| Hotline: 0983.970.780

Hạ tầng, logistics đang cản trở hoạt động xúc tiến thương mại liên vùng

Thứ Ba 27/08/2024 , 14:57 (GMT+7)

Doanh nghiệp có xu hướng thích tham gia các hội chợ, triển lãm lớn bởi có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiềm năng, cũng như khảo sát nhu cầu thị trường.

Tọa đàm Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại do Tạp chí Công thương tổ chức. Ảnh: TCCT.

Tọa đàm Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại do Tạp chí Công thương tổ chức. Ảnh: TCCT.

Từ đầu năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức được 5 hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu tại các vùng kinh tế trọng điểm. 

Thông qua các chương trình này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại nhận thấy sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp. Theo bà, nguyên nhân là bởi họ nhìn thấy những cơ hội mới, môi trường mới để tham gia sâu hơn vào những hoạt động quảng bá, phát triển sản phẩm, thay vì chỉ loanh quanh trong địa phương.

"Những hoạt động xúc tiến thương mại mang tính đơn thương thì không hiệu quả bằng những hoạt động có sự hợp lực và quy mô", bà Thủy nhận xét và nói thêm, rằng cơ quan quản lý, doanh nghiệp đều nhận thức rõ ràng tầm quan trọng và xu thế tất yếu của việc cần chung tay, hợp lực để tham gia vào những hoạt động có tính  liên kết vùng.

Dù vậy, đại diện Bộ Công thương cũng chỉ rõ 4 tồn tại của các hoạt động xúc tiến thương mại trên cả nước hiện nay. Đầu tiên là các mô hình hoạt động không đồng nhất, dẫn đến tình trạng khi triển khai các hoạt động mang tính liên kết thì gặp bất cập trong việc điều phối công việc chung.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng cho xúc tiến thương mại. Theo bà Thủy, hầu hết các tỉnh, thành phố không có nhiều điều kiện để tổ chức những chương trình quy mô lớn.

Ngược lại, doanh nghiệp lại thích tham gia các hội chợ, triển lãm bởi trong không gian này, họ có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiềm năng, có thể mang hàng hóa để quảng bá, giới thiệu một cách hiệu quả, thậm chí thông qua đó để khảo sát nhu cầu của thị trường. 

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: 'Doanh nghiệp ưa thích những hội chợ, triển lãm tầm cỡ'. Ảnh: TCCT.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: 'Doanh nghiệp ưa thích những hội chợ, triển lãm tầm cỡ'. Ảnh: TCCT.

Nguồn lực xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương cũng chưa tương xứng với kỳ vọng của doanh nghiệp, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ nước ngoài. Khi ấy, chi phí gian hàng rất cao. "Nếu doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thì chỉ có những ông lớn mới có thể tham gia", bà Thủy đánh giá.

Khó khăn thứ ba là về yếu tố con người. So với các quốc gia khác, Việt Nam còn hạn chế trong việc tổ chức xúc tiến thương mại một cách bài bản, chuyên nghiệp và khoa học.

Cuối cùng là tính liên kết trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương còn lỏng lẻo. Điều này dẫn tới nhiều hoạt động manh mún, chồng chéo, và chưa kết hợp được nguồn lực của nhau để có được một hoạt động dẫn dắt chung.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Lâm Sáng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn phân tích, ngay tại Hà Nội hay TP HCM, khả năng đáp ứng dịch vụ logistics còn hạn chế. "Giao thông không tốt thì vận chuyển lâu, khiến hàng hóa bị hư hỏng và tác động đến hàng loạt vấn đề khác trong giới thiệu và bán sản phẩm", ông nói.

Là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phục vụ việc giao thương và giới thiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại, logistics không đảm bảo khiến những nông đặc sản nổi tiếng của Bắc Kạn như bí xanh thơm Ba Bể, miến dong Bắc Kạn... chủ yếu được liên kết tiêu thụ tại 6 tỉnh lân cận. 

Dù vậy, ngành công thương Bắc Kạn không nản chí mà tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các HTX, chủ thể OCOP được dịp tiếp xúc qua các kênh liên vùng, giữa tỉnh này với tỉnh kia để tìm hiểu, trao đổi sản phẩm, hàng hóa, trước khi kết nối cùng tiêu thụ các mặt hàng.

Sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn được chế biến thành nhiều món ăn. Ảnh: Ngọc Tú.

Sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn được chế biến thành nhiều món ăn. Ảnh: Ngọc Tú.

Lãnh đạo Sở Công thương Bắc Kạn coi nhiệm vụ xây những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP có tầm quan trọng đa tỉnh. Có nghĩa, hàng hóa trên địa bàn Bắc Kạn sẽ có mặt ở các điểm bán sản phẩm OCOP của tỉnh bạn và ngược lại.

"Miền núi thì cần hàng miền xuôi, nông thôn thì cần hàng hóa đô thị. Riêng Bắc Kạn luôn rất cần những sản phẩm OCOP miền biển thuộc Hải Phòng hay Quảng Ninh", ông Sáng bộc bạch.

Bàn cách tận dụng lợi thế liên kết vùng, Phó giám đốc Sáng khuyến nghị các cơ sở sản xuất phải xây dựng được mạng lưới liên kết, đồng thời thiết lập, duy trì quan hệ đối tác, tích cực tham gia vào sự kiện, hội thảo để mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh.

Cùng với đó, là nắm bắt được các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành liên quan để tìm giải pháp hữu hiệu về tài chính và đào tạo để tiếp cận thị trường. Trên cơ sở đó, theo dõi và phân tích chuyên sâu về xu hướng thị trường; thực hiện chiến lược marketing hiệu quả giúp sản phẩm hàng hóa ổn định, mang tính lâu dài.

"Chúng tôi đang xây dựng những kênh thông tin cung cấp cho doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP biết được thị trường của tỉnh bạn, của các thành phố lớn và cả nước ngoài. Từ đó, họ mới đi vào tổ chức sản xuất và cơ cấu mùa vụ", ông nhấn mạnh.

Tại Bắc Kạn, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tương đối lớn. Vì vậy, ông Sáng kêu gọi các cơ chế tài chính, cụ thể là vay vốn, quan tâm hơn đến đối tượng này bởi hàng hóa liên quan đến mùa vụ rất cần được hỗ trợ nguồn lực trong thời gian ngắn.

Những năm gần đây, liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng trong vùng đã góp phần đưa nhiều thương hiệu nông sản như chè Tân Cương (Thái Nguyên), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương)... có mặt ở khắp thị trường nội địa và được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Người dân có thể đến siêu thị Co.opmart tránh lũ tạm thời

Trong hoàn cảnh bão lũ, siêu thị Co.opmart tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng đã linh động dành sảnh siêu thị để người dân có thể đến sạc điện thoại, uống nước miễn phí.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.