Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Hà Lan đã hợp tác và đồng hành giúp đỡ Việt Nam với nhiều dự án, chương trình hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thiên tai, an toàn thực phẩm, thủy lợi và gần đây nhất là chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL.
Hà Lan đang là quốc gia đứng thứ hai thế giới về thành tựu và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 100 tỷ USD xuất khẩu nông sản và cũng là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam trong khối EU về thương mại nông lâm thủy sản. Mô hình phát triển của Hà Lan được cho là phù hợp với Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua có nhiều sự đóng góp từ các chuyên gia được đào tạo ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Hà Lan. Các chuyên gia này đã áp dụng cảm hứng, tri thức từ mô hình của Hà Lan để giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa.
Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman cho rằng phát triển bền vững và sáng tạo là hai thành tố quan trọng trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hà Lan cũng như thảo thuận hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước vào năm 2010 và ký thỏa thuận về an toàn lương thực năm 2014. Theo Đại sứ Elsbeth Akkerman, các thỏa thuận này đã tạo nền tảng hợp tác và những bước tiến mới trong việc xây dựng và hình thành mô hình chuyển đổi nông nghiệp tại ĐBSCL.
“Tôi tin rằng trong bất cứ chương trình nào mà chúng ta thực hiện đều có mối liên kết chặt chẽ nhờ mối quan hệ đối tác công tư trong đó có lĩnh vực phát triển bền vững và sáng tạo”, bà Akkerman cho biết.
Đại sứ gửi lời cảm ơn Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã hỗ trợ cho các công ty của Hà Lan tiếp tục hoạt động trong thời gian Covid-19 tại Cần Thơ. Hà Lan cũng ghi nhận sự hỗ trợ của phía Bộ NN-PTNT trong thúc đẩy hợp tác giữa hai công ty lớn của hai nước là De Heus và Masan trong việc phát triển hệ thống sản xuất thức ăn nông nghiệp hiệu quả hơn.
Đại sứ Hà Lan khẳng định Hà Lan luôn cố gắng và tiếp tục là một trong những đối tác chủ đạo của Việt Nam trong khuôn khổ của các thỏa thuận đối tác chiến lược trong các lĩnh vực quan trọng trong đó có chuyển đổi nông nghiệp.
Bà cũng đề cập đến nền tảng kinh doanh ĐBSCL giữa Việt Nam và Hà Lan có văn phòng tại ĐBSCL nhằm kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, hậu cần vận tải để thúc đẩy quan hệ đối tác công tư tại Việt Nam cũng như tại ĐBSCL.
Đại sứ kêu gọi Bộ NN-PTNT đóng góp sáng kiến với kế hoạch chương trình “Đối tác nước” dự kiến sẽ kéo dài 3 năm tại Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh và an toàn nước trong đó kết nối chặt chẽ giữa sản xuất lương thực và bảo toàn an toàn sinh học.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định Hà Lan là một trong những đối tác nông nghiệp quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết thách thức lớn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng không phải là biến đổi khí hậu mà xuất phát từ nhận thức từ các cấp lãnh đạo, tập quán người nông dân ở ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng, sự trợ lực và đóng góp của Hà Lan với kinh nghiệm từng đối chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ĐBSCL sẽ không chỉ vượt qua thách thức về biến đổi khí hậu mà còn có thể chứng tỏ vị thế của một khu vực có thể vượt lên khó khăn.
Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp đầu tư FDI trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới trong đó có Hà Lan đến Việt Nam có thể cùng các doanh nghiệp, HTX trong nước liên kết trở thành chuỗi ngành hàng và bổ sung, tương trợ cho nhau.