| Hotline: 0983.970.780

Tạo lập không gian kinh tế chung cho tăng trưởng toàn vùng Đông Nam bộ

Thứ Bảy 18/03/2023 , 19:23 (GMT+7)

Bình Phước Sáng 18/3, UBND TP. HCM và UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Lãnh đạo TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: H.B.

Lãnh đạo TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: H.B.

Tham dự có Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị; Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông; cùng đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh với TP. HCM trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua.

Cũng theo bà Hiền, cùng với việc quy hoạch KCN của tỉnh khoảng 10.000 ha đến năm 2030, tỉnh Bình Phước cũng đã xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch có tính định hướng quan trọng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, đô thị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực đầu tư...

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp liên quan đến quy hoạch, hạ tầng cơ sở, chiến lược phát triển chung của vùng Đông Nam bộ. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tổ chức không gian phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng địa phương để cùng phát triển, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, lợi ích chung của toàn vùng. Đẩy mạnh liên kết và hợp tác giữa các địa phương giúp chia sẻ nguồn tài nguyên, cùng sử dụng chung cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đẩy mạnh phân cấp vùng để hình thành cơ chế riêng nhằm tập trung xử lý các vấn đề quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và huy động phân bổ nguồn lực của vùng.

Lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng, cần trao đổi, tham vấn và hỗ trợ lẫn nhau nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế các tác động xung đột, hạn chế các tác động tiêu cực gây ảnh hưởng đến địa phương khác trong vùng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng môi trường...

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với vai trò là hạt nhân trong liên kết phát triển kinh tế vùng, TP. HCM luôn ý thức sự phát triển của thành phố không thể tách rời và có đóng góp rất lớn của các địa phương vùng Đông Nam bộ và các vùng khác.

Thông qua hợp tác, liên kết vùng, TP. HCM là địa phương được hưởng lợi nhất trong việc mở rộng không gian phát triển, có thêm những ý kiến đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm nhiều mô hình để phát triển các thế mạnh, đặc thù của từng địa phương.

Theo ông Mãi, thời gian qua TP. HCM có nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế xã hội với các tỉnh, đặc biệt trong quy hoạch, hạ tầng giao thông với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Sau khi Chính phủ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, khối lượng công việc của TP. HCM rất lớn, do đó cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các địa phương lân cận.

Trong đó, TP. HCM được giao chủ trì xây dựng, đề xuất với Chính phủ để thực hiện 8 đề án hoàn thành trong 2023 và 8 dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2022-2030.

Do đó, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đề nghị các tỉnh và các doanh nghiệp trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP. HCM nhằm phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.

TP. HCM sẽ hợp tác với các địa phương các lĩnh vực như hợp tác phát triển nông nghiệp, thương mại – dịch vụ; hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghiệp và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.

Để đạt tốc độ phát triển nhanh và bền vững, theo ông Mãi, các địa phương cần phát huy tối đa thế mạnh của ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Đặc biệt, cần chú trọng phát huy tối đa lợi thế của vùng Đông Nam bộ; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; đặc biệt là các giải pháp hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, thiết thực của doanh nghiệp, các địa phương. Qua đó, cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ nhằm tránh để mất cơ hội phát triển của các tỉnh, thành nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.

Ông Nên cũng đề nghị các địa phương cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển. Riêng TP. HCM cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương cùng phát triển. Đặc biệt, cần thực hiện tốt 7 nội dung đã được triển khai hợp tác giữa các đơn vị.

Dịp này, UBND TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đã ký kết văn bản thoả thuận, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025.

Vùng Đông Nam bộ gồm TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, tổng diện tích hơn 23.560 km2, dân số khoảng 18,7 triệu người (thống kê năm 2021). Đây là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hằng năm và 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.

Hà Nội: Dự kiến tổ chức đấu giá hơn 7.000m² đất tại quận Long Biên

Hà Nội giao 9.989,5m² đất tại phường Thượng Thanh cho quận Long Biên để chỉnh trang hạ tầng, đấu giá và xây đường giao thông.