'6 địa phương - 1 điểm đến' trong chiến lược du lịch vùng Đông Nam Bộ. Sản xuất linh hoạt vụ Đông Xuân né mưa lũ. Nhiều nhà vườn lo mai Tết nở sớm. Giá củ kiệu đầu mùa cao gấp đôi năm ngoái.
“6 địa phương - 1 điểm đến” trong chiến lược du lịch vùng Đông Nam Bộ
Ngày 29/11 tại Bình Phước, diễn ra hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch Vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, tốc độ phát triển du lịch Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng văn hóa giàu lịch sử. Do đó, bà Thắng đề nghị cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp “6 địa phương - 1 điểm đến” nhằm làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương, tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ.
Theo thỏa thuận liên kết và hợp tác, giai đoạn 2020 – 2025, các tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác liên kết phát triển du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển du lịch tới các địa phương trong chương trình liên kết. Từ đó, tạo lập không gian du lịch thống nhất của vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn 2020 - 2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73 triệu lượt khách với doanh thu 260.000 tỷ đồng, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế.
Sản xuất linh hoạt vụ đông xuân né mưa lũ
Rút kinh nghiệm từ vụ đông xuân 2021-2022, mưa lớn xảy ra vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2021 đã gây ngập úng, gây mất giống trên một số diện tích mới gieo sạ. Cộng mưa lũ bất thường vào cuối tháng 3/2022 đã làm đổ ngã nhiều diện tích lúa vụ động xuân chưa kịp thu hoạch, kéo giảm năng suất 1,8 tạ/ha, vụ đông xuân năm nay, ngành nông nghiệp Bình Định ứng phó bằng cách triển khai sản xuất linh hoạt theo điều kiện cụ thể từng địa phương. Cụ thể, lịch thời vụ của ngành nông nghiệp Bình Định vụ đông xuân 202-2023 trên chân ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm xuống giống sớm, tập trung từ ngày 25/11 đến ngày 5/12/2022. Chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm xuống giống tập trung từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2022 và chân ruộng trũng thấp xuống giống theo tình hình nước rút, tập trung gieo sạ và kết thúc trước ngày 20/1/2023.
Nhiều nhà vườn lo mai Tết nở sớm
Gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão, nhưng hiện nhiều người trồng mai như "ngồi trên lửa" bởi thời tiết diễn biến bất thường, có thể khiến mai nở sớm. Theo các hộ trồng mai tại huyện Củ Chi, năm nay thời tiết không thuận lợi, đầu tháng 11 đến nay trời âm u, mưa kéo dài khiến nhiều cây bung ra nở hoa. Hai tuần tới, nếu thời tiết không thay đổi thì rất nhiều cây mai chắc chắn đến Tết chỉ còn vài bông Theo các hộ trồng mai ở TP. HCM, để kích cầu, năm nay các nhà vườn sẽ không tăng giá mai dù chi phí chăm sóc tăng cao, sản lượng cung ra thị trường giảm. Trong đó, sẽ ưu tiên bán các dòng mai giá rẻ từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng để phù hợp với túi tiền người lao động.
Giá củ kiệu đầu mùa cao gấp đôi năm ngoái
Hiện củ kiệu đầu mùa tại nhiều tỉnh đang có giá cao gấp đôi năm ngoái nên nhiều người dân và doanh nghiệp buộc phải cân nhắc với kế hoạch chế biến, kinh doanh mặt hàng này dịp Tết Theo đó, một số vườn đang nhổ bán kiệu sống loại kiệu còn nguyên lá với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, khảo sát tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP. HCM giá củ kiệu Huế đang được bán ở mức 70.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm ngoái. Gá củ kiệu Đồng Tháp thậm chí còn lên mức 80.000 - 90.000 đồng/kg. Với mức giá này, một số người khéo tay, chuyên làm củ kiệu ngâm đường, ngâm nước mắm, chua ngọt,… bán Tết cho biết chỉ làm theo đơn đặt hàng vì giá cao, không dễ bán cho khách vãng lai.