| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội sắp chạm mốc xuất khẩu nông sản, tiểu thủ công đạt 2 tỷ USD/năm

Thứ Năm 28/11/2024 , 06:26 (GMT+7)

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, với lợi thế nông sản, làng nghề, gần 300 doanh nghiệp chế biến, năm 2024 thành phố xuất khẩu xấp xỉ 2 tỷ USD.

Bà Barbara Ebbli nhà sáng lập và thiết kế thương hiệu Malaika của Ý giới thiệu bộ sưu tập lụa với các đại diện của Sở NN-PTNT Hà Nội. Ảnh: Vân Đình.

Bà Barbara Ebbli nhà sáng lập và thiết kế thương hiệu Malaika của Ý giới thiệu bộ sưu tập lụa với các đại diện của Sở NN-PTNT Hà Nội. Ảnh: Vân Đình.

Tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu

Thủ đô hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận. Lũy kế từ 2019 đến nay, thành phố đánh giá, phân hạng được 3.160 sản phẩm OCOP trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.584 sản phẩm 3 sao, 81 sản phẩm tiềm năng 4 sao, số sản phẩm đánh giá lại 241 (gồm có 4 sản phẩm 5 sao). ​

Giá trị sản xuất làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các làng nghề đạt khoảng 200 triệu USD/năm. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu, trong đó có gần 200 làng nghề đạt doanh thu 10 - 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và nông sản chế biến của thành phố đã xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên trong quá trình xuất khẩu đó, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng gặp những khó khăn nhất định như xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, thị hiếu của khách hàng quốc tế… Do vậy Hà Nội đã ký kết hợp tác với Hội đồng thủ công thế giới để làm sao sản phẩm làng nghề của mình bắt nhịp được với tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế.

Vừa qua, Hội đồng này đã đến khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận 2 làng nghề của Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Song song với đó thành phố cũng tổ chức các đoàn đưa doanh nghiệp đi tham gia các hội chợ quốc tế để tìm kiếm cơ hội.

Tại hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế ở Milan, Ý diễn ra từ ngày 2-10/12/2023 Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP Hà Nội và 10 doanh nghiệp tham gia đã gặp gỡ bà Barbara Ebbli, người sáng lập và thiết kế thương hiệu Malaika tại Ý để bàn chuyện hợp tác.

Từ ngày 11-19/1/2024, bà Barbara Ebbli đã đến Hà Nội để khảo sát thực tế vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất lụa tơ tằm trên địa bàn từ đó đưa ý tưởng tư vấn thiết kế thời trang mẫu mã cho các sản phẩm vải, lụa, thổ cẩm OCOP của Hà Nội. Bà đã trực tiếp tư vấn thiết kế được 10 mẫu sản phẩm trên chất liệu lụa đũi, tơ tằm Việt Nam để xuất khẩu sang Châu Âu. Những sản phẩm của bà thể hiện sự sáng tạo, phóng khoáng của văn hóa phương Tây trên nền lụa Việt.

Chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Vân Đình.

Chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Vân Đình.

“Những hợp tác quốc tế đó sẽ giúp cho sản phẩm làng nghề của Hà Nội tiếp cận thị trường thế giới tốt hơn bởi được chính những chuyên gia nước ngoài định hướng cũng như tham gia trực tiếp vào thiết kế sản phẩm. Nếu như trước đây nhiều sản phẩm thủ công của Hà Nội chỉ xuất khẩu dưới dạng gia công thì nay với hợp tác quốc tế sẽ xuất khẩu chính danh, gia tăng thêm giá trị, mở rộng thêm thị trường. Song song với xuất khẩu, thành phố cũng lưu ý để đáp ứng tốt hơn thị trường trong nước với thị hiếu mỗi lúc một đa dạng hơn, nhu cầu mỗi ngày một lớn hơn”, ông Tạ Văn Tường khẳng định.

Từ ngày 29/11-3/12 tại khu đô thị Mailand An Khánh Hanoi City của xã An Khánh, huyện Hoài Đức sẽ diễn ra festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội làn thứ 3 năm 2024 với khoảng 3.000 sản phẩm OCOP và các sản phẩm tinh hoa của các làng nghề tham gia trưng bày. Đây cũng là sự kiện đặc biệt chào mừng 70 năm kỷ niệm ngành nông nghiệp Thủ đô.

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự lớn mạnh của nền nông nghiệp cả nước, ngành nông nghiệp Hà Nội ngày càng phát triển, không chỉ đáp ứng nhiệm vụ trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn ghi dấu qua từng thời kỳ.

Hiện Thủ đô chú trọng mục tiêu phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Sản phẩm nhãn muộn Đại Thành của Hà Nội. Ảnh: Vân Đình. 

Sản phẩm nhãn muộn Đại Thành của Hà Nội. Ảnh: Vân Đình. 

Chương trình nông thôn mới là điểm sáng của cả nước

Từ chỗ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì năm 2023 đã đạt trên 59.000 tỷ đồng, hơn 2 tỷ USD (cao hơn 8 lần so với năm 2008, đứng top đầu so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng). Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3%, vượt so chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao. Trên địa bàn đã hình thành gần 400 vùng sản xuất chuyên canh tập trung; 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được trên 40 nhãn hiệu sản phẩm; 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.

Đến nay 18/18 huyện, thị xã của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu. Thành phố đã có 188/382 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu Chương trình số 04 đề ra. Hà Nội đang tiến gần mục tiêu thành phố NTM khi 4 huyện là Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 tăng hơn 7 lần so với năm 2008, nhiều địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao, điển hình như huyện Thạch Thất đạt 100 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 78 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng: 78 triệu đồng/người/năm...

Một góc làng ở Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Một góc làng ở Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,03%, trong đó có 7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo. Giữa khu vực ngoại thành với trung tâm thành phố ngày càng thu hẹp khoảng cách về vật chất và tinh thần thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hoá, cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư... Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Nhiều địa phương phát động phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với nhiều tuyến đường cây, đường hoa, bích họa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, khẳng định vai trò “chủ thể” của người nông dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đồng thời qua đó biến khu vực nông thôn dần trở thành “vùng quê đáng sống”.

Trong năm 2025 Hà Nội sẽ đứng ra đăng tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế. Đây là dịp mà thành phố trưng bày ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa nhất của mình, sánh vai cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nước.

Xem thêm
Kỷ luật Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách đối với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đi cạo rong mứt, 1 người tử vong, 1 người mất tích

Quảng Ngãi 2 phụ nữ trong lúc cạo rong mứt thì bị sóng đánh, trượt chân rơi xuống biển. 1 người sau đó được tìm thấy nhưng đã tử vong, người còn lại vẫn đang mất tích.

Hành trình 33 năm xóa bỏ hôn nhân cận huyết dưới chân núi Ka Đay

Hà Tĩnh 10 năm về trước, từng có những cặp vợ chồng con chú lấy con bác, cháu anh lấy cháu em… nhưng vấn nạn nhức nhối ấy nay đã chấm dứt hoàn toàn.