| Hotline: 0983.970.780

Đến lúc đi cùng nhau chinh phục thị trường rau quả châu Âu

Thứ Tư 27/10/2021 , 08:44 (GMT+7)

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các doanh nghiệp rau quả phải liên kết với nhau, tạo thành sức mạnh chung để chinh phục thị trường châu Âu.

Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang châu Âu được Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 26/10. Ảnh: Tùng Đinh.

Tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang châu Âu được Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 26/10. Ảnh: Tùng Đinh.

Rau quả Việt Nam mới chiếm 1% thị trường EU

Chiều 26/10, Tọa đàm Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang châu Âu được Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định tiềm năng, dư địa cho tăng trưởng xuất nhập khẩu rau quả vào thị trường châu Âu đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu cho biết, hiện châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, quy mô khoảng 35 tỷ Euro/năm, trong đó nhu cầu với rau quả nhiệt đới, rau quả hiếm lạ ngày càng cao.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường EU chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của khối, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.

“Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết thêm.

Mặc dù có những tiềm năng như trên, nhưng hiện nay lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu vẫn chưa đạt được kim ngạch khả quan, minh chứng là chưa chiếm tới 1% lượng nhập khẩu của thị trường này.

Ngoài ra, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đánh giá, Hà Lan là quốc gia cửa ngõ của châu Âu, là điểm trung chuyển đi khắp lục địa với hệ thống logistics và vị trí địa lý thuận lớn nhưng các mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn ít về chủng loại.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, dư địa của thị trường châu Âu, các doanh nghiệp tham gia hội thảo đã nêu ra một số vướng mắc và kiến nghị đối với các Đại sứ, thương vụ của Việt Nam tại các quốc gia châu Âu.

Đa số các kiến nghị của khối doanh nghiệp đưa ra với các đại sứ đều liên quan đến vấn đề kết nối. Trước tiên là việc cung cấp thông tin về các chính sách, yêu cầu rồi sau đó là thói quen tiêu dùng, thị hiếu của thị trường. Nếu các doanh nghiệp được tiếp cận sớm với các thông tin này quá trình xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được các đại sứ kết nối để tham gia vào những hội chợ nổi tiếng ở châu Âu giúp tăng cường xúc tiến thương mại cho thị trường này.

Bên cạnh đó, các đại sứ cũng có thể kết nối để doanh nghiệp có thể nhập về với các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.

Kiến nghị này cũng được các địa phương đồng thuận, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói: “Chúng tôi rất mong muốn các đại sứ hỗ trợ Sơn La và các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ của Đức, Italia về Việt Nam”.

Còn về vướng mắc, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, hiện nay châu Âu chưa có đơn vị kiểm định sản phẩm tại Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro bị hủy đơn sau khi đã đến châu Âu, tốn kém rất nhiều về chi phí và thời gian vận chuyển.

Bên cạnh đó, các vùng nguyên liệu còn nhỏ lẻ, manh mún cũng là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình đăng ký các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của châu Âu, ví dụ như Global GAP.

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh lưu ý, chúng ta không chỉ mở rộng vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải quan tâm đến tiêu chí về thân thiện với môi trường và trách nhiệm với xã hội vì đây là những yếu tố đang được châu Âu quan tâm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau để chinh phục thị trường châu Âu. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau để chinh phục thị trường châu Âu. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần thành lập khối doanh nghiệp xuất khẩu nông sản EU

Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: “Khi thấy nông sản Việt Nam được đưa sang châu Âu tôi rất vui, nhưng những gì chúng ta đạt được vẫn còn rất ít, nông sản chỉ nằm trong cửa hàng nhỏ lẻ của người châu Á chứ chưa vào được hệ thống phân phối lớn của châu Âu. Do đó, có thể thấy được vẫn đang còn dư địa lớn cho lĩnh vực này”.

Theo Bộ trưởng, đã đến lúc, các doanh nghiệp không nên đi một mình, không tự mở đường nữa: “Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét việc thành lập một khối các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần một chiến lược tổng thể về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu, đề ra những chiến lược dài hơi 5 năm - 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Cụ thể, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị các Đại sứ, thương vụ giúp đỡ Bộ NN-PTNT tìm hiểu cách Thái Lan xâm nhập thị trường châu Âu, từ đó rút kinh nghiệm, xây dựng chiến lược, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể. “Mục tiêu chúng ta đưa ra là phải đuổi kịp và tiến đến vượt Thái Lan ở thị trường châu Âu”, ông nói.

“Đã qua giai đoạn thăm dò, rụt rè. Dưới sự hỗ trợ của các đại sứ, chúng ta sẽ xây dựng chiến lược từ vùng nguyên liệu cho đến logistics, mở rộng thị trường và phân phối sản phẩm”, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.

Liên quan vấn đề quảng bá thông qua các hội chợ, sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các Đại sứ hỗ trợ nhưng cũng lưu ý các doanh nghiệp phải hội tụ lại với nhau, để có thể tạo ra những không gian chung, đẩy mạnh được hình ảnh Việt Nam chứ không mạnh ai nấy làm, manh mún, nhỏ lẻ như trước đây.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng cần có sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đầu mối ở châu Âu và Việt Nam. “Có thể hàng tuần, sẽ có những thông tin về sự thay đổi, những rủi ro của thị trường để các doanh nghiệp, địa phương trong nước có thể cập nhật và thay đổi sớm để đáp ứng được”, ông ví dụ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh, hiện nay đang có sự chuyển biến trong xu thế tiêu dùng ở châu Âu, trong đó người dân châu Âu ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh, đảm bảo yêu cầu về thân thiện với môi trường.

“Các doanh nghiệp, địa phương cần chú ý đến điều này, để thay đổi trong phương án quảng bá sản phẩm, không chỉ dừng lại ở sạch nữa mà phải đề cập đến việc thân thiện với môi trường, đảm bảo trách nhiệm với xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đã làm việc với Đại sứ châu Âu tại Việt Nam để sớm mở văn phòng hoặc cử chuyên gia kiểm dịch đến làm việc tại Việt Nam, tránh trường hợp hàng hóa sang đến nơi bị trả về, gây tốn kém chi phí vận chuyển như các doanh nghiệp đã nêu ra.

Chanh leo là một trong những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Ảnh: Tùng Đinh.

Chanh leo là một trong những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiềm năng xuất khẩu rau quả chế biến sang châu Âu

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, tiềm năng của các mặt hàng chế biến tại thị trường châu Âu không hề kém các sản phẩm tươi. Do đó, đại diện Công ty Chánh Thu cho rằng cần xây dựng chiến lược cho các sản phẩm rau quả chế biến.

Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 vừa qua, Chánh Thu đã chuyển sang kinh doanh các mặt hàng chế biến và đạt được thành công ngoài mong đợi, cụ thể là sầu riêng Ri 6 đông lạnh.

Để khai thác tiềm năng của thị trường châu Âu, bà Ngô Tường Vy cũng đề cập đến vấn đề các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, cùng nhau tìm giải pháp đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa sản phẩm Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, vấn đề thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu cũng được đại diện Chánh Thu nhắc đến, theo đó, mỗi quốc gia đều có thị hiếu khác nhau nên đề nghị các đơn vị của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương giúp đỡ để doanh nghiệp có được các thông tin hữu ích này.

Tùng Đinh

    Tags:
Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm