| Hotline: 0983.970.780

Hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng

Thứ Ba 18/07/2023 , 16:34 (GMT+7)

Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 738.500 tỷ đồng.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: T.N.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: T.N.

Hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ vẫn còn tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến Vành đai 3, 4 TP.HCM chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP.HCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô…

Ông Thắng cho biết, Bộ GT-VT đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Về quy hoạch, Bộ GT-VT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam bộ đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải.  Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.

"Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 342.000 tỷ (trong đó, ngân sách Trung ương bố trí 60.800 tỷ; ngân sách địa phương 29.700 tỷ; vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ đồng; vốn cần huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ); giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa", Bộ trưởng Bộ GT-VT cho hay.

Về đường bộ, tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM.

Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP Hồ Chí Minh hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM; Sớm đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. 

Về đường thủy nội địa, cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TP.HCM đi Kiên Lương, TP.HCM đi Cà Mau, TP.HCM đi Bến Kéo, TP.HCM đi Bến Súc... Đầu tư và nâng cấp các cảng thủy nội địa... để thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng; thực hiện các dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam. 

Về hàng hải, nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn; tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; xúc tiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

Về hàng không, đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, CHKQT Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư CHKQT Long Thành giai đoạn 2; Nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, Cảng hàng không Biên Hòa. 

Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, khu vực và quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các hành lang kinh tế trọng điểm; xây dựng trung tâm logistic hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics gắn với cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng báo cáo tham luận. Ảnh: T.N.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng báo cáo tham luận. Ảnh: T.N.

Chính sách đặc thù vùng Đông Nam bộ

Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, theo ông Thắng, cần chủ động vượt qua 4 thách thức: suy thoái kinh tế toàn cầu, sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn; thiếu vắng những cơ chế, chính sách đột phá, đủ hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và tận dụng triệt để yếu tố thuận lợi.

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT để thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ, cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch Vùng Đông Nam bộ trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GT-VT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 của Vùng; Huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển Vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 98.

Các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng “cảng chờ đường” gây lãng phí nguồn lực...

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.