| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm phát triển ngành thủy sản bền vững của Hà Lan

Thứ Tư 07/09/2022 , 15:33 (GMT+7)

Cần Thơ Ngày 7/9, tại TP Cần Thơ, doanh nghiệp đầu ngành lĩnh vực thủy sản chia sẻ hướng phát triển thủy sản bền vững tại diễn đàn giao thương doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam.

Câu chuyện phát triển thủy sản bền vững

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển ngành thủy sản bền vững của Hà Lan, ông Gerardo van Halsema, Trường Đại học và Nghiên cứu Wageningen cho rằng, tuần hoàn nguồn nước trong các trại nuôi nhằm giảm việc lấy nước từ môi trường bên ngoài và gia tăng thải nguồn nước sạch ra môi trường là vấn đề cốt lõi để trong nuôi trồng thủy sản. Và để thực hiện được điều này cần xây dựng một đội ngũ nhân lực đủ mạnh với cách nhìn và tư duy mới mẻ.

Doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thủy sản chia sẻ câu chuyện phát triển thủy sản bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thủy sản chia sẻ câu chuyện phát triển thủy sản bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Như cách làm của Tập đoàn Mỹ Lan, một doanh nghiệp FDI đi đầu trong lĩnh vực thủy sản ở ĐBSCL, đơn vị này đã xây dựng nên một “công thức” nuôi tôm vừa tiết kiệm được năng lượng, nguồn nước và giảm bớt dịch bệnh, nhờ khai thác tối đa lợi thế từ nguồn nhân lực.

Ts. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập Đoàn Mỹ Lan cho rằng, nuôi tôm tới đâu trồng được tới đó, nước thải đầu ra phải xử lý làm sao sạch hơn nguồn nước đầu vào là những gì tập đoàn theo đuổi. Ông đánh giá cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực thủy sản ở vùng ĐBSCL rất giỏi và rất “chiến”. Hiện tại doanh nghiệp có hơn 400 kỹ sư trẻ. Qua đó, ông rút ra được kinh nghiệm bản thân doanh nghiệp phải làm sao giúp cho đội ngũ nhân lực trẻ này dám làm khác và nghĩ khác. Phương châm phát triển bền vững của ông là thay đổi tư duy của chính mình.

Đối với câu chuyện của ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng giám đốc Tập Đoàn Camimex, doanh nghiệp này đã bắt đầu nuôi tôm sinh thái từ năm 2000. Thời điểm mà cả người dân và thị trường đều chưa có nhiều hình dung về nuôi tôm sinh thái, bền vững. Chỉ trong vòng một năm phát triển, doanh nghiệp này đã nhận được chứng nhận nuôi tôm sinh thái, chứng nhận về tôm sinh thái đầu tiên ở Việt Nam thời điểm này.

Một trong những mô hình nuôi tôm sinh thái tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Một trong những mô hình nuôi tôm sinh thái tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Đến nay, sau hơn 20 năm thực hiện nuôi trồng và phát triển hợp tác tôm sinh thái, bền vững, bài học mà doanh nghiệp này rút ra được là phát triển con tôm phải gắn với bảo vệ rừng. “Xung đột giữa con tôm, cây rừng luôn xảy ra, nhưng khi thu nhập của người dân được nâng cao hơn từ mô hình tôm rừng thì rừng được xem là tài nguyên, muốn phát triển kinh tế phải bảo vệ rừng”, ông Tấn chia sẻ.

Nhóm 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu thủy sản Việt Nam

EU được biết đến là một trong năm thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai tại châu Á cho EU. Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất, có sự tăng trưởng tốt liên tục từ đầu năm nay của Việt Nam tại EU.

Là hai quốc gia có mối quan hệ lâu dài và đáng tin cậy, Hà Lan và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực nước và thích ứng với biến đổi khí hậu hay nông nghiệp và an ninh lương thực. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt trên 8 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2020.

Hà Lan nằm trong nhóm 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất của thủy sản Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Hà Lan nằm trong nhóm 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất của thủy sản Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, Hà Lan nhập khẩu trên 228 triệu USD các mặt hàng thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm 2020, nằm trong nhóm 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất của thủy sản Việt Nam.

Đối với khu vực ĐBSCL, hàng năm đóng góp tới 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng cho cả nước. Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản của vùng đã nổi lên nhiều sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu quan trọng như tôm, cá tra…

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phấn khởi đánh giá, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đi vào chiều sâu. Ảnh: Kim Anh.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phấn khởi đánh giá, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đi vào chiều sâu. Ảnh: Kim Anh.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phấn khởi đánh giá, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thủy sản của vùng bình quân đạt 11%. Hơn nữa, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đi vào chiều sâu, có thể kể đến như nuôi tôm thâm canh, nuôi công nghệ cao.

Đối với ngành hàng cá tra của vùng ĐBSCL cũng có bước phát triển, hình thành nên chuỗi cung ứng dịch vụ, sản xuất, chế biến, thương mại khép kín, đáp ứng tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Với đa dạng vùng nuôi như: Khu vực nuôi giống, vùng nuôi cá thương mại (hay còn gọi là cá thịt) để cung cấp cho các nhà máy và vùng liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nuôi. Hiện nay toàn vùng có hơn 100 nhà máy chế biến lớn nhỏ, trong đó từ 20 – 30% nhà máy có quy mô khá lớn.

Thông qua Diễn đàn “Giao thương phát triển thủy sản bền vững doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam 2022, ông Daniël Stork, Tổng Lãnh sự Hà Lan đã nêu bật chiến lược tiếp cận tổng hợp liên ngành nước – nông nghiệp – hậu cần nông nghiệp, cũng như phát triển chuỗi giá trị bền vững ở ĐBSCL. Đồng thời, ngài Tổng Lãnh sự nhấn mạnh, giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, kết hợp quy hoạch cảnh quan tổng thể là giải pháp phát triển thủy sản bền vững cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới, đặc biệt đối với mặt hàng tôm.

“Chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác để đưa ra những giải pháp bền vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam trên thị trường toàn cầu, đồng thời quan tâm tới người dân và bảo vệ thiên nhiên của ĐBSCL”, ông Daniël Stork chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.