| Hotline: 0983.970.780

Trái vải - nhìn từ thị trường Hà Lan

Thứ Ba 28/06/2022 , 06:36 (GMT+7)

Dù được bán với giá khoảng 550.000 đồng/kg vào năm ngoái, vải thiều tươi nhập khẩu từ Việt Nam vẫn vắng bóng ở thị trường Hà Lan trong niên vụ 2022.

Ông Như Nguyễn bên kệ hàng bán vải tại thị trường Hà Lan.

Ông Như Nguyễn bên kệ hàng bán vải tại thị trường Hà Lan.

Xuất thành công sang thị trường Âu

Năm 2021, báo cáo cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đã tiếp nhận và tiêu thụ gần 50 tấn vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam. 

Trong đó, những lô vải thiều Bắc Giang đầu tiên đã mạnh dạn bước vào thị trường Hà Lan theo đường chính ngạch với giá bán cao, ngay cả so với mức chi tiêu của người dân tại quốc gia này. 1kg vải thiều Bắc Giang có giá bán từ 18 đến 20 euro tại Hà Lan vào năm ngoái, khoảng hơn 550.000 đồng.

Tuy những trái vải chỉ được bán tại các siêu thị châu Á, với khách hàng chủ yếu là người châu lục này, nhưng đều được đánh giá cao từ thực khách. Trong một vài ngày, những quả vải đỏ au, thơm ngon đã được tiêu thụ với tốc độ nhanh chóng.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết: “Thực sự rất tự hào và vui mừng vì đây là lần đầu tiên mở container xuất khẩu hàng vải tươi Việt Nam sang châu Âu. Đây là dấu mốc quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam sau này đầu tư bài bản hơn, đồng thời mở ra tương lai xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường châu Âu một cách bền vững”.

Năm nay, vải thiều Việt Nam vẫn vắng bóng trên các kệ siêu thị Á châu tại Hà Lan.

Năm nay, vải thiều Việt Nam vẫn vắng bóng trên các kệ siêu thị Á châu tại Hà Lan.

Thêm một mùa quả ngọt

Thời điểm hiện tại, hai vựa vải lớn nhất nước ta ở Bắc Giang và Hải Dương đã sẵn sàng thu hoạch. Riêng tại Bắc Giang, theo Sở NN-PTNT tỉnh này, dự kiến sản lượng vải thiều năm nay đạt khoảng 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400ha, GlobalGAP là 82ha.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, vải ở các vùng trồng đều sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh và dịch hại được kiểm soát, nên vải thiều có hương vị thơm ngon và chất lượng vượt trội. Thậm chí, theo tỉnh Bắc Giang, có thể khẳng định vải năm 2022 có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay.

Như vậy, với những lợi thế về cả chất và lượng, tiềm năng để vải thiều Việt Nam bước chân vào thị trường châu Âu rất lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, những trái vải tươi ngon của Việt Nam vẫn vắng bóng trên kệ của các siêu thị Á châu.

Trong khi đó, theo một số tờ báo Hà Lan, nhiều công ty nhập khẩu tại đây đang đưa vải thiều từ Pabna, Bangladesh vào thị trường Hà Lan.

Thực tế là những dòng trái cây từ châu Á, trong đó có vải thiều Việt Nam, đang cho thấy nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Hà Lan. Tuy nhiên, nếu chúng ta dọn đường xuất khẩu cho trái vải mà sau đó không có kế hoạch phát triển dài hạn, thì cũng đồng nghĩa với việc mở đường hộ cho các đối thủ quốc tế dễ dàng vào Hà Lan, cũng như các nước châu Âu.

Tại châu Âu hiện nay, vải được bán chủ yếu có xuất xứ từ Bangladesh.

Tại châu Âu hiện nay, vải được bán chủ yếu có xuất xứ từ Bangladesh.

Thách thức xuất khẩu vào thị trường châu Âu

Phát huy lợi thế thuận lợi về đất đai và mật độ dịch hại ít hơn so với các vùng lân cận, vùng Pabna tại Bangladesh năm nay còn đón mùa hè đến sớm hơn, hứa hẹn một vụ vải bội thu. Giá nhập khẩu của trái vải từ vùng này hiện ghi nhận vào khoảng 5 euro/kg.

Ngoài ra, vùng trồng vải Pabna tại Bangladesh có diện tích 4.731ha, cho sản lượng gần 50.000 tấn. Mặc dù đây được xem là sản lượng đạt lớn nhất của vùng này từ trước tới nay, sản lượng này chưa đủ đáp ứng nhu ​​cầu nhập khẩu, tiêu thụ nội địa và tái xuất sang các nước láng giềng của Hà Lan.

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Hà Lan trong 9 tháng năm 2021 đạt 14,2 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể nói, đây là cửa ngõ nhập khẩu của hầu hết các loại nông sản từ châu Á. 

Hiện nay, hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho châu Âu thông qua Hà Lan, chủ yếu qua cảng Rotterdam. Vì vậy, có thể xem Hà Lan là thị trường xuất khẩu hàng đầu cho nông sản Việt Nam đến châu Âu, bao gồm các loại trái cây như vải thiều.

Thêm nữa, nhu cầu của người dân Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung về trái vải ngày càng tăng, bởi đây là loại trái cây nhiệt đới giàu dinh dưỡng, cung cấp hàm lượng vitamin cao. Hương vị vải ngọt nhẹ, thanh mát và dễ chế biến vào nhiều món ăn khác nhau.

Theo một khảo sát của Công ty VIEC chuyên về tư vấn thương mại xuất nhập khẩu giữa Hà Lan và Việt Nam, tại thị trường Hà Lan, vải được ưa chuộng và tiêu thụ quanh năm. Khi không mua được vải tươi vì đã qua mùa, người dân vẫn tìm cách đặt mua vải đóng hộp hoặc ngâm trong siro.

Bên cạnh đó, một số hãng sản xuất bột vitamin dành riêng cho người ăn kiêng hoặc tập thể thao đã đưa hương vị trái vải vào dòng sản phẩm của họ và nhận được phản hồi tích cực từ thị trường.

Chính vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi để trái vải Việt Nam phát huy lợi thế về diện tích trồng lớn và chất lượng vải ngày càng được nâng cao. Ngoài việc xuất khẩu vải tươi theo mùa, sản phẩm chế biến từ trái vải cũng nên được quan tâm hơn, bởi sản phẩm chế biến không những giúp nâng cao chuỗi giá trị, tăng doanh thu, lợi nhuận, mà còn đảm bảo nông sản Việt luôn giữ được thị phần tại nước ngoài. 

Thông qua những sản phẩm được chế biến từ vải thiều Việt Nam, người dân tại Hà Lan có thể thưởng thức quanh năm trái cây này. Họ sẽ dần thay đổi suy nghĩ rằng, vải thiều chỉ đến từ Trung Quốc.

Mấu chốt quan trọng trong hoạt động thương mại, cụ thể là thương mại quốc tế hiện nay, cần chú trọng vào việc xuất khẩu trực tiếp và tối giản chuỗi cung ứng. Trái vải thiều của Việt Nam nói riêng và những nông sản khác nói chung, nên được trực tiếp chào bán tới những doanh nghiệp nhập khẩu lớn tại Hà Lan, hoặc các tổng đại lý và các chuỗi siêu thị, thay vì thông qua quá nhiều khâu trung gian. Điều này góp phần giảm tình trạng đội giá thành, đồng thời nâng cao cơ hội tiếp cận thị trường, khẳng định thương hiệu Việt tại thị trường quốc tế.

(Hà Lan)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.