| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

'Mực nước vàng' và phương án quây đập giữ làng của Hồ Bản Mồng

Thứ Tư 28/09/2022 , 10:31 (GMT+7)

Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An, trong phương án thiết kế chứa đựng nhiều yếu tố đặc biệt, chưa từng có ở Việt Nam.

Empty

Hồ Bản Mồng là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 của Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Ảnh: Tùng Đinh.

Đi tìm "mực nước vàng"

Bài liên quan

Hồ chứa nước Bản Mồng, lấy tên theo Bản Mồng, thuộc xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), nơi xây dựng con đập chính của công trình, chặn ngang sông Hiếu. Từ Vinh, đi ô tô dọc theo QL 1A ra phía Bắc rồi rẽ vào QL 16 sau đó là QL 48A lên hướng Tây, hết khoảng hơn 2 tiếng sẽ đến được hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An. Hồ chứa nước có dung tích 225 triệu m3 này là công trình do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Ban 4 - PV) của Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư.

“Từ QL 48A vào đến đập khoảng 2km, trước đây khi mới ở giai đoạn khảo sát, anh em kỹ thuật phải leo núi, đi xuyên rừng mất khoảng 3 tiếng mới đến nơi”, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban 4 kể lại khi đang lắc lư trên chiếc xe 7 chỗ tiến vào nhà điều hành của dự án, nằm gần chân đập. Do các lý do khách quan, công trường Hồ chứa nước Bản Mồng tạm dừng thi công khoảng gần 2 năm nay, bây giờ tại nhà điều hành chỉ còn khoảng hơn chục cán bộ của các nhà thầu đang tập trung xử lý các công việc giấy tờ.

Sau khi chào hỏi các cán bộ nhà thầu đang cặm cụi làm việc, ông Thịnh bắt đầu chia sẻ về quá trình đánh giá, khảo sát cho đến thiết kế, thi công hồ thủy lợi quy mô lớn nhất Nghệ An. “Đặc điểm chung của các công trình thủy lợi nói chung và hồ chứa nói riêng là khi hoàn thành sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi, cả ở hạ du lẫn thượng nguồn”, Giám đốc Ban 4 nói.

Theo ông, quá trình thiết kế Hồ chứa nước Bản Mồng gặp không ít khó khăn, nguyên nhân là phải tìm ra được phương án vừa đảm bảo nhiệm vụ cắt lũ, tưới tiêu vừa ít ảnh hưởng nhất đến cộng đồng dân cư phía thượng nguồn.

Vấn đề đầu tiên khi triển khai công trình là tìm phương án dẫn dòng thi công để có được chi phí rẻ nhất, ý tưởng ban đầu được đưa ra là không đào kênh phụ để nắn dòng sông Hiếu mà chấp nhận để lũ tràn qua công trình vào mùa mưa.

“Nếu làm như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí đào kênh nhưng lại vô cùng rủi ro vì đặc điểm của miền núi Nghệ An là độ dốc lớn, lũ về nhanh. Chưa kể, phía thượng nguồn có một vài thủy điện nên khi gặp lũ họ buộc phải xả, khi đó lưu lượng nước đổ về công trình sẽ cực lớn. Do đó phương án này bị hủy”, ông Hoàng Xuân Thịnh phân tích.

Khó khăn tiếp theo của Hồ thủy lợi Bản Mồng là khối lượng ngập lụt của phần lòng hồ rất lớn. Điều này buộc đơn vị thiết kế công trình đầu mối phải tìm ra được “mực nước vàng”, vừa đảm bảo quy mô thể tích vừa giảm tối đa áp lực giải phóng lòng hồ và di dân, tái định cư.

Empty

Việc đưa các mực nước về cùng cao độ giúp giảm được một lượng lớn áp lực di dân, tái định cơ ở thượng nguồn của Hồ Bản Mồng. Ảnh: Tùng Đinh.

“Mỗi hồ chứa đều có 3 mực nước, đầu tiên là mực nước dâng bình thường, được duy trì sau lũ để đảm bảo tưới cho hạ du, thứ hai là mực nước lũ thiết kế đảm bảo khi lũ về, thứ ba là mực nước lũ kiểm tra, cao hơn lũ thiết kế nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho công trình”, lãnh đạo Ban 4 lý giải thêm.

Với những yêu cầu trên, sau rất nhiều hội thảo, nghiên cứu, Hồ chứa nước Bản Mồng được thiết kế theo phương án đặc biệt, chưa từng được áp dụng trên công trình thủy lợi nào ở Việt Nam, đó là đưa 3 mực nước về cùng một cao độ, +76,4 m.

Từ cao độ dự kiến 83 m, tương đương với khối lượng di dân, tái định cư là hơn 3.800 hộ, khi cao độ được đưa về “mực nước vàng” 76,4 m, tổng số hộ phải di dân của tỉnh Nghệ An chỉ còn 775, giảm gần 80%. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mực nước lũ kiểm tra của Hồ Bản Mồng được nâng lên 97 cm, thành +77,37 m.

Mặc dù triển khai theo phương án này, ở cụm công trình đầu mối sẽ phát sinh một số hạng mục để đảm bảo xả an toàn ở mực nước lũ kiểm tra trong mùa mưa, nhưng đổi lại chi phí đền bù và áp lực di dân, tái định cư sẽ giảm đi rất nhiều.

Empty

Hiện nay Hồ Bản Mồng đang sẵn sàng thi công những khối lượng công việc cuối cùng để có thể đi vào hoạt động vào năm 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Giữ bằng được xã giàu đẹp bậc nhất Quỳ Châu

Sau khi tìm được “mực nước vàng” cho Hồ Bản Mồng, trong quá trình nghiên cứu thi công lại có một vấn đề về dân cư phát sinh, đó là xã Châu Bình.

Đây là địa phương được cho là trù phú, phát triển nhất nhì huyện Quỳ Châu lại có nhiều thuận lợi về đất đai, giao thông, thủy lợi nên các cơ quan chức năng đã thống nhất vào cuộc tìm phương án giữ bằng được xã này.

Trải qua nhiều phương án, nhiều ý kiến tranh cãi, cuối cùng, phương án xây dựng đập phụ và kênh tiêu được đánh giá là phương án tối ưu để giữ lại được xã Châu Bình, Giám đốc Ban 4 kể lại.

Empty

Ống thép dẫn nước tưới cho khu vực hạ du từ lòng đập với đường kính 3m đang được thi công ở giai đoạn cuối cùng. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đó, một con đập đất với chiều cao từ 16 - 32 m được xây dựng xung quanh xã, tạo thành lá chắn, ngăn cho Châu Bình không bị nhấn chìm khi Hồ Bản Mồng tích nước. Tuy nhiên, thêm một vấn đề nữa là khu vực này có lưu vực lớn, khi xảy ra mưa lũ tích nước rất nhanh và nhiều, để tránh biến cả thị trấn thành ao nước khổng lồ trong mùa mưa, 2 con kênh nữa được ra đời.

Cụ thể, một con kênh rộng 50 m, dẫn thẳng nước từ thượng nguồn vào Hồ Bản Mồng và một con kênh tiêu khác với kích thước đáy rộng từ 8 - 20m được xây dựng để thoát nước cho Châu Bình trong trường hợp nước lũ về nhiều, kênh số một không đáp ứng được.

"Nếu không có hệ thống kênh tiêu, theo tính toán của các nhà khoa học, khi lũ về cả Châu Bình sẽ ngập trong 4 - 5 m nước, coi như xóa sổ", lãnh đạo Ban 4 phân tích thêm.

Với phương án độc đáo này, gần như toàn bộ xã Châu Bình đã được giữ lại, số lượng hộ dân cần di dời, tái định cư giảm từ 775 xuống còn 210 hộ. Bên cạnh đó, còn giữ được trường học, trường mầm non, trụ sở UBND xã, trạm y tế xã, bưu điện, đường điện cao thế, đường QL 48A.

Đặc biệt, phương án "Công trình hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình" đã đạt giải ba Giải thưởng VIFOTEC năm 2011. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, thực hiện giải pháp, kỹ thuật này đã tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng, vào thời điểm năm 2012.

Empty

Hiện nay hồ Bản Mồng chưa tích nước, sông Hiếu vẫn chảy qua các cửa xả đáy của thân đập chính. Ảnh: Tùng Đinh.

Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, Quỳ Hợp (Nghệ An). Lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa), sức chứa 225 triệu m3 nước.

Đây là dự án đa mục tiêu, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho gần 19.000 ha ven sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt với lưu lượng khoảng 22 m3/s và cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra còn tham gia phát điện, cải tạo môi trường, đồng thời kết hợp giảm một phần lũ cho khu vực hạ du sông Hiếu.

Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ NN-PTNT phê duyệt năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, số vốn được phê duyệt là khoảng 3.700 tỷ đồng (trong đó có khoảng 1.500 tỷ đồng cho đền bù tái định cư, giải phóng mặt bằng - chủ yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An). Do không cân đối đủ vốn nên trong giai đoạn 2011-2016, dự án bị tạm dừng thi công. Đến nay, dự án đã hoàn thiện hơn 95% công trình.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).