Tiêu hủy lợn mắc dịch tả Châu Phi. |
Đến ngày 4/11, DTLCP đã xảy ra tại 32.696 hộ chăn nuôi (chiếm 40,5% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.384 thôn, tổ dân phố/449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã ; làm mắc bệnh và tiêu hủy 541.330 con lợn (chiếm 28,9% tổng đàn) với trọng lượng 37.007 tấn.
Tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 70.765 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố. Đến nay, có 254 xã, phường (chiếm 57% tổng số xã, phường có dịch) và 6 quận (Hà Đông,Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.
Tuy nhiên, do đặc điểm của virus DTLCP và phương thức truyền lây phức tạp nên đến nay Hà Nội có 193 xã, phường dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng tái phát trở lại. Việc tái phát sinh dịch bệnh ở cấp xã chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn ít; nhiều địa phương chỉ phát sinh 1 hộ và đã có 77/193 xã tái phát đến nay đã qua 30 ngày không phát sinh.
Trong 4 ngày (1 - 4/11), DTLCP đã phát sinh tại 86 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 11 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 946 con lợn với trọng lượng 55.333 kg. Sau thời điểm xuất hiện dịch bệnh lần đầu tiên (tháng 2,3/2019), cùng với diễn biến dịch bệnh cả nước thì từ tháng 8/2019 đến nay dịch bệnh phát sinh đã giảm nhiều, cụ thể tháng 10 số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm 2,04% tổng số lợn tiêu hủy.
Vì sao dịch tả tái bùng phát?
1. Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vacxin phòng bệnh. Phòng, chống dịch bệnh chỉ dựa bào thực hiện an toàn sinh học.
2. Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày ở thịt đông lạnh. Virus có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 01 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 - 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.
3. Đường lây truyền và cách thức lây truyền của virus DTLCP rất phức tạp; chưa có nghiên cứu, đánh giá nào cụ thể về việc này.
4. Tổng đàn lợn của Hà Nội khá lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn (800 - 1.000 tấn/ngày) trong khi việc kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn.
5. Luật Thú y không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
6. Việc chỉ tiêu hủy lợn ốm, chết và có kết quả xét nghiệm dương tính đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã gây khó khăn trong kiểm soát, xử lý ổ bệnh và tạo điều kiện phát tán virus.
Các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP thời gian tới
1. Tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP và chỉ đạo của Trung ương, thành phố.
2. Tổ chức triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu tại văn bản số 7075/VP-KT ngày 31/7/2918 của Văn phòng UBND Thành phố về việc thực hiện văn bản số 5169/BNN-TY ngày 22/7/2019 của Bộ NN- PTNT về hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
3. Chủ trì, phối hợp cùng các các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách và tổ chức, triển khai phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
4. Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định.
5. Đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đảm báo đúng kế hoạch, yêu cầu kỹ thuật, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và quản lý tốt việc tái chăn nuôi.
6. Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
7. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động thành phố để tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông tại các trục đường giao thông trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
8. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định.