| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Nếu không có hồ Tả Trạch, thành phố Huế sẽ ngập sâu thêm hơn 1m

Thứ Sáu 30/09/2022 , 20:31 (GMT+7)

Nếu không có hồ Tả Trạch thì lũ năm 2020 theo tính toán của Bộ NN-PTNT, TP Huế sẽ ngập thêm 1,2m, còn theo tính toán của tỉnh sẽ ngập thêm 1,09m.

Empty

Ông Huỳnh Hiệp nguyên là Phó Ban Quản lý khai thác hồ Tả Trạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dưới chuẩn nhưng vẫn là công trình an ninh quốc gia

Bài liên quan

Ông Huỳnh Hiệp nguyên là Phó Ban Quản lý khai thác hồ Tả Trạch bảo với tôi như thế. Không chỉ nhà dân của khoảng nửa triệu dân TP Huế và vùng phụ cận được cứu mà những đền đài, lăng tẩm di sản của thế giới đã thoát khỏi thảm cảnh chìm sâu dưới nước.

Nhiều lão thành trong ngành thủy lợi ở Huế vẫn còn nhớ chuyện từ những năm 90 của thế kỷ trước, có đoàn khảo sát của Nhật đã đến Tả Trạch dựa theo tài liệu của thời Pháp thuộc để lại.

Theo họ, tại vị trí để xây dựng công trình trên núi có những vết nứt nên quyết định không đầu tư nữa. Sau đợt lụt lịch sử năm 1999, Việt Nam tiếp tục cho khảo sát kỹ địa chất ở khu vực thì thấy thực ra đó không phải là núi bị nứt mà là đá xen kẽ với đất, hoàn toàn có thể xây dựng được đập nhưng phải có biện pháp thi công phù hợp.  

Theo anh Nguyễn Quý An - Phó trưởng Ban quản lý khai thác hồ Tả Trạch, công trình này có hàng loạt vai trò quan trọng như: Cắt lũ đầu vụ và lũ tiểu mãn; giảm lũ chính vụ; cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Huế và công nghiệp; cung cấp nước cho 34.782ha nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hương, đẩy mặn, giữ nước ngọt và cuối cùng là phát điện với công suất 21 MW.

Hồ Tả Trạch nằm ở tại xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được khởi công xây dựng từ tháng 11/2005 đến năm 2017 thì hoàn thành, có tổng mức đầu tư 3.680 tỷ đồng, tuổi thọ dự tính 100 năm, sức chứa 646 triệu m3, với đập đất có chiều cao 60m, lớn nhất Đông Nam Á ở thời điểm đó.

Lúc đầu người ta định bàn giao hồ Tả Trạch cho Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế. Hồ sơ cơ bản Công ty này đã tiếp nhận, người của đơn vị cũng đã sang để chuẩn bị cho việc tiếp quản, vận hành.

Nhưng đến tháng 2/2017 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 166 đưa hồ Tả Trạch vào danh sách công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mới giao cho Bộ NN-PTNT quản lý.

Empty

Hồ Tả Trạch vào mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Phong.

Anh An nhớ lại: “Khi đang xây dựng hồ Tả Trạch, đơn vị tư vấn cùng chủ đầu tư đã phối hợp với công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có viết một đề án gửi lên Bộ Công an, Bộ NN-PTNT xin đưa vào danh sách công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Quá trình xem xét mất mấy năm. Khi đó có 3 công trình thủy lợi trên cả nước là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia gồm hồ Cửa Đạt ở Thanh Hóa, hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh và hồ Tả Trạch ở Huế.

Điều kiện để một hồ thủy lợi được xét vào công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thường sức chứa phải trên 1 tỉ m3 trong khi Tả Trạch chỉ là 646 triệu m3. Tại sao lại phải đưa hồ Tả Trạch vào? Bởi nó là túi nước khổng lồ nằm ngay trên đầu thành phố Huế - thành phố di sản đã được Unesco công nhận. Bởi vậy phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ Tả Trạch, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ 1.000 năm.

Empty

Hồ Tả Trạch đang xả lũ. Ảnh: Ban Quản lý khai thác hồ Tả Trạch.

Trở lại trận lũ lịch sử năm 2020 nếu không có hồ Tả Trạch, cả TP Huế sẽ ngập sâu thêm khoảng 1m. Khi mà mực nước đang ở mức thấp, dâng lên 20 - 30cm người ta có thể cảm thấy bình thường. Nhưng khi mà mực nước đã chạm ngưỡng, hết sức chịu đựng của con người rồi thì chỉ cần dâng thêm 10cm đã là kinh khủng rồi chứ không nói cả 100cm.

Sau đó, để chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế và làm lễ truy điệu cho 13 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh ở Rào Trăng, được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và tỉnh, hồ Tả Trạch đã không xả nước để cho TP Huế cạn nước, đường lộ ra xe cộ đi lại được. Tại thời điểm đó mực nước hồ +45,6m, dù không có nguy cơ mất an toàn công trình, tình hình kiểm soát được nhưng đã gây ngập lụt một số cây trồng vùng đầu nguồn tại huyện Nam Đông từ cao trình +45m  đến cao trình +53m khiến cho có nhiều ý kiến gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị giải quyết”.  

Trước đó, khi vào mùa kiệt mỗi năm sông Hương trung bình bị cạn 2 tháng, có thời điểm lưu lượng chỉ 4 - 5 m3/s khiến cho các dòng sông nhánh cũng cạn theo. Bởi thế, không có hồ Tả Trạch, không thể tạo nguồn cho sông Hương vào mùa kiệt theo yêu cầu là phải 25 m3/s.

Empty

Hồ Tả Trạch vào mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Phong.

Ký ức lũ dữ không bao giờ phai nhạt

Anh Phan Thanh Long - Tổ trưởng tổ quản lý nước của hồ Tả Trạch kể, từ ngày 7/10/2020, lũ dữ dội, nước dồn dập từ thượng nguồn đổ về. Toàn Ban quản lý trực 100% quân số. Tổ của anh khi đó chỉ có 4 người, phân ra 1 người trực cập nhật liên tục thông tin thủy văn để báo cáo đi các nơi, khi nhận được lệnh thì có người trực tiếp xuống hiện trường để nâng cửa, điều tiết lũ bởi nếu không kịp thì trong vòng 2 tiếng nước sẽ tràn qua, không mở cửa được, nước trong hồ dâng cao sẽ rất nguy hiểm. Công nhân trong tổ thay nhau ngủ mỗi tối chỉ được 1 - 2 tiếng. Thiếu ngủ nên đặt báo thức chuông kêu inh ỏi có khi cũng không biết mà người khác phải gọi dậy: “Ra mở 2 cửa xả tràn!”.

Vậy là không kịp rửa mặt, đánh răng, họ chỉ kịp khoác bộ quần áo bảo hộ, chụp cái mũ lên đầu rồi chạy. Vừa ra đến bên ngoài là mưa gió thốc vào mặt, tỉnh ngay cơn buồn ngủ. Những lúc đó, anh Long luôn thấy phòng anh Ngô Thông - Quyền Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5, đơn vị quản lý trực tiếp hồ Tả Trạch lúc nào cũng sáng đèn. Nhìn sang thì thấy anh ngồi ở bàn làm việc với cái máy laptop đặt kế bên, khi nhận được thông tin, thường xuyên nhắc nhở cán bộ cập nhật số liệu để tăng hoặc giảm lưu lượng xả về hạ du.

Empty

Một góc của hồ Tả Trạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phòng có giường nhưng anh Thông không dám nằm vì cái tủ kê ngay đó sẽ chắn mất tầm nhìn ra màn hình laptop đặt trên bàn, không nhìn được số liệu, sợ sẽ ngủ quên thiếp đi. Bởi thế anh mới nhờ anh em đóng 2 cái móc vào tường, mắc võng lên, khi nào mệt quá thì nằm ngả lưng, đung đưa một tí rồi lại bật dậy cập nhật số liệu trên máy tính, tiếp tục chỉ đạo điều hành hồ Tả Trạch. Mệt đến mức anh Thông còn không ăn được cơm, phải thường xuyên húp cháo. Anh em không được về nhà trong khoảng 1 tuần thì lãnh đạo Ban như anh Thông, ông Hiệp là 21 ngày liên tiếp, khi ở phía hạ du đã thực sự được an toàn.

Empty

Cảnh bình yên bên bờ hồ Tả Trạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trước đợt lũ năm đó, mực nước hồ đang thấp đúng theo quy trình, cao trình đạt 24m, nhưng sau đó, lưu lượng nước về rất lớn, rất nhanh, kỷ lục nhất là 3.800 m3/s trong khi năm bình thường chỉ 500 - 700 m3/s. Thường thường sau mỗi đợt lũ, nước lên rồi xuống nhưng đợt đó, từ chiều 7/10 đến 18/10/2020 có tới 5 đỉnh lũ, xuống, lên liên tục. Nhiều người phải luân phiên nằm nghỉ, ai ngủ được thì ngủ, nhưng khi có mưa đột xuất hay lưu lượng về đột xuất phải bật dậy để mà điều tiết. Điều tiết lũ không ở trên nhà mà anh em phải ở luôn cửa đập, nằm trải bạt ra cái nhà vận hành rất chật chội (rộng chừng 10m2 trong đó có chứa nhiều máy móc - PV). Lúc đó tôi là Phó Ban ở liên tục tại công trình 21 ngày đêm không về để điều hành chung, giúp việc cho anh Thông, cũng 21 ngày không về.

Nhà tôi ở vùng trũng thuộc huyện Quảng Điền, vợ làm ruộng. Khi tôi không về được, vợ có bỏ lúa vào nhà, kê lên cao rồi nhưng vẫn ngập, ướt mất 6 tạ. Về nhà, tôi phụ vợ mang lúa ra phơi, do ướt kéo dài nên mọc mầm hết. Nhà riêng thì không cứu được lúa nhưng toàn tỉnh thì giảm được phần nào thiệt hại do lũ, âu đó cũng là niềm an ủi”. Ông Hiệp bảo.

“Thời điểm lũ năm 2020 phải xả tất cả cửa của hồ. Tiếng ồn của máy, của nước cứ u u như tiếng cánh quạt trực thăng bay ngay trên đầu, bọt nước bắn xa hàng vài trăm mét như mưa rào khiến cho nhiều người sợ xanh mặt. Nhưng công nhân thì vẫn bám lấy nhà vận hành mà làm, khi người này quá mệt thì trải áo mưa nằm ngả lưng một chút để cho người khác thay. Thiếu ngủ mà không buồn ngủ cộng thêm mệt mỏi làm cho người nào cũng lâng lâng như say rượu. Ăn khó nuốt, mắt cay xè, mồm khô khan, đầu óc trống rỗng, thậm chí còn lẫn đến mức đi trực có khi quên cả chìa khóa hay đèn pin. Năm 2017 anh Trần Công Cảm sau khi phải trực 10 ngày liên tiếp lũ như thế, đã kiệt sức đến mức phải nằm viện”, anh Nguyễn Xuân Sự - Tổ trưởng Tổ quản lý kinh tế kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ kể.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cứu kịp thời một ngư dân trôi dạt trên biển

Quảng Ngãi Trong lúc đang đánh bắt cá thì gặp sóng lớn khiến thuyền thúng bị lật, sau một thời gian trôi dạt trên biển, ngư dân gặp nạn đã được ứng cứu kịp thời.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.