| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội ô nhiễm: Nhà chức trách khuyến cáo nhiều đối tượng hạn chế ra đường

Thứ Ba 01/10/2019 , 15:10 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên - Môi trường khuyến cáo nhiều đối tượng hạn chế ra đường do nồng độ bụi mịn PM2.5 đang tăng đột biến từ giữa tháng 9 đến nay.

Người tham gia giao thông ở Hà Nội đang dùng nhiều loại khẩu trang để tự bảo vệ trước tình trạng không khí ô nhiễm. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, chất lượng không khí AQI trong tháng 9 vừa qua ở Hà Nội liên tục ở mức kém, trong khi đó tại TP.HCM cũng xảy ra hiện tượng quang hóa cản trở tầm nhìn. Những hiện tượng này đang gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng cũng như khiến dư luận hoang mang.

Trong nửa cuối tháng 9, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội liên tục vượt ngưỡng cho phép trong quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT.

Số liệu từ 13 trạm quan trắc rải rác khắp thành phố (bao gồm cả trạm của Đại sứ quán Mỹ) cho thấy, nồng độ PM2.5 tăng trong thời gian từ 12-17/9, sau đó giảm trong các ngày 18-22/9 nhưng rồi tăng trở lại và duy trì ở mức cao từ 23-29/9. Đặc biệt, từ 25-29/9 chỉ số bụi mịn của tất cả các trạm trong 24h đều vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Theo thống kê, từ 12-29/9 chỉ có 5 ngày chất lượng không khí ở Hà Nội đạt mức trung bình còn lại đều ở mức kém (AQI > 100), có nhiều ngày tiệm cận mức xấu. Thậm chí, ngày 29/9, chỉ số đo tại trạm Đại sứ quán Mỹ vượt mức xấu (AQI > 200).

Đáng lưu ý, chỉ số bụi mịn cao, chất lượng không khí kém, thậm chí xấu thường xảy ra vào khoảng thời gian sáng sớm và đêm.

Mặc dù vậy, thống kê theo dõi từ năm 2010 đến nay lại cho thấy chỉ số bụi PM10 và bụi mịn PM2.5 đang có xu hướng giảm. Tính riêng bụi mịn PM2.5, chỉ số có xu hướng giảm qua các năm nhưng đặc biệt tăng vọt vào tháng 9/2019 và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015-2019.

Nguyên nhân sơ bộ được Bộ TN-MT đưa ra là do điều kiện thời tiết. PM2.5 tăng cao trong tháng 9 do đây là thời điểm giao mùa, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt làm tăng các chất ô nhiễm. Bên cạnh đó, hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa gặt cũng làm gia tăng PM2.5. Chưa kể đến, lượng mưa trong tháng 9/2019 cũng thấp nhất trong nhiều năm khiến bụi tăng cao.

Với điều kiện như hiện nay, Bộ TN-MT cho rằng tình trạng nồng độ PM2.5 vẫn còn có thể duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là đêm và sáng sớm. Do đó, người dân, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài, nếu buộc phải tham gia các hoạt động ngoài trời phải mang khẩu trang và đeo kính.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.