| Hotline: 0983.970.780

'Nhà cháu đi hết rồi! Không còn ai nữa đâu!'

Thứ Tư 11/09/2024 , 18:34 (GMT+7)

Hàng chục người mất tích, bị vùi lấp dưới bùn cát sình lầy chưa được tìm thấy ở Làng Nủ. Mỗi thời khắc trôi qua, những người thân của họ thêm quặn lòng. 

Lớp bùn dày hàng mét vùi lấp các nạn nhân

Sớm 11/9/2024, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, Lào Cai), khung cảnh vắng lặng, tan hoang. Song nhiều người đã có mặt ngóng tin tức người thân. 

Bà Hoàng Thị Nhu ở thôn Chí Ngoài, xã Phúc Khánh có 15 người là anh em bên chồng mất tích, mới tìm được 2 người. Số người còn lại vẫn bặt vô âm tín.

Một nạn nhân được tìm thấy và đưa về nhà. Ảnh: H.Đ.

Một nạn nhân được tìm thấy và đưa về nhà. Ảnh: H.Đ.

Gương mặt bần thần, đến giờ bà vẫn không thể tin đó là thật. Chỉ tay vào phía bãi bùn đất trống, mắt bà đỏ hoe: "Nhà trước ở kia, tôi không gọi điện được nên chạy vào đây thì đã không còn làng. Mấy anh em hôm trước còn ngồi uống chén rượu, ăn bữa cơm, nay ngâm nước bùn thế này thì...".

Men theo dòng nước, lựa đá để đặt bước chân, đoàn người lầm lũi tiến sâu vào bên trong bãi sình lầy. Trời tiếp tục có mưa, nước suối chảy xăm xắp mặt bùn ngày một to, đục hơn, cát nhão hút chân người, hết sức nguy hiểm.

Cùng với lực lượng cứu hộ, thân nhân của người mất tích cố gắng tìm dấu vết còn sót lại với tia hy vọng nhỏ nhoi. Làng bản đã bị san phẳng, chỉ còn rớt lại một vài vật dụng sinh hoạt, con trâu, con bò trương phềnh bụng bị đẩy lên trên. Hầu như mọi thứ ở đây chỉ còn là hoài niệm. 

Bà Hoàng Thị Bóng, người thôn Làng Nủ, đôi lúc lại gào khóc giữa bãi bùn, không biết bới tìm chỗ nào để thấy được thi thể của chồng. Gia đình bà mới xây xong căn nhà cấp 4, vay nợ, nên phải đi làm xa. 

"Tôi đi làm mùng 2, con đi làm mùng 4 tháng này. Hai mẹ con đi làm thì còn sống. Còn chồng tôi... Chưa có máy xúc thì đào thế nào đây?", người phụ nữ nghẹn ngào... 

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ. Ảnh: H.Đ.

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ. Ảnh: H.Đ.

Người ta căn vị trí những ngôi nhà theo đoạn đường bê tông xuyên qua bản còn sót lại đoạn đầu và đoạn ở cuối bản để tìm kiếm. Theo ước tính của những người thoát nạn, bùn đất sạt xuống phải dày từ 5 đến 10 mét, trải dài khoảng một cây số, cao ngập nóc nhà, ngọn cây…

Công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện cứu hộ, cứu nạn được thực hiện rất khẩn trương. Gần trưa, thêm những nạn nhân bị vùi lấp được tìm thấy. Họ được cuốn tạm trong chiếc chăn do bà con quyên góp và khiêng bằng đòn tre, để nằm chờ ở cạnh nhà văn hóa. Hai chiếc xe tải chở hơn chục chiếc quan tài cũng vừa kịp tới nơi, giúp người quá cố an nghỉ.

Không khí tang thương bao trùm toàn thôn, mùi hương, tiếng khóc, tiếng cưa gỗ gấp gáp để đóng hộp cho người thân…

Giữa đám sình lầy, những người phụ nữ này không biết cách nào để tìm thấy người thân. Ảnh: H.Đ.

Giữa đám sình lầy, những người phụ nữ này không biết cách nào để tìm thấy người thân. Ảnh: H.Đ.

Sẽ mất nhiều ngày tìm kiếm

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cùng một số cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. 

Sư đoàn 316 của Quân khu 2 cử 200 người tham gia; 80 chiến sĩ công an cơ động của tiểu đoàn cơ động số 4 tại Lào Cai cũng được điều động đến hiện trường; 200 học sinh Trường Cao đẳng Lào Cai có mặt giúp nhân dân khắc phục thiên tai tại thị trấn…

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho hay, quân số hiện nay gần 500 người và Bí thư Tỉnh ủy là Tổng Chỉ huy về phương án tìm kiếm cứu nạn. Sau khi nghiên cứu nội dung, nắm bắt tình hình và qua kinh nghiệm của người dân, lực lượng tìm kiếm chia hai mũi. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khảo sát hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: H.Đ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khảo sát hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: H.Đ.

Mũi thứ nhất huy động hơn 150 người di chuyển khoảng 6km ra cửa sông Phúc Long đoạn gắn với sông Chảy. Quân khu 2 hỗ trợ xuồng để cơ động bằng đường sông Chảy do không thể đi đường bộ, bị chia cắt. Mũi còn lại tập trung tìm kiếm tại khu vực Làng Nủ với quân số 250 người. Quân khu 2 đã hỗ trợ kịp thời 100 cán bộ, chiến sĩ tiếp cận hiện trường.

Việc tìm kiếm tại khu vực Làng Nủ được đánh giá rất nguy hiểm, địa hình khó tiếp cận, và có thể phải mất nhiều ngày để tìm kiếm nạn nhân… bởi số lượng bùn đất tràn qua làng quá khủng khiếp. 

Trước đó, trong đêm, dựa vào thông tin thu thập từ người dân, cán bộ cơ sở, sơ đồ các hộ dân đã được vẽ lại và đánh dấu nhằm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn hiệu quả hơn.  

Đến thời điểm này, 37 hộ dân với 158 nhân khẩu bị ảnh hưởng, đã xác định có 46 người thoát nạn, 17 người bị thương, trong đó có 5 trường hợp bị thương nặng được bố trí ra bệnh viện tỉnh gấp. Các nạn nhân còn lại tiếp tục được đưa lên tuyến trên điều trị, phối hợp Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chẩn đoán, cứu chữa kịp thời. 

"Chúng tôi xác định có 30 người chết, 65 người còn mất tích. Thiệt hại vô cùng to lớn. Chúng tôi cũng vừa tăng cường tìm kiếm, vừa điều trị người bị thương và ổn định cuộc sống cho bà con…”, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay.

Nạn nhân xấu số được tìm thấy trong sáng nay. Ảnh: H.Đ.

Nạn nhân xấu số được tìm thấy trong sáng nay. Ảnh: H.Đ.

Trở về đã mất tất cả

Ông Hoàng Văn Voi là người thoát nạn nhưng vẫn run rẩy vì chưa hết bàng hoàng, mất tất cả, vợ lẫn con út. Diễn biến chớp mắt, mọi người đều đang ngủ, ai dậy sớm thì mới kịp nhận biết.

“Hôm qua đi cúng ở làng khác, đi theo đường cũng thấy nước lũ to lắm rồi, nhưng không quay lại mà cố đi. Tầm 6h15, nghe thấy tiếng nổ to cứ tưởng trời sấm sét. Gần một tiếng sau mới được báo tin, nhà cháu đi hết rồi, không còn ai nữa đâu. Tôi về nhà thì không thấy gì nữa. Vợ thì mất rồi, con út thì không tìm thấy. Bà với đứa lớn thì nằm viện. Cả đêm qua không ngủ được vì cứ nhắm mắt là thấy vợ con kêu cứu mà không giúp được”, ông Voi lặng đi trong mưa. 

Cũng theo người đàn ông này, trước ông bà, rồi cụ ở đây nhiều đời sống yên ổn, không thấy gì nhưng năm 2008, cách đúng 12 năm thì lại bị. Trước là ngày dương 8/8/2008, đợt này 8/8/2024 ngày âm, nhưng năm 2008 thiệt hại mỗi hoa màu. Còn đợt này xóa hết 37 hộ. Cả đêm qua ông cùng với cán bộ đã rà soát nhà nào có người mất tích, người nào được tìm thấy đưa đi viện…

Có trường hợp, 3 mẹ con sáng đi xem nước lũ, khi thấy đất ục về thì 2 cháu kịp chạy lên cao, mẹ bị ngập ngang bụng may mắn được cứu sống. Sự việc diễn ra quá nhanh, mấy anh em ở cùng làng nhìn thấy những người thân khác bị cuốn trong bất lực. Chỉ kịp vẫy tay chào nhau lần cuối, không thể cứu giúp. 

Người đàn ông khóc ngất bên thi thể con mà không thể nhìn mặt lần cuối. Ảnh: H.Đ.

Người đàn ông khóc ngất bên thi thể con mà không thể nhìn mặt lần cuối. Ảnh: H.Đ.

Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, chứng kiến trận lũ quét khủng khiếp. Bị vùi lấp đều là những người thân, bạn bè sinh sống cùng nhau. Ông Diệp mặt phờ phạc nhớ lại, rạng sáng ngày 10/9 thì bắt đầu có mưa to, trước đó thì mưa từng đợt nhỏ. Sau khi mưa to tầm 30 phút thì có lũ nhưng cũng không to lắm. 

“Tầm 6h tôi nghe thấy một tiếng nổ rất to, đất bung lên trời. Chúng tôi đứng ở xa nhìn thấy bùn đất bay lên trên cao hàng trăm mét rồi đổ ập xuống khu nhà các hộ dân. Tôi gọi bà con vì điện và sóng điện thoại bị cắt hết, tìm kiếm cứu được khoảng hơn 10 người đưa đi cấp cứu”, ông Diệp thuật lại.

Khoảng 6h sáng 10/9, vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, Lào Cai), vùi lấp toàn bộ. Làng Nủ có tổng số 37 hộ, tương đương 158 nhân khẩu; trong đó, người trên 70 tuổi có 3 người; trẻ dưới 6 tuổi có 18 trẻ; trẻ dưới 14 tuổi có 14 trẻ.

Thông tin từ UBND huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), đến 14h ngày 11/9, tại Làng Nủ đã xác định 30 người tử vong; đang điều trị 17 người; đã an toàn 46 người; số người chưa xác định (mất tích) là 65 người.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Quy chế bầu cử trong Đảng

Sáng 15/11, tại Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Đảng ủy Bộ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Quyết định 190-QĐ/TW ngày 10/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.