| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Hai cái mắc võng trên tường và nỗi lòng của những người ở lại Tả Trạch

Thứ Hai 03/10/2022 , 10:28 (GMT+7)

Ngủ trong phòng anh Ngô Thông- nguyên lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5-đơn vị quản lý hồ Tả Trạch, thấy hai cái mắc võng mà lòng xót xa…

Empty

Tổ quản lý nước hồ Tả Trạch đang mở cửa cánh phai trong cơn mưa lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bao người đã dứt áo ra đi

Sáng ra, tôi lại cùng với Hồ Quý Lâm-một chàng trai trẻ trong Tổ quản lý nước của Ban Quản lý Khai thác hồ Tả Trạch (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ra mở cửa cánh phai.

Bài liên quan

Cánh cửa khổng lồ nặng đến vài chục tấn từ từ chuyển động theo một quy trình đặc biệt cứ nâng lên 1/2m lại dừng nên phải rất lâu sau mới hoàn tất. Gió hất mưa vào mặt chúng tôi rào rào trong chừng một tiếng đồng hồ, nhưng có là gì khi suốt một tuần của mùa lũ năm 2020 cán bộ, công nhân của Ban phải chịu đựng cảnh mưa gió tơi bời, giấc ngủ bị cắt xén đến mức khi buồn ngủ quá chỉ dám dựa vào tường ngả lưng một chốc lát.

Đặc biệt là anh Ngô Thông đã gần như thức trắng cả một tuần, mệt đến nỗi phải húp cháo loãng cầm hơi nhưng vẫn không rời vị trí của một người chỉ huy việc điều tiết nước.  

Lúc tôi đến, mực nước hồ Tả Trạch đã được Ban đưa về mức thấp nhất để sẵn sàng cho mùa mưa lũ, mà đáng lo nhất là cơn bão số 4 đang sầm sập cập vào bờ biển Đông. Từ trên mặt xả tràn, ở độ cao 54m, nhìn xuống bên dưới tôi đã cảm thấy chóng mặt, tim đập nhanh nhưng Lâm cười cứ như không.

Đời công nhân vận hành như Lâm vẫn thường phải leo từ trên cao xuống hai cái càng cửa van cung rộng chừng 30cm, ngồi bệt để hạ thấp trọng tâm, hai tay cầm hai bên mép thanh càng mà trượt giống một con thằn lằn đang bám vào bờ tường vậy.

Nhiệm vụ của họ khi thì đưa những khúc gỗ trôi ra khỏi mặt đáy, khi thì dọn một đống rều rác mới tấp vào. Trời nắng đã nguy hiểm, có lần đội thi công của nhà thầu đang sơn cánh cống thì gặp mưa, thiết bị vẫn còn nguyên ở bên dưới, anh em trong tổ của Lâm phải bò xuống để mà dọn dẹp.

Phía bên kia cánh cửa là cả trăm triệu m3 nước áp lực cao, chỉ muốn được bung ra, thét gào. Có những lúc mà cả 5 cửa xả mặt và 5 cửa xả sâu của hồ Tả Trạch cùng mở một lúc, người công nhân ở trong hầm đi lại giữa 2 tầng nước đang gầm réo. Vất vả là thế, thường xuyên phải làm cả ngày thứ bảy nhưng mức lương của cán bộ, công nhân ở đây lại tựa như đám bọt bèo trên sóng nước.

Empty

Những lúc mưa lũ, anh em vận hành hồ Tả Trạch phải luôn ở nhà điều hành, khi mệt chỉ còn cách dựa lưng vào tường nghỉ như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Quý An-Phó Ban Quản lý Khai thác hồ Tả Trạch than thở: “Hồ tả Trạch được hoạt động theo Pháp lệnh số 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 126 của Chính về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nên được thực hiện nghiêm ngặt hơn so với Luật Thủy lợi. Để quản lý công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia đơn vị phải tốn rất nhiều công sức, phải thường xuyên kiểm tra, canh gác không cho người dân bên ngoài vào.

Hiện tại, không tính kiêm nhiệm, Ban chỉ có chưa đầy 20 người, chia ra làm 4 tổ gồm tổ kinh tế tổng hợp, tổ bảo vệ, tổ quản lý công trình, tổ quản lý nước. Riêng tổ bảo vệ theo định biên phải có 17 người nhưng chưa bao giờ đạt được số lượng đó, cao điểm thì được 11 người, giờ chỉ còn 8 người, 4 ở đập chính, 4 ở đập phụ cách đó chừng 20km nên rất mỏng.

Trong khi đó, đề án thành lập Công ty TNHH Nhà nước một thành viên hồ Tả Trạch có 76 người đã được cấp trên phê duyệt nhưng chưa đi vào hoạt động được vì chưa định giá được tài sản đất đai, vốn điều lệ cũng chưa có. Bởi thế mà chúng tôi làm việc thì theo Luật doanh nghiệp nhưng ăn lương lại theo hệ số đơn vị sự nghiệp, cực kỳ thấp, trung bình được cỡ 5 triệu/tháng.

Empty

Hồ Tả Trạch nhìn từ trên cao vào mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Phong.

Điều kiện làm việc về thời gian nhiều, quãng đường đi lại xa, từ thành phố Huế xuống đây hơn 20km, từ các huyện xuống 30 - 40km, mức thu nhập không đảm bảo cuộc sống nên từ năm 2018 đến nay đã có 7 công nhân lẫn kỹ sư xin nghỉ. Anh chỉ nghĩ đơn giản thế này, một thợ hồ công ngày 300.000 đồng mà nửa sáng chủ còn đãi cái này cái kia, nửa chiều đãi cái này cái kia, làm xong tối ngày lại đãi cái này cái kia.

Còn chúng tôi, tiếng là làm ở công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, trách nhiệm nhiều nhưng đồng lương thì vẫn như bình thường, không có một ưu đãi gì hơn cả. Trước mỗi lá đơn xin nghỉ việc như thế, tôi thường cũng động viên nhưng một khi họ đã dứt khoát ra đi thì mình phải giải quyết nhanh nhất để anh em có điều kiện đi tìm một công việc mới, tuy trái nghề nhưng mức sống cao hơn”...

Empty

Trong hầm sâu của tràn xả lũ hồ Tả Trạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Sự-Tổ trưởng Tổ quản lý Kinh tế kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ thâm niên mới mấy năm nên lương chỉ hơn 4 triệu. Nhà anh ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, cách hồ Tả Trạch 750km thành ra phải 2 - 3 tháng mới về được 1 lần, đợt dịch Covid 19 thì đúng 1 năm tròn mới đặt chân tới nhà, thấy con mình trông đã lớn khác hẳn.

Lương của bảo vệ lẫn kỹ sư thâm niên 10 năm ở đây chỉ khoảng 5 triệu, trong khi hầu hết đều ở xa 20 - 40km, tiền xăng xe, tiền ăn, tiền điện thoại, có khi cuối tháng về ngập ngừng đưa cho vợ được chừng 1-1,5 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2022 tới nay đã có 3 người xin nghỉ gồm Hà Thúc Bình nghỉ tháng 3, Dương Quốc Dũng nghỉ tháng 4, Nguyễn Đình Quang nghỉ tháng 9.

Tiếc nhất là trường hợp của Hà Thúc Bình-Tổ quản lý nước. Anh em ra sức giữ bởi Bình rất yêu nghề, tận tâm với công việc, như đợt lũ năm 2020 đã tình nguyện ở lại hồ đến 20 ngày để điều tiết nước. Họ động viên rằng sắp tới lên công ty, lương sẽ cao hơn nhưng những chuyện đó thì xa xôi quá, vì cuộc sống trước mắt anh vẫn phải ra đi…

Empty

Tràn xả lũ của hồ Tả Trạch nhìn về phía hạ du, mùa nước cạn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hầu hết người làm ở hồ Tả Trạch đều mang trên mình khuôn mặt già hơn tuổi ít nhất 5 - 7 năm bởi lam lũ, bởi sức ép công việc, bởi lương thấp nên ngày nghỉ về nhà lại phải tranh thủ đi phát rừng, phát rẫy hay làm ruộng phụ đỡ vợ con.

Ông già ngày ngày đi xe máy gần 100km đến hồ

Người xin nghỉ, người thì bị bắt tạm giam nên ông Huỳnh Hiệp, nguyên Phó Ban Quản lý Khai thác hồ Tả Trạch, đã nghỉ hưu từ đầu năm 2022 nhưng vẫn được trưng tập làm cố vấn để vận hành bởi chỉ còn ông là giàu kinh nghiệm nhất. Vậy là ngày ngày, ông phải đi xe máy từ nhà ở huyện Quảng Điền cách hồ hơn 40km đến làm việc, rồi chiều tối lại hối hả trở về vì ở nhà còn mẹ già, trong khi vợ đã đi bế cháu cho con tận trong Nam.

Lúc tôi gặp, ông vẫn tùm hụp áo mưa đội mưa gió đến với hồ Tả Trạch đúng giờ bắt đầu làm việc. Nếu không bởi tình yêu nghề thì chắc sẽ không bao giờ ông lại rời nhà, rời mẹ già, mỗi ngày vượt gần 100km đường vất vả đến như vậy chỉ với mức lương cố vấn 6 triệu: “Anh Ngô Thông là người có nhiều kinh nghiệm vận hành hồ Tả Trạch nhất thì đã bị bắt, tạm nghỉ, người thứ hai có kinh nghiệm là tôi thì nghỉ hưu từ đầu năm. Lúc đó đang là mùa khô, cũng khá yên tâm nhưng bây giờ vào mùa mưa bão, anh em lại gọi lên đề nghị giúp từ tháng 9 đến tháng 12 nên tôi làm sao dám chối từ”, ông Hiệp nhỏ nhẹ giải thích bằng chất giọng Huế đặc sệt.

DSC_2591

Ông Huỳnh Hiệp - nguyên Phó Ban Quản lý Khai thác hồ Tả Trạch hiện đang làm cố vấn về vận hành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tối đó, tôi ngủ trong phòng của anh Ngô Thông - nguyên Quyền Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 - đơn vị quản lý hồ Tả Trạch, nhìn thấy hai cái mắc võng trơ trọi trên bức tường trắng xóa mà lòng không khỏi xót xa.

Cán bộ, công nhân viên ở đây đều kể, anh là người giỏi chuyên môn, lại thương cán bộ, công nhân viên, sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mua thứ gì đó cho tập thể cùng dùng. Bởi thế khi nghe tin anh bị bắt, thấy ảnh anh đang mặc bộ quần áo nhàu nhĩ đứng giữa vòng vây của những sắc phục công an, họ sốc mất vài tháng, một số dấm dứt khóc, nhiều người còn không muốn làm việc, chới với đến mấy tháng trời mới trở lại cân bằng.

Số là một công ty khi xây dựng hồ Tả Trạch có thừa một đống đá nhưng không chuyển đi ngay mà để mấy năm sau mới xin phép để đem sang thi một công dự án khác. Nhưng vì nằm trong phạm vi bảo vệ 500m tính từ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, khi chưa có đủ giấy phép, chưa đủ căn cứ pháp lý công ty đó đã chuyển 2.529m3 đá nên vẫn là vi phạm.

Bởi thế mà công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam anh Thông vào chiều 30/11 năm 2021… Anh em ở Ban bảo rằng, nếu như hồ Tả Trạch không phải là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì đã không xảy ra chuyện. Nhưng cuộc đời này tiếc thay không có từ nếu.

19

Đo độ lún của đập. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi rời Tả Trạch vào một sớm mai, lòng hồ sương bay mịt mù như khói tỏa. Dưới những quả đồi xanh thẫm, cả ngàn con cò đậu trắng, tít trên tận trời cao tiếng chim tạo tạo kêu vít vít liên hồi. Cảnh vật thật bình yên nhưng trong lòng người đang giữ hồ Tả Trạch đang có những con sóng dữ dội, đấu tranh với nhau rằng ở lại bám trụ công trình hay bỏ việc để ra đời bươn bả mưu sinh.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.