| Hotline: 0983.970.780

'Cầm tay chỉ việc' nâng cao chất lượng bưởi đặc sản Hà Nội

Thứ Tư 27/11/2024 , 10:27 (GMT+7)

Trong bối cảnh nhiều vùng bưởi giá hạ, khó tiêu thụ thì nhiều nhà vườn ở Hà Nội vẫn bán chạy, được giá nhờ chất lượng, mẫu mã, biết quảng bá thương hiệu.

TS Vũ Việt Hưng tập huấn kỹ thuật cho bà con xã Thượng Mỗ. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Vũ Việt Hưng tập huấn kỹ thuật cho bà con xã Thượng Mỗ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lý thuyết đã thuộc nhưng áp dụng vào thực tiễn lại khác

Hà Nội cũng có hẳn một kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 để nâng cao giá trị kinh tế. Giữa vườn bưởi của ông Phan Văn Hào ở đội 2 xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) hôm ấy có buổi tập huấn “cầm tay chỉ việc” của TS Vũ Việt Hưng của Viện Nghiên cứu Rau quả và phối hợp với cán bộ của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội. Thành phần tham dự phần lớn đều là những lão nông tri điền và có trồng bưởi. “Các bác đọc tài liệu rồi thì xin hỏi đây là sâu hay là bệnh?”, TS Hưng vừa chỉ vào một cây bưởi rồi chất vấn.

“Đấy là bệnh”. Mọi người đồng thanh. Ông cười, bảo: “Vâng, vậy là các bác nhận diện rất tốt rồi. Mặt bằng chung sau khi học lý thuyết các bác đã biết nhưng áp dụng vào thực tiễn có một số không giống như quy trình. Trên vườn này có một số cây bưởi đang bị bệnh gây ra hiện tượng giả chín, chỉ một thời gian sau sẽ làm cho quả vàng và rụng.

Trong tài liệu các bác tìm phần bệnh đốm đen. Vụ xuân tới, những cành như thế này chắc chắn sẽ nảy ra những mầm thì phải để, tạo lại bộ tán. Vườn này đã làm được những việc tốt như làm gốc cây nổi lên trên, làm được những rãnh thoát nước rồi nhưng vẫn còn những tồn tại, không chỉ có bệnh đốm đen đâu mà đã có dấu hiệu của bệnh rỉ gôm nữa”.

Vừa học bà con vừa thực hành bắt bệnh cho cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa học bà con vừa thực hành bắt bệnh cho cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đang tập huấn sôi nổi thì trời bỗng đổ mưa, trở về hội trường thôn mọi người vừa ăn bưởi vừa bàn tán rôm rả về chuyện giá bán. Bắt ngay vào mạch chuyện ấy, TS Hưng khen một số đám cưới ở Hà Nội đã sử dụng quả bưởi vàng tôm của Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng thay cho các loại quả khác vì ngon: “Cho dù giá bưởi hiện tại có rẻ nhưng chỉ cần buông lơi, không chăm sóc một hai năm thì khu vườn sẽ bị suy sụp, đến khi muốn quay lại, phục hồi cũng rất khó khăn. Phải xác định đối với cây bưởi càng lâu năm càng có giá trị. Thế mà chúng ta đã trồng bưởi 20 năm rồi, giờ bỏ đi, trồng cây khác là rất phí.

Bởi thế phải chọn những gốc tốt, chăm sóc đúng bài bản thì cây sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, hơn thế quả để được lâu tới 3-4 tháng nên không bị áp lực về mùa vụ. Nếu làm đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thì dù quả bưởi có xuống giá tới 10.000đ bà con cũng vẫn có lãi. Một cây bưởi 10 năm tuổi sẽ cho trung bình 100 quả, bán đã được 1 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi được 600-700.000đ rồi nên 1 ha 400-500 cây thì cũng thu được 400-500 triệu đồng”.

Cũng theo TS Hưng, không cứ gì Thượng Mỗ ở nhiều vùng bưởi khác, nếu làm tốt vẫn tiêu thụ tốt. Cây bưởi Diễn khi từ 10 năm tuổi trở đi nếu áp dụng khoa học kỹ thuật thì quả rất ngon, nhất là canh tác theo hữu cơ. Trong khi đó, có một số vùng bưởi trẻ, chất lượng quả chưa tốt, giá bán rẻ, dân chán nản không chăm sóc nên chất lượng quả càng suy thoái. Chăm sóc bưởi cũng không khó, chỉ có 4 lần tập trung còn những lần khác rải rác nên vẫn còn thời gian để làm những việc khác. Bởi thế bà con đừng vì ở đâu đó giá bưởi bán rẻ mà lại sinh chán nản, phá đi chuyển đổi sang cây khác. Trong trường hợp mà muốn chuyển đổi thì có thể thu hẹp một phần diện tích, đặc biệt là với những cây trẻ tuổi, ghép cải tạo bằng những giống khác như chanh, quýt, vài năm sau khi không hiệu quả nữa thì có thể quay lại với cây bưởi.

TS Vũ Việt Hưng tập huấn ở hội trường thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Vũ Việt Hưng tập huấn ở hội trường thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đào tạo và đào tạo lại nhiều lần

Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội và Viện Nghiên cứu Rau quả nhiều năm nay đã tập trung phát triển 10 giống bưởi đặc sản cũng như tập huấn cho người dân quy trình kỹ thuật trồng. Chương trình đào tạo tập trung cho các huyện có nhiều bưởi như Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…Phần đầu, giới thiệu cho họ biết tổng quan, cung cấp tài liệu. Phần sau đi lại lần hai, lần ba để trực tiếp vào vườn mà thực hành theo dạng “cầm tay chỉ việc”. 

TS Vũ Việt Hưng đã trực tiếp đứng nhiều lớp học như vậy. Dù đa số biết quy trình rồi tuy nhiên lại chưa áp dụng tốt trong thực tiễn nên phải nói nhiều, chỉ nhiều cho họ hiểu sâu thêm. Trong bối cảnh bưởi đang giá hạ, tâm lý của nhiều người dao động nên ông khi dạy càng phải tác động nhiều hơn để bà con yên tâm giữ bưởi, chăm bưởi. Kết quả khá khả quan, nhiều xã sau được tập huấn thì mẫu mã, chất lượng cũng như giá trị kinh tế của cây bưởi lên cao thấy rõ.

Theo thống kê của Hội nông dân xã Thượng Mỗ tổng thu mỗi năm từ bưởi tôm vàng trên địa bàn được khoảng 100 tỷ đồng, trong đó bình quân mỗi chủ vườn thu từ 50 đến 100 triệu đồng, nhiều nhà thu tới 200-300 triệu đồng như bà Nguyễn Thị Quyền, ông Phan Văn Hào, ông Nguyễn Văn Trung, ông Nguyễn Quang Hợp…Nhờ cây bưởi họ không chỉ nuôi được con ăn học mà còn xây được nhà, mua được đất hay gửi tiết kiệm tích lũy như một quỹ lương hưu lúc tuổi già.

Ông Phan Văn Hào 30 năm trước trồng 6 sào bưởi lúc đầu còn xanh, nay đầu đã bạc nhưng vẫn còn đam mê như thủa nào. Ông chia sẻ bưởi Diễn rất khó tính nên phải chú ý trong cách chăm sóc và đặc biệt là yêu cầu chọn đất khắt khe. May mắn là ở khu Sau Thầy của quê mình có chất đất sỏi ruồi pha gan gà rất phù hợp cho cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển và cho vị quả ăn khác biệt hẳn với những thôn bên, dù khoảng cách chỉ là vài trăm mét.

Thêm vào đó, mấy năm nay ông được Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội tập huấn, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào việc chăm sóc cây, nhờ đó chất lượng quả nâng lên rõ rệt. Trong khi bưởi ở nơi khác ế thì bưởi của nhà ông luôn “đắt như tôm tươi”, khách đến đặt cọc hết từ đầu vụ với giá 45 - 50.000đ/quả loại 1, 25.000đ/quả loại 2. Sau khi đã trừ hết các chi phí, mỗi năm ông lãi khoảng 150-200 triệu đồng.

Vườn bưởi của một nông dân ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn bưởi của một nông dân ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nguyễn Thị Tâm có diện tích vườn bưởi khiêm tốn hơn nhiều so với ông Phan Văn Hào, chỉ hơn 3 sào lại chia làm 2 vườn, trong làng hơn 1 sào trồng giống bưởi tôm vàng tuổi đã lâu năm, ngoài đồng hơn 2 sào trồng giống bưởi tôm xanh được hơn 10 năm. 2 vườn 2 thời điểm thu hoạch hoàn toàn khác nhau bởi bưởi tôm vàng thu vào dịp sát Tết, còn bưởi tôm xanh bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến tháng 11. Tính ra với hơn 3 sào bưởi ấy bà cũng thu khoảng gần 100 triệu đồng mỗi vụ, trừ chi phí vẫn còn lãi 60 - 70 triệu đồng.

Trước đây khi còn làm cán bộ xã, bận bịu suốt ngày nên chỉ cuối tuần bà mới làm vườn được. Từ hồi về hưu bà đã có cơ hội dành hết thời gian, tâm trí và tình yêu cho cây bưởi đặc sản quê mình. Tham dự lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc” của TS Hưng dạy bà thấy rất thú vị bởi trồng bưởi đã lâu năm nhưng bản thân mình vẫn còn những kỹ thuật chưa hề biết. Nay được thầy dạy rồi thì bà sẽ áp dụng ngay trong vụ tới.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung với giá trị kinh tế cao mà các loại bưởi đặc sản là một ví dụ.

Xem thêm
Quốc hội đồng ý chủ trương chi 122.000 tỷ đồng phát triển văn hóa

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thủ tướng đồng ý đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.