Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hải Phòng (Sở NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của thành phố với các Trung tâm thương mại, siêu thị và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Tại hội nghị, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản các địa phương cùng các doanh nghiệp tham dự đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và bày tỏ mong muốn được kết nối để có thể bán sản phẩm của địa phương mình sang địa bàn khác thuận lợi hơn, với phương châm tất cả đều có lợi.
Bà Trần Thị Nghĩa – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hải Phòng cho biết, trên toàn địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có trên 340 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và muối được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có trên 190 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản.
Để thực hiện các hoạt động kết nối, hỗ trợ quảng bá tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên kết nối với các sự kiện, hội chợ do các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và của các tỉnh thành phố tổ chức.
Thông qua các hoạt động kết nối, nông sản và các sản phẩm OCOP của Hải Phòng đã được tăng cường giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng của thành phố và của các tỉnh thành phố trên cả nước. Đến nay, Hải Phòng đã phối hợp với sàn thương mại điện tử để kết nối, giới thiệu trên 300 mã sản phẩm của hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời đã cung cấp danh sách các sản phẩm OCOP từ 3 sao, các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào có uy tín, danh sách các cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp.
"Hội nghị được tổ chức với mục đích kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố với các TTTM, siêu thị và kết nối với doanh nghiệp các tỉnh. Hy vọng thông qua đây với những chia sẻ cụ thể, chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo lĩnh vực an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường”, bà Trần Thị Nghĩa chia sẻ.
Ông Lê Hồng Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm OCOP, chương trình đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân. Nhiều sản phẩm đặc trưng, đã tạo thương hiệu cho từng vùng, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: cá rô Tổng trường, cơm cháy Ninh Bình, Trà hoa vàng Cúc Phương, các sản phẩm từ tinh bột nghệ,…
Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay đang có điểm nghẽn về chế biến và tiêu thụ. Do đó, vấn đề đặt ra đòi hỏi có sự hỗ trợ, kết nối, giao thương giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh để tối ưu hóa quá trình sản xuất, tái sản xuất, đảm bảo từ khâu sản xuất đến trao đổi, tiêu dùng được tiến hành thuận lợi, an toàn và hiệu quả cao nhất.
Chia sẻ tại hội nghị các doanh nghiệp cơ bản đều khẳng định đã có chỗ đứng trên thị trường, đã có được “tệp” khách hàng riêng, hướng đi riêng và đầu ra sản phẩm ổn định. Tuy vậy, về quy mô sản xuất so với tiềm năng còn hạn chế, thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp và việc quảng bá, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội chưa thực sự hiệu quả, cần được chia sẻ thêm kinh nghiệm từ các địa phương cũng như hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Lê Tiến Việt – Giám đốc Công ty TNHH Sovi chia sẻ, đơn vị có sản phẩm cá mòi kho Làng Chài đã được cấp chứng nhận đạt OCOP 4 sao, là sản phẩm tiêu biểu của xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy và thành phố Hải Phòng. Việc tiêu thụ sản phẩm thời gian qua diễn ra ổn định, mỗi tháng công ty ông tiêu thụ hết 6 tấn cá mòi, tháng cao điểm lên tới 9 tấ, lợi nhuận thu được từ các sản phẩm chế biến dao động từ 100-200 triệu đồng. Tuy vậy, để tăng trưởng thêm là rất khó do nhiều yếu tố.
Do đó, tại hội nghị ông Việt mong muốn có sự kết nối giữa doanh nghiệp chế biến các địa phương để có thể đưa sản phẩm của địa phương này bán sang thị trường khác và ngược lại. “Nếu chúng ta phối hợp được thì đây là phương pháp cộng sinh, tất cả đều có lợi”, ông Việt khẳng định.
Trong khi đó đại diện cho các doanh nghiệp tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Bắc Linh - Giám đốc Công ty CP sữa và giống bò sữa Mộc Bắc chia sẻ, đơn vị cung cấp sản phẩm từ sữa bò nhiều năm nay, đã đưa vào siêu thị tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành nhưng tại Hải Phòng thì chưa có. Đây là thị trường lớn, rất tiềm năng nên doanh nghiệp này rất thiết tha đưa được sản phẩm về tiêu thụ ở Hải Phòng.
Trên cơ sở nguyện vọng của các địa phương và doanh nghiệp, tại hội nghị Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hải Phòng và các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác ATTP, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản.
Cùng với đó, tại hội nghị đã có 5 doanh nghiệp ký kết ghi nhớ hợp tác trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP giữa các doanh nghiệp với siêu thị, giữa các doanh nghiệp của Hải Phòng với các doanh nghiệp các tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hải Phòng cho biết, siêu thị sẽ ưu tiên các sản phẩm do người Việt Nam sản xuất, nhất là các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Ông Phúc bày tỏ mong phối hợp, hợp tác được nhiều sản phẩm của nhiều địa phương và khẳng định “Việc đưa được các sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị sẽ giúp cơ sở sản xuất bán hàng tốt hơn bởi các chương trình khuyến mại như: giảm giá hoặc cho khách hàng dùng thử,…”