. Từ đó, Bộ này đã quyết định, nâng cấp mô hình hậu cần cơ bản cho nông sản, thay vì mở rộng mạng lưới đường bộ.
Đồng thời, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực để sản xuất được nhiều hơn với nguồn lực ít hơn. Tích hợp theo chiều dọc “từ nông trại đến bàn ăn” thông qua việc xây dựng các liên kết trong chuỗi cung ứng từ đầu vào, sản xuất, chế biến, phân phối trong các trung tâm đầu mối.
Điển hình, tại Hà Lan ra đời nhiều mô hình nông nghiệp theo lối công viên nông nghiệp. Xung quanh công viên là một vùng đất hấp dẫn với những lợi ích về môi trường, hoạt động như một vùng đệm xanh giữa công viên nông nghiệp và vùng đô thị hóa mở rộng.
Từ thực tế trên, phái đoàn Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan đưa ra đề xuất xây dựng Trung tâm đầu mối nông sản trong Kế hoạch tích hợp vùng ĐBSCL. Tính đến kế hoạch dài hạn như nhu cầu thị trường thay đổi, dân số làm nông già đi và thiếu người kế thừa. Bên cạnh đó là những đổi mới về mặt công nghệ, như nông nghiệp chính xác, tưới tiêu công nghệ cao cũng cần được tính đến.
Ngài Christoph Prommersberger, Phó trưởng phái đoàn Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan đưa ra ngỏ ý mời đoàn công tác của TP Cần Thơ đến tham quan tại Hà Lan. Ông cũng thông tin thêm, trong tháng 11 tới, sẽ có chương trình triển lãm về nông nghiệp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Phái đoàn sẽ mời một số doanh nghiệp Hà Lan đến tham quan và kết nối với các đối tác Việt Nam. Ông Christoph Prommersberger khẳng định, Hà Lan có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao và Hà Lan hoàn toàn có thể kết nối họ với doanh nghiệp Việt Nam để làm nhà đầu tư, vận dụng những khả năng.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho hay, thời gian qua đã có 4 nhà đầu tư đến tìm hiểu về dự án Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Sau khi có quyết định phê duyệt, thành phố sẽ sẽ thông báo rộng rãi để mời nhà đầu tư quan tâm tham gia. Các nhà đầu tư có thể liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận các đề xuất đầu tư, đồng thời tham mưu các tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư.