| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội quyết tâm 'nâng chất' các tiêu chí

Thứ Tư 10/03/2021 , 07:30 (GMT+7)

Năm 2021, Hà Nội phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã; có thêm 30 xã đạt chuẩn nâng cao và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

 Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố đã chỉ đạo các địa phương chủ động vào cuộc, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu của năm 2021.

Người dân huyện Ứng Hòa làm đường nông thôn mới. 

Người dân huyện Ứng Hòa làm đường nông thôn mới. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 7 đơn vị cấp huyện, 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao... Mục tiêu của thành phố đề ra trong năm 2021 là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn; hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với 14 xã còn lại. Thành phố cũng phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Theo ông Chu Phú Mỹ, giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội: "Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, chỉ tiêu đặt ra cho các tiêu chí đều cao hơn hẳn so với xây dựng nông thôn mới thông thường. Đơn cử, tiêu chí trường học, yêu cầu xã phải đạt chuẩn quốc gia đối với 3 cấp học là trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có tối thiểu 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nên đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực rất lớn mới hoàn thành".

Đặc biệt, theo ông Mỹ, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 14 xã còn lại của thành phố. Tuy số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới không nhiều, nhưng đây đều là những địa phương khó khăn thuộc các huyện cũng khó khăn của thành phố (huyện Ba Vì có 9 xã, huyện Mỹ Đức có 5 xã).

Tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức) - một trong 14 xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cho thấy mặc dù địa phương đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Bá Minh cho hay: Là xã miền núi, địa hình rộng nên 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) ở An Phú hiện có gần 10 điểm trường và đều chưa đạt chuẩn. Để hoàn thành tiêu chí trường học, xã cần nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng...

Đây cũng là tình hình chung của 9 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thuộc huyện Ba Vì... Ông Nguyễn Văn Duẫn (thôn Minh Hồng, xã Minh Quang, huyện Ba Vì) chia sẻ: "Với quyết tâm của các cấp, ngành chức năng thành phố, chúng tôi rất mong sớm hóa giải những khó khăn ở địa phương để hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới".

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, với mục tiêu 14 xã còn lại hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021, thành phố đã yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các xã tập trung hoàn thành các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình thành phố thẩm định, công nhận trước ngày 30/9.

Đối với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thành phố đã yêu cầu các huyện, thị xã đăng ký mục tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các huyện, thị xã và có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện. Về mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài 7 đơn vị cấp huyện đã được công nhận và 6 huyện khác đang được Trung ương xem xét, công nhận, năm 2021, Hà Nội tiếp tục yêu cầu 3 huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.

Một góc khu đô thị mới tại huyện Mê Linh

Một góc khu đô thị mới tại huyện Mê Linh

Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở 9 xã còn lại trong năm 2021, bên cạnh tập trung cho các tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư, huyện yêu cầu các xã hoàn thành các tiêu chí không cần nhiều kinh phí như văn hóa, môi trường... ngay từ những tháng đầu năm.

Về thực hiện mục tiêu xã Phú Phương (huyện Ba Vì) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm nay, ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời điểm hiện tại, địa phương tự đánh giá đã có 10 tiêu chí đạt và 9 tiêu chí cơ bản đạt. "Điểm thuận lợi là xã đã được thành phố và huyện bố trí hơn 100 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là cơ sở để xã quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao", ông Chí cho hay.

Trong khi đó, tại huyện Ứng Hòa, theo bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện, ngay từ đầu năm 2021, huyện đã chủ động rà soát, xác định còn 3/9 tiêu chí chưa đạt cần tập trung thực hiện. Trong đó, huyện đã giao cơ quan chức năng thiết kế, lập dự toán công trình trung tâm văn hóa, thể thao quy mô huyện để khởi công trong quý II. Ngoài ra, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.