| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội lên cơn sốt đất

Thứ Sáu 14/05/2010 , 09:08 (GMT+7)

Hơn một tháng trở lại đây, đất tại Hà Nội bất ngờ tăng giá chóng mặt ở nhiều khu vực...

Hơn một tháng trở lại đây, đất tăng giá chóng mặt ở nhiều khu vực, tâm điểm là dọc đường Láng Hòa Lạc, huyện Gia Lâm và quận Tây Hồ với mức tăng nóng 35-40%.

Cùng với giá cả tăng chóng mặt, lượng giao dịch cũng lên 25-30% so với tháng trước. Tại dự án Geleximco khu C, D trên đường Lê Trọng Tấn, trong vòng hơn một tháng đã tăng từ 43 triệu lên 65 triệu mỗi m2 ở vị trí mặt đường to. Liền kề mặt đường nhỏ cũng tăng từ 4-6 triệu. Đất nền Kim Chung Di Trạch sau một thời gian đứng giá lại tăng từ 26 đến khoảng 30 triệu đồng mỗi m2. Giá đất nền biệt thự Dương Nội cũng lên tới 42 triệu, tăng 2-3 triệu mỗi m2 tùy vị trí.

Khu vực Gia Lâm ở phía Đông Hà Nội cũng tăng giá vù vù, tiêu biểu như khu Đặng Xá từ 18 triệu lên tới 25 triệu mỗi m2. Không chịu thua kém, khu đô thị Ciputra ở mạn Tây Hồ từ 80 triệu tăng giá lên 110 triệu đồng, biệt thự Vườn Đào từ 80-90 triệu đồng vọt lên 110-140 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí.

Thị trường địa ốc bị tác động mạnh nhất kể từ khi có triển lãm quy hoạch “Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”

Đất thổ cư, vốn được coi là khá bình ổn trước sự lên xuống thất thường của địa ốc giờ cũng tăng chóng mặt. Sức tăng tốc độ cao nhất phải kể đến khu vực quận Tây Hồ. Đầu năm nay, một mảnh đất thổ cư có diện tích 108 m2 trên mặt đường An Dương Vương, có giá 40 triệu đồng mỗi m2 thì hiện nay đã được chào tới 80 triệu, khu vực gần đường Thanh Niên cũng được rao bán giá 73 triệu mỗi m2, đất Tứ Liên dao động quanh mức 85-105 triệu đồng. Còn đất mặt phố Lạc Long Quân, gần chợ Bưởi đạt kỷ lục 215 triệu đồng.

Đất thổ cư thuộc các xã Kim Sơn, Phú Thị, Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm cũng lên từ 13-16 triệu đồng. Khu Bát Tràng, Đông Dư gần đô thị sinh thái Ecopark cũng lên tới 20 triệu. Trong khi trước đó, những khu đất được coi là "vùng sỏi đá" này chỉ này được chào bán với giá dưới 10 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thế Cường, đại diện Văn phòng tư vấn nhà đất Long Biên, chính các dự án mới như khu đô thị sinh thái Ecopark cũng như thông tin về công viên Gia Lâm sắp được triển khai làm thay đổi diện mạo vùng đất này. "Thêm vào đó, các khu vực này lại có vị trí giao thông thuận lợi, cách cầu Thanh Trì khoảng 800 m, giáp đường lớn 5B nên giá lại càng tăng", ông Cường nói.

Tại khu vực Ba Vì, Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình cũng tăng gấp 2, 3 lần. Anh Nguyễn Phong, một khách hàng mua đất ở khu vực Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) hồi đầu Tết với giá 700.000 đồng một m2 đến nay đã có khách trả đến gần 2 triệu. "Hồi đầu năm tôi mua một sào mất hơn 200 triệu thế mà nay đã có người trả đến 720 triệu đồng. Giá đất sẽ còn lên nên tôi chưa có ý định bán", anh Phong cho biết.

Theo anh Tuấn Anh, nhân viên thuộc Công ty cổ phần bất động sản Hà Nội mới, thị trường bị tác động mạnh nhất kể từ khi có triển lãm quy hoạch “Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”. Triển lãm công bố 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và trục Thăng Long bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì thuộc địa phận Hà Tây khiến khu vực này tăng giá đến chóng mặt.

Giám đốc Công ty cổ phần Bất Động Sản B.D.S Lê Xuân Trường cho biết, cơ sở hạ tầng đang được gấp rút hoàn thiện, tiềm năng của các dự án này ngày một hiện rõ đã khiến cho khu vực phía Tây càng hút khách. Cụ thể như đường Lê Văn Lương kéo dài đã hoàn thành được khoảng 70%, đường Lê Trọng Tấn đang chờ ngày thông xe. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng hiện nay đã bớt căng và có xu hướng giảm nữa trong thời gian tới khiến nguồn vốn cho thị trường bất động sản dồi dào hơn. Giá đất nền cùng lượng giao dịch ở nhiều khu vực tăng mạnh mẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia "lướt sóng" khiến đất các khu vực này lại càng tăng chóng mặt.

Cũng theo ông Trường, đất nền dự án sốt kéo theo đó là đất thổ cư cũng tăng gia theo. "Đất tăng nhanh là do tâm lý đón đầu trong đầu tư. Hiện nay rất nhiều người tin rằng, giá đất sẽ còn tiếp tục tăng trong vòng khoảng một năm tới nên đua nhau đi mua dẫn đến người bán cũng đua nhau tăng giá", ông Trường nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, chính tình hình kinh tế vĩ mô cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường địa ốc Hà Nội. Nghiên cứu của Ủy ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á- Thái Bình dương của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, một trong những khó khăn cấp bách nhất cho nền kinh tế Việt Nam là áp lực lạm phát ngày càng tăng, tổ chức này dự báo năm nay, lạm phát có thể lên tới 10,3%. Theo ông Phạm Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế kỷ, lạm phát càng tăng, đồng tiền càng mất giá càng khiến nhà đầu tư đổ xô vào mua bất động sản.

Ông Hưng bổ sung, giá vàng trong nước lên khiến bất động sản lên theo. Khi buôn bán bất động sản, nhiều nhà đầu tư có tâm lý quy ra vàng. Giá trị quy ra vàng không thay đổi nhưng theo tâm lý vàng lên khiến đất cũng lên theo. Cũng theo ông Hưng dự đoán, giá đất Hà Nội sẽ còn tăng đến hết tháng 10 năm nay bởi mốc Hà Nội đón chào 1.000 năm Thăng Long. "Hàng loạt dự án đang được gấp rút hoàn thành càng tạo ra nhiều sự lựa chọn cho các khách hàng hơn. Theo tâm lý, người mua cũng muốn mua nhà vào thời điểm này khiến thị trường bất động sản càng sôi động", ông Hưng nói.

Theo ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường, thị trường Hà Nội có chiều hướng sôi động trong tháng qua là do một bộ phận người dân Hà Nội có tiền nhàn rỗi đổ đi đầu tư bất động khi tình hình kinh tế vĩ mô dần ổn định. Tuy nhiên với sức tăng quá nóng như hiện nay, theo ông Võ, người mua cần phải hết sức thận trọng. Bởi thực tế, đất Hà Nội mới chỉ sốt cục bộ ở một số khu vực như Hà Tây, Tây Hồ, Gia Lâm và chưa thực sự ổn định.

Với sức tăng mạnh như hiện nay, theo ông Võ, cũng không tránh khỏi yếu tố tăng ảo do nhiều nhà kinh doanh thổi giá lên. Người dân không nắm được thông tin đổ xô đi mua lại càng làm giá đất tăng bất thường. “Ngoài một bộ phận khách hàng có nhu cầu thực, cũng không tránh khỏi hiện tượng làm giá do nhiều nhà đầu tư lướt sóng, tìm cách làm khan hàng thổi giá lên cao quá mức bình thường như hiện nay”, ông Võ nhận định.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm